(ĐSPL) - "Việc quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube... cũng là một hình thức quảng cáo và sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật về quảng cáo" - Luật sư Phạm Văn Khánh khẳng định.
Mới đây, trên trạng mạng xã hội facebook, youtube xôn xao bởi những clip "nổi như cồn" với nội dung quảng các các bài thuốc gia truyền chữa bách bệnh do "thần y" với nick name Bui Phan hay Phấn Tuân đăng tải.
Những clip quảng cáo "kiểu mới"
Theo đó, những clip quảng cáo ghi lại cảnh một người phụ nữ trung tuổi tự xưng tên là Phấn, trên tay cầm gói/chai thuốc giới thiệu thuốc gia truyền Bùi Thị Phấn đặc trị khỏi các bệnh zona thần kinh, viêm xoang, viêm gan A, viêm gan B, viêm gan C, trĩ nội, trĩ ngoại, ung thư, u lành tính, gan nhiễm mỡ, men gan cao.....
Trên trang mạng Facebook Phan Bui đăng tải nhiều hình ảnh, clip quảng cáo thuốc gia truyền chữa bách bệnh. - Ảnh: Chụp màn hình |
Với lời lẽ khiếm nhã, nội dung quảng cáo "bất thường", các clip sau khi đăng tải đều nhận được sự chú ý, bình luận của cộng đồng mạng. Đa số, mọi người đều có những bình luận mang tính trêu chọc "thần y" Bùi Thị Phấn và cho rằng người này có biểu hiện không bình thường. Tuy nhiên, vẫn có những người bày tỏ sự tin tưởng trình bày các biểu hiện của bệnh đang mắc để được tư vấn hay hỏi về giá cả; địa chỉ của "cửa hàng", thậm chí có những người không chỉ giới thiệu bạn bè mua mà còn khuyên "học hỏi" cách "quảng cáo".
Hành lang pháp lý về Quảng cáo bán hàng
Dấu hỏi xoay quanh Clip quảng cáo thuốc của "thần dược" Bùi Thị Phấn đăng tải trên mạng xã hội như vậy có nguy cơ bị "tuýt còi" không? khi thuốc là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người cần phải đáp ứng điều kiện quảng cáo chặt chẽ.
Trao đổi với PV về những căn cứ pháp lý liên quan tới hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, Luật sư Phạm Văn Khánh - Công ty luật Vinabiz cho biết:
"Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân." (Khoản 1, Điều 2 Luật Quảng cáo)
Điều 17 Luật Quảng cáo quy định về các phương tiện quảng cáo, gồm: báo chí, trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối, các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình, phương tiện giao thông...
Căn cứ theo đó, Luật sư Khánh khẳng định: "Như vậy, có thể hiểu rằng, bằng việc sử dụng và thông qua các phương tiện quảng cáo (báo chí, trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, các sản phẩm in ấn, bản ghi âm, ghi hình...) để giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (cho dù sinh lời hay không sinh lời) đến công chúng là hoạt động quảng cáo."
Luật sư Phạm Văn Khánh - Công ty luật Vinabiz |
Facebook, Youtube, Linkdle là mạng xã hội và theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ: Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác
Tại khoản 4 Điều 20 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP có quy định: "Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp".
“Như vậy, Facebook; Youtube... là trang mạng xã hội có thể cung cấp dịch vụ tạo lập các trang thông tin điện tử cá nhân và theo quy định của pháp luật về quảng cáo, trang thông tin điện tử cá nhân cũng là một trong những phương tiện quảng cáo. Và việc quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube... cũng là một hình thức quảng cáo, chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật về quảng cáo." - Luật sư Khánh nhận định
Thuốc là sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người nên pháp luật quy định rất chặt chẽ về điều kiện, trình tự quảng cáo thuốc. Cụ thể, tại khoản 5 Điều 7 Luật Quảng cáo quy định cấm quảng cáo đối với “Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc".
Về trường hợp các loại thuốc được phép quảng cáo, "việc quảng cáo phải tuân theo các quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, quảng cáo thiếu thẩm mỹ, quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn, quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng... (Điều 8 Luật Quảng cáo), cũng như các quy định về nội dung quảng cáo thuốc, các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc, thông tin, hình ảnh bị cấm sử dụng trong quảng cáo thuốc... (Điều 3 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo)." - Luật sư Khánh nói.
Điều 8. Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo (Luật Quảng Cáo 2012) 1. Quảng cáo những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều 7 của Luật này. 2. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh, quốc phòng. 3. Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. 4. Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội. 5. Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước. 6. Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật. 7. Quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân. 8. Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. 9. Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. 10. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác. 11. Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 12. Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh. 13. Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. 14. Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em. 15. Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn. 16. Treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo. |