3 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc có dấu hiệu ôi thiu bị thu giữ tiêu huỷ
Ngày 23/9, Đội Quản lý thị trường số 2 Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã kiểm tra đột xuất địa điểm kinh doanh của một tiểu thương bán thịt tại chợ Đồng Quang, phường Quang Trung, thành phố Thái Nguyên.
Thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra ghi nhận các sản phẩm từ thịt lợn được tiểu thương này bày bán tại ki-ốt trong chợ Đồng Quang không có dấu kiểm dịch đủ điều kiện đảo bảo an toàn thực phẩm trước khi lưu thông ra thị trường. Phía chủ cơ sở kinh doanh cũng không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa đang kinh doanh tại quầy hàng. Tổng số lượng hàng hóa tại thời điểm này khoảng 1 tấn.
Tiếp tục kiểm tra kho chứa hàng trên tầng 2 của chợ Đồng Quang, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện 15 thùng xốp và 5 tủ lạnh thuộc sở hữu của chủ cơ sở kinh doanh trên đều chứa trữ thịt, các sản phẩm từ thịt lợn và một số sản phẩm khác đã để đông lạnh nhiều ngày, không thời hạn, đang có dấu hiệu ôi thiu, có mùi khó chịu, biến đổi màu sắc và hình dạng ban đầu.
Qua quá trình đấu tranh chủ cơ sở kinh doanh cho biết, số hàng hóa trên được mua lại từ nhiều nguồn khác nhau để kinh doanh kiếm lời. Tuy nhiên người này không xuất trình và chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa nói trên.
Ngay trong đêm 23/9, toàn bộ hàng hóa vi phạm đã bị lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy tại Bãi rác Đá Mài, xóm Hồng Thái, xã Tân Cương. Theo quy định của pháp luật, đối với hành vi vi phạm trên, mức phạt mà cơ sở vi phạm phải nộp khoảng trên 100 triệu đồng.
Thu giữ nhiều bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 24/9 Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, Đội Quản lý thị trường số 22 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, quận Bắc Từ Liêm tạm giữ 1.800 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong khi đó tại Hải Dương Đội Quản lý thị trường số 5 Cục Quản lý thị trường Hải Dương phối hợp cùng Công an tỉnh Hải Dương kiểm tra cũng phát hiện hàng trăm chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tết Trung thu là thời điểm nhiều loại bánh “ba không” (không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi nhãn hàng hóa, không được kiểm tra về chất lượng) được các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng đưa ra lưu thông trên thị trường.