Tiền Phong đưa tin, tối 14/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang ký công văn khẩn yêu cầu các địa phương rà soát, chủ động di dời người dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở núi đến nơi an toàn.
Theo đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó bão số 3 và mưa, lũ sau bão vừa qua tại các tỉnh phía Bắc, tiếp tục quán triệt, triển khai đầy đủ các nội dung chỉ đạo. Chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện công tác phòng chống lụt, bão và triển khai ứng phó sạt lở núi, đồi, ngập úng đô thị trên địa bàn…
Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, rà soát các khu dân cư, nhà dân, trụ sở cơ quan, đơn vị trên địa bàn (nhất là tại các khu vực miền núi), nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét phải có phương án sớm, cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn.
Sở Công thương chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện kiểm tra các điều kiện an toàn công trình; tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, ngày 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn có chỉ thị tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn công trình cầu giao thông trong mùa mưa, bão năm 2024.
Theo chỉ thị, cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước tại khu vực các tỉnh phía Bắc, trong đó vụ việc sập đổ cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), sạt lở trên các tuyến giao thông và lũ quét đã làm nhiều người chết, mất tích.
Nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, diễn biến thiên tai trong thời gian đến rất phức tạp, nguy cơ bão, mưa, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Do vậy, để chủ động các biện pháp sẵn sàng ứng phó thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở GTVT, Sở NN-PTNT, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các công trình cầu thuộc phạm vi quản lý.
Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các công trình cầu lớn vượt sông, các công trình cầu đã đưa vào khai thác, sử dụng nhiều năm. Quan tâm đến việc kiểm tra đánh giá các tác động ảnh hưởng đến kết cấu công trình phần dưới móng, trụ cầu, bị ảnh hưởng bởi dòng chảy, biến đổi địa chất sau nhiều năm khai thác, vận hành để đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp theo mức độ ảnh hưởng và yêu cầu kỹ thuật. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện đối với các cầu đang hạn chế tải trọng.
Trước tình trạng cầu Trà Khúc 1 xuống cấp, phương án làm cầu mới thay thế đã được chính quyền Quảng Ngãi tính đến, dự án cũng đã được HĐND thông qua. Thế nhưng, do nguồn vốn gặp khó khăn nên dự án có mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng này thay vì dự kiến khởi công trong quý III/2024 đã phải bị đề xuất dời sang giai đoạn 2026-2030.