(ĐSPL) - Đại sứ Đức tại Bắc Kinh cho biết vẫn còn có quá nhiều bất đồng khiến cho Trung Quốc và Nga khó có thể thành lập một liên minh chống phương Tây.
Đại sứ Đức tại Bắc Kinh Michael Clauss nói Trung Quốc và Nga không có khả năng hình thành một liên minh chống phương Tây, mặc dù hai bên đã thống nhất quan điểm về một số cuộc xung đột.
|
Đại sứ Đức tại Bắc Kinh Michael Clauss: Trung Quốc và Nga không có khả năng hình thành một liên minh chống phương Tây. |
Đại sứ Michael Clauss nói với báo “Bưu điện Hoa Nam buối sáng” rằng mặc dù Nga và Trung Quốc có cùng quan điểm về một số vấn đề trên thế giới, nhưng sẽ là cường điệu khi nói hai nước đã tạo thành một liên minh vì vẫn tồn tại “bất đồng về nhiều vấn đề khác”, trong đó có cuộc khủng hoảng Ukraina.
Tại một hội nghị thượng đỉnh an ninh tại Thượng Hải hồi tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố phản đối việc can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và phản đối biện pháp trừng phạt đơn phương - một động thái được cho là nhắm vào Mỹ.
Bắc Kinh vốn coi việc Mỹ hỗ trợ an ninh cho Nhật Bản và Philippines, hai nước đang có tranh chấp lãnh thổ quyết liệt với Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, là xâm phạm lợi ích quốc gia.
Để củng cố quan hệ song phương, Nga và Trung Quốc vừa tổ chức tập trận hải quân ở một khu vực nhạy cảm trên Biển Hoa Đông.
Nhưng Đại sứ Michael Clauss chỉ ra rằng Trung Quốc đã không luôn luôn đứng về phía Nga. Trong khi kiềm chế không chỉ trích cách hành xử của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng - chứ không phải phủ quyết – một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Ông nói: “Trung Quốc đã không hỗ trợ các hành động của Nga ở Ukraina. Điều đó đã trở nên rất rõ ràng tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.
Đại sứ Michael Clauss nói tiếp: "Trung Quốc dường như không hài lòng trước việc Nga đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế, gạt ra rìa những nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ và không can thiệp bằng cách chiếm một phần lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền”.
Về tranh chấp Biển Đông, đại sứ Clauss cho biết Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn. Thế nhưng nếu Bắc Kinh trở nên "quá quyết đoán", các nước nhỏ hơn sẽ có xu hướng hình thành liên minh chống Trung Quốc.
Đại sứ Clauss cũng hạ thấp tầm quan trọng của thỏa thuận rất lớn về khí đốt tự nhiên giữa Trung Quốc và Nga - một động thái được các nhà quan sát coi như một thứ “phao cứu sinh” giúp Matxcơva đối phó với các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan đến việc chiếm đóng bán đảo Crimea.
Theo thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD này, Nga cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận khí đốt lịch sử này đã bị đình trệ hơn một thập kỷ vì bất đồng về giá cả, nhưng đã được hoàn thành vào tháng trước , khi Tổng thống Putin đến thăm Thượng Hải.
Về chuyện này, Đại sứ Michael Clauss nhận xét: "Cuối cùng, Nga đã phải đưa ra nhiều nhượng bộ để đạt được một thỏa thuận về giá bán khí đốt. Tôi sẽ không cho rằng chữ ký của Trung Quốc là một sự nhượng bộ với Nga. Trung Quốc đã bước vào bàn đàm phán trên thế mạnh”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-he-trung-nga-kho-hinh-thanh-lien-minh-chong-phuong-tay-a38531.html