Vào mùa giao phối, du khách lại có cơ hội chứng kiện cảnh tượng hơn 70.000 con rắn xâm chiếm khu bảo tồn hoang dã ở Manitoba.
Hàng nghìn con rắn đực tranh nhau giao phối với một con rắn cái |
Nếu mùa xuân ở Nhật Bản đặc trưng bởi hoa anh đào khoe sắc, Hà Lan được chào đón bởi những cánh đồng hoa tulip, thì tỉnh Manitoba của Canada lại có một điểm khác biệt để hút khách. Đó là khi hàng nghìn con rắn sọc đỏ rời khỏi hang ổ và xâm chiếm mặt đất.
Không cần quảng bá rầm rộ, hằng năm cứ đến mùa xuân cơ quan du lịch tỉnh Manitoba lại ghi nhận hàng nghìn du khách đổ về xem các ổ rắn ở Narcisse. Ai cũng muốn có cơ hội chứng kiến nghi thức kết đôi độc đáo của loài bò sát này.
Mùa giao phối của rắn sọc đỏ, có tên khoa học là Thamnophis sirtalis thường bắt đầu từ ngày chủ nhật thứ 2 của tháng 5 và kéo dào khoảng 10 ngày. Nhưng năm nay, do điều kiện thời tiết khiến cuối tháng 5 chúng mới rời khỏi hang.
Vùng Narcisse sở hữu điều kiện lý tưởng để loài rắn sinh sôi. Trên bề mặt nền đá vôi là lớp đất mỏng, kèm thêm hiện tượng xói mòn tạo thành mạng lưới những hang nhỏ.
Nếu điều kiện thổ nhưỡng này là khắc tinh của nông dân tỉnh Manitoba, khiến họ bỏ cuộc với vùng đất hàng chục năm trước, nhưng lại trở thành ngôi nhà mùa đông lý tưởng cho loài bò sát không chân.
Vào mùa cao điểm, công viên rắn thu hút hàng nghìn khách mỗi ngày |
Các nhà nghiên cứu cho biết, hoạt động giao phối của loài rắn ở đây rất kỳ lạ bởi xảy ra hiện tượng hàng nghìn con rắn đực tranh nhau một rắn cái. Khi rắn đực phát hiện thấy chất Pheromone từ rắn cái tiết ra, nó sẽ nhanh chóng bò trườn qua cả nghìn “đối thủ” để tiếp cận “bạn tình”. Đó là một cuộc chiến không hề dễ dàng để tranh giành nhau được quyền giao phối.
Rắn đầu đỏ không có nọc độc gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Vết cắn của chúng chỉ gây cảm giác đau nhói tương tự "một cái cụng đầu", chứ không làm xé da xét thịt như nhiều loài rắn khác. Khu công viên hoang dã phía bắc Narcisse còn bố trí những băng ghế dài cho du khách cắm trại ngoài trời, bảng thông tin và những con đường mòn rải sỏi trong rừng.
Người ta có thể lầm tưởng Narcisse là một thị trấn ma nếu không có khu bảo tồn rắn được quản lý bởi cơ quan bảo vệ động vật hoang dã tỉnh Manitoba. Chính quyền địa phương mô tả đây là ngôi nhà mùa đông của gần 70.000 cá thể rắn đầu đỏ. Tuy nhiên, giáo sư Mason và nhiều đồng nghiệp thường chọn những khu ổ rắn vắng vẻ, nằm trong những mảnh đất tư nhân để tiến hành nghiên cứu.
Rắc sọc đỏ không độc nên gần như vô hại với con người |
Một du khách lần đầu tới Narcisse cho biết: “Nhìn lũ rắn bò nhung nhúc dưới đất khiến tôi muốn nôn. Nhưng khi lấy một con dưới đất cầm trên tay, bạn thấy chúng cũng hiền lành, không ghê rợn như tưởng tượng”.
Công viên ở phía bắc Narcisse là nơi có nhiều rắn tập trung nhất vào mùa giao phối. Khu vực này sâu khoảng 3-5m với bề mặt đá vôi phủ rêu, rộng tương đương với một phòng ăn cỡ lớn.
Vào thời gian cao điểm, hang động rắn có thể đón tiếp tới 1500 du khách tới thăm mỗi ngày. Bất cứ ai đến đây cũng được tham quan miễn phí.
Dù không được phép đi vào trong hang nhưng du khách vẫn có thể dễ dàng quan sát mọi thứ từ bên ngoài. Những con rắn sọc đỏ này được coi vô hại vì không độc, nhưng du khách vẫn được khuyến cáo nên thận trọng khi tiếp xúc
Khi những người khai hoang đầu tiên từ châu Âu đặt chân đến Narcisse, rắn từng bị xem là một sự phiền phức cần phải diệt trừ. Người dân địa phương lùng bắt rắn để bán làm thú cưng hoặc vật thí nghiệm. Số lượng rắn giảm đến mức báo động vào cuối thập niên 1980 và buộc địa phương mở khu bảo tồn. Giờ đây, rắn sọc đỏ lại được xem như những người hùng vì thu hút hàng nghìn khách du lịch đến Narcisse mỗi năm.
Quỳnh Chi(T/h)