Mặc dù không có số liệu bóc tách cụ thể, nhưng chắc chắn cho vay tiêu dùng cũng đóng góp một phần không nhỏ vào bức tranh nợ xấu chung của ngành ngân hàng.
Công bố báo cáo tài chính từ các ngân hàng mới nhất cho thấy nhiều biến động bất ngờ từ con số nợ xấu. Ở không ít ngân hàng nợ xấu tăng nhanh, nhất là nợ có khả năng mất vốn.
Cụ thể, qua báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại, tính đến cuối tháng 9/2019, có 23 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng. SHB có tỷ lệ nợ xấu tăng 39%, lên 7.227 tỷ đồng; Techcombank tăng 32%, lên 3.704 tỷ đồng; MBBank tăng 30% lên 3.730 tỷ đồng so với đầu năm 2019.
Nhóm các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank nợ xấu cũng tăng. Vietcombank, chỉ 9 tháng đầu năm, nợ xấu đã tăng thêm hơn 1.400 tỷ đồng, đưa tổng nợ lên hơn 7.600 tỷ đồng, cao hơn so với các năm trước. BIDV có số nợ xấu là 22.436 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm 2019...
Tính chung, tổng số nợ xấu của 23 ngân hàng là hơn 94 nghìn tỷ đồng, tăng 16,15% so với đầu năm. Đáng chú ý, với một số ngân hàng, ngay cả khi tín dụng tăng trưởng chậm, thậm chí không tăng trưởng so với cuối năm 2018 thì nợ xấu vẫn tăng nhanh.
Rủi ro tiềm ẩn từ việc bùng nổ cho vay tiêu dùng lợi nhuận cao. Ảnh minh họa |
Không những thế, nhiều ngân hàng còn có nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh. Chẳng hạn Vietcombank có nợ nhóm 5 chiếm gần 64% trong tổng số 7.600 tỷ đồng nợ xấu; BIDV có nợ nhóm 5 tăng tới 70% lên 12.194 tỷ đồng,...
Tính chung của 23 ngân hàng, nợ nhóm 5 tăng 16,32% so với đầu năm, lên mức hơn 52,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,9% tổng nợ xấu.
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, sở dĩ các ngân hàng đổ xô cho vay tiêu dùng là để tối đa hóa lợi nhuận.
“Tăng trưởng tín dụng ngày càng được siết chặt hơn để ngăn ngừa rủi ro cho hệ thống. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng sẽ có xu hướng đẩy vốn vào những lĩnh vực có biên lợi nhuận cao như cho vay tiêu dùng để tối đa hóa lợi nhuận, bởi lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn nhiều lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực khác”, vị chuyên gia ngân hàng này cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn so với lãi suất cho vay thương mại chủ yếu là do mức độ rủi ro đối với cho vay tiêu dùng cao hơn. Bởi về nguyên tắc, mức độ rủi ro càng cao đòi hỏi lãi suất cho vay phải lớn mới đủ để bù đắp rủi ro. Ngay cả cơ quan quản lý những năm trước đây cũng xem cho vay tiêu dùng có mức độ rủi ro cao và không khuyến khích cho vay đối với lĩnh vực này.
Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh mảng bán lẻ bởi có lãi suất cao và giúp tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, điều đáng ngại là một số ngân hàng đã hạ thấp chuẩn khách hàng vay tiêu dùng nhưng lại tăng lượng tiền cho vay để cạnh tranh giành thị phần. Nhiều ngân hàng đang cho khách hàng vay và thấu chi những khoản lớn qua thẻ tín dụng.
Theo giới tài chính, lĩnh vực vay tiêu dùng tăng mạnh, nhất là với những quốc gia có thu nhập thấp thì rủi ro rất cao. Cho vay dễ dãi, nếu gặp khó khăn, sẽ gây ra hậu quả rất lớn.
Vũ Đậu(T/h)