+Aa-
    Zalo

    Sân bay Long Thành: Vẫn thiếu dữ liệu về quy mô đất cần thu hồi và tổng mức bồi thường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đại biểu Quốc hội vẫn còn rất băn khoăn khi báo cáo khả thi dự án sân bay Long Thành vẫn thiếu các dữ liệu chi tiết, chính xác, chắc chắn về quy mô đất cần thu hồi....

    Đại biểu Quốc hội vẫn còn rất băn khoăn khi báo cáo khả thi dự án sân bay Long Thành vẫn thiếu các dữ liệu chi tiết, chính xác, chắc chắn về quy mô đất cần thu hồi, tổng mức bồi thường, phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tái định cư cho người dân một cách phù hợp nhất.

    Cần tính toán lại việc quy hoạch khu nghĩa trang

    Sáng nay, sau khi biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2018, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

    Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những cố gắng của UBND tỉnh Đồng Nai trong thực hiện báo cáo khả thi về sân bay Long Thành để trình Quốc hội cho ý kiến.

    Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khẳng định rất ấn tượng với phần mô tả về thiết kế kỹ thuật dự án, các tính toán rất chi tiết, chính xác đến từng centimet.

    Tuy nhiên, để lựa chọn phương án thu hồi đất, thưc hiện các chính sách hỗ trợ, bồi thường tái định cư cho người dân thì hoàn toàn đồng tình với sự băn khoăn như trong báo cáo thẩm tra mà Uỷ ban Kinh tế đã chỉ ra. Đó là báo cáo dự án này vẫn thiếu các dữ liệu chi tiết, chính xác, chắc chắn về quy mô đất cần thu hồi, tổng mức bồi thường, phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tái định cư cho người dân một cách phù hợp nhất; cũng như chưa đánh giá một cách đầy đủ tác động của dự án.

    Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

    Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần tính toán kỹ giữa cái được và cái mất khi quy hoạch 2 khu tái định cư là khu Lộc An - Bình Sơn và khu Bình Sơn. Theo báo cáo của dự án, trong giai đoạn 2018-2019, dự án sẽ xây dựng xong khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn với diện tích 282,35ha, với 4.823 lô đất dành tới 98% diện tích tái định cư cho 4.727 hộ dân.

    Sau đó, giai đoạn 2018-2019-2020 thì xây dựng tiếp khu tái định cư Bình Sơn với diện tích 282,79ha, phân thành 1.539 lô đất, trong đó 30% lô đất này dành tái định cư cho 469 hộ. Theo phương án này, còn dư ra 1.166 nền đất để xây dựng nhà ở theo mô hình phát triển khu đô thị mới, tiền thu được chính là lợi ích từ xây dựng 2 khu tái định cư.

    Tuy nhiên, việc quy hoạch này sẽ có một số bất cập. Bởi giá đất thay đổi hàng từng ngày trên thị trường. Trong khi 4.727 hộ dân tái định cư Lộc An và Bình Sơn đã nhận tiền đền bù do di dời tái định cư xong từ năm 2018, 2019 thì 469 hộ khu Bình Sơn đến 2020 mới thực hiện di dời tái định cư.

    “Khi đó giá đất trên thị trường thay đổi rất nhiều thì sẽ thực hiện đền bù, bồi thường cho những hộ này theo giá thị trường hay giá của những người đã nhận ở giai đoạn trước. Đây sẽ là nguyên nhân gây ra khiếu kiện về đền bù, tái định cư, và là khó khăn trong giải phóng mặt bằng hiện nay” đại biểu Cường nhận đặt câu hỏi.

    Bên cạnh đó, sân bay Long Thành quy hoạch với lưu lượng tới 100 triệu hành khách, cách TP Hồ Chí Minh 40km, cách Biên Hoà 30km, cách Vũng Tàu 70km, nằm ở turng tâm vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ. Do đó, xung quanh khu vực sân bay Long Thành sẽ hình thành phát triển khu đô thị mới, thành "thành phố sân bay" hàng ngàn ha ở khu vực các xã Lộc An, Bình Sơn, Bình An.

