+Aa-
    Zalo

    “Săn” cổ tức kiếm lộc đầu Xuân: Làm thế nào để không sập bẫy nợ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) – Đến hẹn lại lên, vào thời điểm đầu năm, nhiều nhà đầu tư lại bước vào mùa “săn” cổ tức với hy vọng kiếm được “lộc” dịp đầu xuân. Nhưng rủi ro cũng không ít

    (ĐSPL) – Đến hẹn lại lên, vào thời điểm đầu năm, nhiều nhà đầu tư lại bước vào mùa “săn” cổ tức với hy vọng kiếm được “lộc” dịp đầu xuân. Nhưng rủi ro đi cùng cũng không ít.

    "Ngắm đích" doanh nghiệp trả cổ tức khủng

    Còn 1 tháng nữa, đại hội cổ đồng của hàng loạt doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ diễn ra. Thông tin về tỷ lệ trả cổ tức cũng bắt đầu rò rỉ là thời điểm tốt để các nhà đầu tư “lướt sóng” cân nhắc mua vào những mã cổ phiếu hứa hẹn cổ tức cao.

    Năm nay, theo tin tức trên báo Tiền Phong cho biết, “ăn theo” mùa cổ tức trong đầu năm 2015, một nhà đầu tư trên một diễn đàn chứng khoán đã lập hẳn chủ đề “săn cổ ăn cổ tức”. Theo người này, săn cổ tức là lùng những cổ phiếu có truyền thống trả cổ tức cao bằng tiền để mua và hưởng cổ tức. Sau khi lĩnh cổ tức xong sẽ bán đi để thu hồi vốn. Nhiều nhà đầu tư khác góp vào hẳn một danh sách các doanh nghiệp đang nằm trong diện này.

    Dự kiến một số doanh nghiệp sẽ trả cổ tức cao gồm có công ty CP Kinh Đô (Mã: KDC), Công ty Đá Núi Nhỏ (NNC), CTCP Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (PSD), CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS), CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS).

    Trong đó, ấn tượng nhất là công ty Kinh Đô với mức cổ tức “trong mơ” dự kiến có thể lên tới 200\%. Năm qua, công ty bán thành công 80\% mảng kinh doanh bánh kẹo cho đối tác nước ngoài Modelez International thu về xấp xỉ 370 triệu USD (hơn 7.846 tỷ đồng).

    Với thương vụ thành công trên, KDC dự kiến chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 200\%, tức là mỗi cổ phần sở hữu cổ đông sẽ nhận được 20.000 đồng. Với hơn 235 triệu cổ phần đang lưu hành dự kiến KDC sẽ chi ra hơn 4.703 tỷ đồng tiền mặt để chi trả.

    Tuy không ấn tượng như cổ phiếu KDC nhưng một số mã khác cũng hấp dẫn đối với giới “lướt sóng” săn cổ tức. Công ty Đá Núi Nhỏ (NNC) đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức đợt 2/2014 tỷ lệ 30\% bằng tiền mặt.

    Bên cạnh đó, CTCP Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (PSD) sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 45\%, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS) tạm chi trả cổ tức đợt 2/2014 tỷ lệ 40\% bằng tiền mặt. CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) tạm ứng cổ tức 2014 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30\%.

    CTCP Sản xuất kinh doanh & Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) thông báo sẽ thanh toán cổ tức còn lại của năm 2013 tỷ lệ 20\% và tạm ứng cổ tức đợt 1/2014 tỷ lệ 30\% bằng tiền mặt. 

    Làm thế nào để không bị “sập bẫy” nợ cổ tức

    Chia sẻ trên VnExpress, anh Ngọc Hồ - một nhà đầu tư chuyên “săn” cổ tức cho hay, năm nào anh cũng dồn vốn gom hàng từ tháng 2 để chờ cơ hội kiếm lãi trước và trong mùa cổ tức. Anh chuộng các mã có chỉ số cơ bản tốt, khả năng bứt phá trong hai quý đầu năm nhờ hưởng lợi từ các thông tin hỗ trợ như lợi nhuận tăng, cổ tức cao, nguồn tài chính phân bổ hợp lý.

    Chiến thuật của Hồ chia thành 2 hướng. Một là chờ tin tốt, cổ phiếu tăng giá rồi bán. Hai là gom hàng sớm, "ăn" cổ tức xong nhồi thêm đợt pha loãng rồi tùy cơ ứng biến chốt lại trong quý II. "Vẫn có rủi ro nhưng vì tôi chỉ chọn hàng hiệu, kinh doanh ổn định, thanh khoản cao nên nếu lỡ nhịp sóng cổ tức vẫn còn cơ hội ở đợt báo cáo tài chính giữa năm" - anh nói.

    Tuy nhiên, thực tế là việc săn cổ tức cao không hề dễ dàng và cũng không “ngon ăn”. Chỉ có những nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm “lướt sóng” mới có thể hái được “lộc đầu xuân” nhờ cổ tức cao.

    Bởi thực tế, không thiếu các trường hợp cổ đông đến nay vẫn phải mòn mỏi đợi cổ tức của năm 2011, hay đến cuối năm 2014 mới chỉ thanh toán cổ tức 2010 sau nhiều lần gia hạn. Thậm chí ngay cả những doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng vẫn nợ cổ tức với hàng trăm lý do như dành tiền mở rộng hệ thống, để mua bán & sáp nhập (M&A), đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất…

    Ngoài ra, theo các chuyên gia chứng khoán đánh giá, bản thân các cổ phiếu có truyền thống trả cổ tức cao lại phù hợp để nắm giữ dài hạn hơn là “lướt sóng” kiếm lời, bởi thực sự chỉ có doanh nghiệp kinh doanh tốt mới có thể trả cổ tức cao và đúng hạn. Còn những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bình thường mà có thông tin trả cổ tức cao thì phải hết sức thận trọng.

    Trưởng phòng tư vấn tài chính doanh nghiệp TVSI Nguyễn Minh Hưng cũng nhận định: "Nhà đầu tư nên thận trọng khi tham gia những đợt sóng này vì không phải tất cả các doanh nghiệp niêm yết đều có kết quả kinh doanh tốt để chia cổ tức cao. Đôi khi thông tin chia cổ tức bị nhiễu, nhà đầu tư cũng bị thiệt hại không nhỏ".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/san-co-tuc-kiem-loc-dau-xuan-lam-the-nao-de-khong-sap-bay-no-a85172.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan