Tham dự Đại lễ cầu siêu có lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, lãnh đạo Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức Chính trị - xã hội, Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng đông đảo đại diện các cơ quan, thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội; Tăng ni, Phật tử và khách thập phương.
Theo thống kê, mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 20 người bước ra khỏi nhà và không bao giờ quay trở về. Cùng với đó là hàng chục gia đình tan nát vì tai nạn giao thông, hàng trăm người gánh chịu nỗi đau xé lòng vì mất đi người thân yêu. Với tinh thần "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại", Đại Lễ cầu siêu là một nghĩa cử mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm tưởng nhớ những đồng bào không may qua đời vì TNGT.
Sự kiện này cũng gửi đến toàn xã hội lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu do TNGT. Đồng thời, kêu gọi các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân hãy nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT để sự bình yên, an toàn, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà khi tham gia giao thông.
"Đại lễ cầu siêu không chỉ với mục đích cầu nguyện cho linh hồn các nạn nhân không may tử vong do TNGT được siêu thoát mà còn nhắc nhở các Phật tử và mỗi người dân hãy tự trân quý lấy bản thân mình và cùng chung tay với cộng đồng hướng đến mục tiêu ATGT", Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN nói.
XEM THÊM: Hiện trường vụ tai nạn xe ben chở cát tông xe máy khiến người phụ nữ bị đứt chân
Đại lễ cầu siêu năm 2023 nằm trong chuỗi các hoạt động "Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm 2023", hưởng ứng tinh thần Nghị quyết A/74/L.86 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc về "Cải thiện ATGT đường bộ toàn cầu", công bố Thập kỷ hành động thứ hai vì an toàn đường bộ giai đoạn 2021 - 2030.
Nguyễn Lâm