    “Việc hình thành khu tái định cư tại Bình Sơn với quy mô 289,79 ha sẽ phá vỡ quy hoạch để hình thành phố sân bay hiện đại trong tương lai tại khu vực này. Do vậy theo tôi chỉ nên quy hoạch 1 khu tái định cư Lộc An- Bình Sơn, như thế cũng có thể chuẩn hoá 5.196 lô đất để phục vụ cho tái định cư một lần” đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.

    Bên cạnh đó, cần tính toán lại việc quy hoạch khu nghĩa trang tại xã Bình An. Theo báo cáo sẽ quy hoạch khu nghĩa trang 50,9ha tại đây, trong đó 20ha là khu nghĩa trang nhân dân phục vụ cho dự án tái định cư.

    “Với vị trí đắc địa như Long Thành thì đất nghĩa trang có thể còn cao hơn nhiều so với đất đô thị, đất biệt thự. Do vậy đề nghị cân nhắc bài học kinh nghiệm từ nghĩa trang Văn Điển ở Hà Nội quy mô chưa đến 20 ha nhưng là vật cản rất lớn thu hút đầu tư phát triển đô thị hóa phát triển xuống phía nam của thủ đô Hà Nội”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị. Vị đại biểu này cũng bày tỏ: “Tôi e ngại với quy hoạch và tầm nhìn cho dự án như thế thì Long Thành rất khó trở thành thành phố sân bay mà trở thành một thành phố nghĩa trang”.

    Cần chống tái lấn chiếm đất đã thu hồi

    Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng bày tỏ tán thành với chủ trương thực hiện dự án. Tuy nhiên, ông băn khoăn với việc làm thế nào để chống tái lấn chiếm đất.

    “Từ khi có Nghị quyết đến nay đã có rất nhiều hộ 'nhảy dù' vào rồi, các đại biểu cũng phát biểu rằng đã phải bồi thường, tái định cư cho cả những hộ đã 'nhảy dù'. Tôi lo nhất là khi chúng ta thu hồi và sau đó lại tiếp tục tái lấn chiếm, rất khó giải quyết. Chắc chắn toà án của Long Thành sẽ không đủ năng lực để giải quyết các vụ kiện vì các vụ kiện sẽ rất nhiều, phải giải quyết nhiều lần”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

    Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu làm rõ những ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

    Vì vậy, đại biểu này đề nghị cần bổ sung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lợi dụng chính sách để trục lợi, lấn chiếm đất đai đã bị thu hồi. Bên cạnh đó, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, không nên để cho các thành phố mọc lên xung quanh sân bay và đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải cần tổ chức nghiên cứu, để làm sao đảm bảo an toàn bay và đời sống dân sinh. Đặc biệt, cần nghiên cứu để đảm bảo tính hợp lý khi bàn giao đất, tránh ảnh hưởng đến tái định cư, bồi thường từ quỹ hỗ trợ dự án....

    Trước các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia nên khi thực hiện sẽ rất thận trọng. Sau khi Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ phê duyệt thì Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai sẽ rà soát từng phần việc để tổ chức thực hiện công khai, minh bạch.

    Theo Bộ trưởng: “Chúng tôi có niềm tin rằng Đồng Nai có tới hơn 30 khu công nghiệp và các khu công nghiệp này đều có liên quan đến giải phóng mặt bằng, nên kinh nghiệm giải phóng mặt bằng của Đồng Nai rất tốt, tất nhiên là không chủ quan”. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu ủng hộ và cho biết "Sau khi Quốc hội họp chúng tôi sẽ thực hiện các công việc tiếp theo”.

    Trước đó, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành Chính phủ trình Quốc hội từ đầu kỳ họp cho thấy, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 23.049 tỷ đồng, tổng diện diện tích dự kiến thu hồi khoảng khoảng 5.586 ha.

    Ngoài 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 2 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thông qua, dự án cần tiếp tục bố trí bổ sung nguồn vốn 18.049 tỷ đồng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/san-bay-long-thanh-van-thieu-du-lieu-ve-quy-mo-dat-can-thu-hoi-va-tong-muc-boi-thuong-a209185.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan