+Aa-
    Zalo

    Quy định cấm dạy thêm không chặt, học sinh khổ... từ lớp 1

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mặc dù bộ GD&ĐT cấm việc dạy thêm ở bậc tiểu học, tuy nhiên trước nhu cầu phụ huynh và áp lực từ việc học trên lớp, đã có không ít giáo viên lách luật để mở lớp dạy thêm.

    Mặc dù bộ GD&ĐT cấm việc dạy thêm ở bậc tiểu học, tuy nhiên trước nhu cầu phụ huynh và áp lực từ việc học trên lớp, đã có không ít giáo viên “lách luật” để mở lớp dạy thêm.

    Học sinh lớp 1 ở nhiều nơi đang khổ vì không ít giáo viên “lách luật” để mở lớp dạy thêm. Ảnh minh hoạ.

    Ngày trên lớp, tối học thêm

    Những ngày Hà Nội lạnh hơn 100 C, càng tối, trời càng lạnh nhưng sau khi tan sở, chị Hương Bình (Hà Nội) vội vàng mua chiếc bánh mì kẹp thịt rồi đến trường đón con, giục con ăn nhanh còn đến lớp học thêm nhà cô.

    Mới lớp 1 nhưng một tuần có đến 4 buổi con chị Bình phải đi học thêm nhà cô giáo chủ nhiệm, trong đó có 3 buổi học tiếng Việt và 1 buổi học Toán.

    Lúc đầu chị Bình cũng nói không với việc cho con đi học thêm vì chị nghĩ tuổi của con chỉ cần khỏe mạnh, đến lớp đọc viết bình thường là được. Thế nhưng, lứa của con chị là lứa đầu tiên học chương trình sách giáo khoa mới lớp 1 với thay đổi, có những chỗ chị Bình bó tay không biết giải thích cho con ra sao.

    “Rồi cô giáo chủ nhiệm liên tục gọi điện nói con tôi tiếp thu chậm, viết xấu, đề nghị bố mẹ tăng cường phối hợp với nhà trường kèm cặp. Ngày nào cũng ăn cơm xong hai mẹ con đánh vật với bài vở nhưng đâu cũng vào đó, cô giáo vẫn gọi điện nhắc liên tục.

    Biết cô dạy thêm ở trung tâm gần trường nên tôi cho con đi học luôn. Từ hôm cho con đi học, không thấy cô phản ánh cháu viết xấu, về nhà tôi dạy con cũng đỡ áp lực”, chị Bình tâm sự.

    Chiều Thứ Bảy nhưng chị Thúy Nga (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vội vàng giục đứa con lớp Lá mặc chiếc áo ấm, cầm cặp sách đến lớp học. Khi được hỏi, chị có từng nghe chuyên gia khuyến cáo rằng không nên cho con học khi mới học lớp 1 không thì chị Nga bình thản đáp rằng cho con đi học thêm là một nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh như chị, bởi lẽ làm kinh doanh nên hai vợ chồng chị Nga rất bận, lại không có nghiệp vụ sư phạm nên không tự tin dạy con.

    “Xã hội đã có phân công lao động rõ ràng. Tôi quan niệm là giáo viên thì dạy học sinh sẽ là tốt nhất, còn nếu làm kinh doanh như vợ chồng tôi thì buôn bán mới là sở trường. Vậy tại sao xã hội có phân công lao động rõ như vậy lại cấm việc dạy thêm?

    Phụ huynh không dạy được con tốt nhất nên có nhu cầu cho con đến lớp để được thầy cô hỗ trợ có gì sai? Mọi người cứ nghĩ học thêm là xấu, học thêm cũng có những lớp học dạy con kỹ năng thiết yếu, kỹ năng phát triển tư duy, định hướng năng lực cho con. Tôi nghĩ thế còn hơn cho bọn trẻ ở nhà với điện thoại và ti vi, cha mẹ không có thời gian lại quát mắng thành ra sứt mẻ tình cảm”, chị Nga nói.

    Giáo viên lách luật?

    Thạc sĩ Nguyễn Phương Anh (trường đại học Sư phạm Hà Nội) nói: “Bộ GD&ĐT cấm dạy thêm bậc tiểu học nhưng lại không quy định rõ ràng khiến nhiều giáo viên vẫn có thể lách luật dạy thêm. Luật quy định giáo viên trường công không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng họ lại có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Tức là không tổ chức nhưng vẫn tham gia dạy thêm được.

    Giáo viên tham gia dạy thêm không được dạy học sinh mình đang dạy chính khóa ở trường khi chưa báo cáo hiệu trưởng. Thế nhưng, thực tế, khi giáo viên liên kết với các trung tâm dạy thêm thì hiệu trưởng cũng không thể biết họ có dạy học sinh trong trường của mình hay không vì không thể đến trung tâm kiểm tra được”.

    Theo thạc sĩ Phương Anh, nếu cấm dạy thêm triệt để thì phải có quy định cụ thể, nghiên cứu các khả năng, trường hợp cụ thể để giáo viên không thể lách luật được. Hơn nữa, hiện nay phụ huynh ở các thành phố lớn rất chú trọng đầu tư việc học hành cho con em mình.

    “Cấm học thêm, nhưng chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1 lại vô vàn kiến thức mà bố mẹ chịu không thể dạy được con. Lớp 1 mà học những câu văn dài dằng dặc thì phụ huynh đưa con đi học thêm là nhu cầu chính đáng của họ. Thay vì cấm dạy thêm tôi nghĩ nên tiếp cận dạy thêm, học thêm ở góc độ tổ chức giảng dạy học tập theo kiểu nối dài các môn học chính khóa trong trường, trong phạm vi học 2 buổi/ngày là quá đủ.

    Điều quan trọng không kém so với giảm tải chương trình là cần tăng thêm các chế độ đãi ngộ cho giáo viên. Cụ thể là trả tiền dạy tăng giờ, tăng tiết, tiền buổi 2 đầy đủ để giáo viên có thêm thu nhập và không phải lo chuyện “cơm, áo, gạo, tiền”. Tôi tin rằng sau một ngày làm việc vất vả ở trường không giáo viên nào thích tối còn phải ngồi dạy thêm cho học sinh. Nếu họ không bị gánh nặng kinh tế họ cũng sẽ chuyên tâm và cống hiến cho công việc nhiều hơn” – Thạc sĩ Phương Anh nhấn mạnh.

    Sở GD&ĐT TP.HCM ra văn bản “Cấm tuyệt đối”

    Sau khi sở GD&ĐT TP. HCM nhận nhiều phản ánh từ phụ huynh, giáo viên về hoạt động dạy thêm, học thêm tại một số trường tiểu học. Khi đi ghi nhận thực tế và cũng nhận thấy vấn đề này, sở GD&ĐT đã ra văn bản yêu cầu: "Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống". Sở yêu cầu các phòng GD&ĐT phổ biến quy định, giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm. Trường hợp dạy thêm, học thêm phải được xử lý nghiêm.

    Hoàng Thanh

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (3)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quy-dinh-cam-day-them-khong-chat-hoc-sinh-kho-tu-lop-1-a352226.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan