Theo phản ánh thực tế của hành khách Việt Nam, thức ăn tại sân bay Tân Sơn Nhất “mắc mà dở tệ”, thực đơn "nghèo nàn". Về tình trạng hải quan vòi tiền, có người nói vòi tiền rất trắng trợn, lại có người khẳng định chưa từng bị nhũng nhiễu.
Vừa qua, sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) bị trang web The Guide to Sleeping in Airports xếp hạng sân bay tệ thứ 4 châu Á. Theo đánh giá của trang web này, hạ tầng sân bay Tân Sơn Nhất đã xuống cấp và bị hành khách cáo buộc có tình trạng tham nhũng. Nhiều hành khách cho rằng bị nhân viên hải quan đòi hối lộ để thủ tục được nhanh hơn. Ngoài ra, hành khách còn phàn nàn tín hiệu wifi kém, phòng vệ sinh bẩn và không có nhiều sự lựa chọn về dịch vụ ăn uống.
Phản ứng lại những đánh giá trên, đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho rằng nhà vệ sinh chỉ bẩn khi lượng khách quá tải; nhà hàng, dịch vụ ăn uống đảm bảo phong phú; không có tình trạng nhân viên hải quan nhũng nhiễu và wifi thì đang được cải thiện.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế của PV Dân trí cho thấy, các nhận định đánh giá của trang web trên là có cơ sở. Khoảng 13h30 ngày 21/10, tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, khi truy cập mạng, một nhân viên sân bay nói đùa: “Mạng ở đây chạy nhanh lắm, máy của anh chạy không lại đâu!”. Quả thật, mất khoảng 3 phút chúng tôi mới mở được một trang web. Anh nhân viên giải thích, vì quá đông người nên wifi yếu, truy cập mạng rất khó, nhất là vào giờ cao điểm. Tuy vậy, sau đó vài phút thì việc truy cập nhanh hơn.
Hành khách xếp hàng làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
Về dịch vụ ẩm thực, theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực trước ga quốc nội quả thật không có nhiều sự lựa chọn cho hành khách. Tại đây chỉ có một vài cửa hàng cà phê, đồ ăn nhanh, nhà hàng...
Theo lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, hầu hết các cửa hàng ăn uống được bố trí ở khu vực phòng chờ trên tầng 3. Nguyên nhân hành khách thấy thiếu là vì ít bảng chỉ dẫn, nhiều hành khách không biết để lên tầng 3 ăn uống.
Là người thường sử dụng dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất, anh Lê Thanh H. (33 tuổi, ngụ TPHCM) nói: “Thức ăn tại ga quốc tế được cái mắc mà dở tệ. Thực đơn cũng không phong phú. Tôi không hài lòng về chất lượng dịch vụ ăn uống tại đây”.
Còn về nhà vệ sinh, trong hai ngày liên tiếp “trải nghiệm” nhà vệ sinh tại sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi nhận thấy điều kiện vệ sinh nơi đây không quá tệ. Sàn nhà sạch sẽ, không có mùi hôi thối. Nhân viên vệ sinh thường xuyên ra vào lau chùi.
Qua khảo sát ý kiến 1 số hành khách, hầu hết họ đánh giá chất lượng nhà vệ sinh tương đối khá.
Chị Phạm Thu H. sống tại TPHCM, có gia đình ở Hà Nội, thường xuyên sử dụng dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất, đánh giá: "Nhà vệ sinh sạch hay không một phần còn do ý thức của các hành khách. Cá nhân tôi đi nhiều thấy nhà vệ sinh ổn tất nhiên không thể so sánh với nước ngoài nhưng không quá tệ".
Trong thời điểm vắng khách, nhà vệ sinh khô ráo, sạch sẽ. Tuy nhiên đánh giá cảm quan là chưa đẹp để tương xứng với một Cảng hàng không quốc tế. |
Về một trong những lý do chính khiến sân bay Tân Sơn Nhất bị xếp hạng tệ thứ 4 châu Á là cáo buộc về tình trạng tham nhũng. Về tình trạng này, ông Trần Doãn Mậu - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Nam khẳng định chưa phát hiện và nhận phản ánh về tình trạng nhân viên hải quan nhận tiền của hành khách.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, nhiều hành khách người Việt khẳng định mình là nạn nhân của tình trạng này.
Chị Đ.N.C. (25 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết, bị hải quan vòi tiền là điều "không thể tránh khỏi" ở ga quốc tế. Theo chị, hải quan vòi tiền rất trắng trợn. Cách đây 4 ngày, chị đã phải "van xin đến khóc" để không phải đóng tiền hành lý ký gửi khi qua “ải”.
Theo chị C., quy tắc của hải quan là quần áo cá nhân phải đóng 40.000 đồng/kg; giày, túi xách là 60.000 đồng/kg. Hàng theo kiện to, 1 kiện hàng tầm 20kg thì phải đóng 500.000 đồng.
“Thậm chí nhân viên hải quan còn nói: "Chúng mày giàu lắm, cho người ta ăn bớt với"...”, chị C. kể lại.
Chị cho biết, dù đã kẹp trong passport 1 triệu đồng nhưng vẫn chưa được giải quyết cho qua. Chị phải làm đủ trò, van xin, khóc lóc.... để không phải đóng thêm tiền.
“Mình hay đi nước ngoài, thường 1 tháng đi 2 lần. Cho nên dù rất bức xúc nhưng cũng không dám trình báo vì đã quen mặt, hải quan lại làm khó dễ. Hai năm trước thì đóng hai trăm ngàn là qua. Càng ngày càng khó, nay phải đóng 1 triệu mà còn bị vòi thêm”, chị C. ngao ngán.
Theo chị C., những người thường đi nước ngoài mua hàng, quần áo,... chính là đối tượng hải quan nhắm đến để “vòi vĩnh”.
An ninh sân bay kiểm tra hành lý. |
Còn anh Trương Duy N. (ngụ TPHCM) là người thường xuyên đi nước ngoài lấy hàng về bán, nói: “Hải quan vòi vĩnh là chuyện bình thường. Tùy vào số lượng, giá trị hàng hóa, đồ công nghệ (điện thoại, iPad), tâm lý hành khách mà họ "định giá" rất nhanh”.
Anh N. cho biết, mỗi kiện quần áo khoảng 20kg thì sẽ đóng 500.000 đồng. Dù có xin thế nào thì cũng không thể giảm được. Nếu không nộp tiền thì sẽ đi khai báo thuế. Tiền đóng thuế ít hơn rất nhiều so với tiền phải “lót” cho hải quan, nhưng khi kiểm tra đồ hải quan sẽ rạch nát thùng hàng, bao nhiêu hàng rơi vãi mà không có thùng đóng lại. Chính vì việc này nên hành khách đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà chịu thiệt.
Trong khi đó, chị Phạm Thu H. là người chuyên kinh doanh hàng hóa xách tay, thường nhận hàng gửi từ nước ngoài về, lại khẳng định chị chưa bao giờ bị hải quan hoạnh họe, nhũng nhiễu. Chị H. cho rằng: "Cái gì cũng có nguyên tắc của nó. Hàng phải được đóng thuế theo quy định. Người kinh doanh muốn nhanh thì cứ phải làm đúng theo quy tắc đó".
Theo Dân Trí
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]RpbUswRJFt[/mecloud]