Đa phần người dân Úc đều dựa vào màu sắc để xác định xem đó có phải là rắn độc hay không? Song có những con rắn lại có khả năng "ngụy trang" để đánh lừa con người.
[presscloud]13685[/presscloud]
Hôm 4/12, người ta bắt được một con rắn Eastern Brown dài 1,5 m tại một ngôi nhà ở phía Đông thị trấn Cessnock, bang New South Wales. Ban đầu, người dân địa phương không biết đó là con rắn có nọc độc vì thân mình nó được bao phủ màu bạc thay vì màu nâu thường thấy ở loài rắn Eastern Brown.
Con rắn Eastern Brown "biến hình" thành màu bạc - Ảnh: Daily Mail |
Giải thích về sự khác lạ này ông Paul Hampton, đội trưởng Đội cứu hộ ở Cessnock, người đã bắt được con rắn nói với Daily Mail rằng một số con rắn Eastern Brown chuyển từ màu nâu sang màu xám trước khi lột da. "Chúng có khá nhiều biến thể màu khác nhau và vào thời điểm trước lúc lột da, chúng có màu óng ánh bạc", ông Hampton nói.
Ông Hampton khuyên, tốt nhất nên tránh xa tất cả các loại rắn nếu vô tình gặp chúng.
Đội trưởng đội cứu hộ cho biết thêm, người phụ nữ đã giẫm lên con rắn khi miệng nó đang ngoạm chặt một con chuột. Sau đó, họ đã được gọi đến xử lý và con vật cuối cùng đã được thả đi.
Rắn Eastern Brown thường có màu vàng - Ảnh: Minh họa |
Loài rắn Eastern Brown được tìm thấy trên khắp bờ biển phía Đông của Úc và có thể dài tới 2,5 m. Chúng chỉ hoạt động vào ban ngày, di chuyển nhanh và thích môi trường sống khô ráo. Một vết cắn của nó có thể giết chết một người trưởng thành trong vòng nửa giờ.
Theo số liệu thống kê, từ 2000-2016 ở Úc đã có 35 người tử vong do rắn cắn, trong đó có 23 trường hợp bị Eastern Brown cắn.
Theo trang news.com.au, hơn 70% số người chết vì rắn cắn là đàn ông và 20% tử vong sau khi cố gắng bắt hoặc giết con rắn.
Quỳnh Chi(T/h)