+Aa-
    Zalo

    Quan chức phát ngôn: "Uốn lưỡi hơn 7 lần" trước khi nói?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cổ nhân có câu “ưốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Vậy, khi phát ngôn liên quan đến hàng triệu người, đến hình ảnh của các cơ quan hành chính, thì số lần mà quan chức phải "uốn lưỡi" sẽ là bao nhiêu?

    (ĐSPL) - Cổ nhân có câu “ưốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Vậy, khi phát ngôn liên quan đến hàng triệu người, đến hình ảnh của các cơ quan hành chính, thì số lần mà quan chức phải "uốn lưỡi" sẽ là bao nhiêu?

    Ngay sau phát ngôn “điều chỉnh một tí đã rùm beng lên” của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, dư luận đã lập tức dậy sóng. Dư luận, báo chí bức xúc vì “một tí” của Cục trưởng trị giá tới 339 triệu USD, tương đương với hơn 7 nghìn tỷ. Có người đặt câu hỏi, vậy “hai tí”, hoặc “nhiều tí” của ông Cục trưởng sẽ là bao nhiêu?

    Trước sự việc này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã tạm đình chỉ chức vụ của Cục trưởng Đường sắt Việt Nam. Lý do được Bộ GTVT đưa ra là phát ngôn của ông Cục trưởng đã gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành GTVT. Đây là trường hợp hiếm hoi một “quan chức” bị tạm mất chức vì lời ăn tiếng nói.

    Quan chức phát ngôn:
    Ông Nguyễn Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đường sắt vừa bị tạm đình chỉ chức vụ.

    Cách xử lý của Bộ trưởng Thăng có lẽ là cần thiết để chấn chỉnh thái độ và tư duy của quan chức trong việc ứng xử với công luận, với báo chí, truyền thông.

    Từ xưa, cổ nhân đã dạy: “Lời nói đọi máu”, “nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy”, “trượt chân thì dễ, trượt miệng thì khó”, “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Những lời răn dạy của cổ nhân vẫn chưa cũ. Thế nhưng gần đây, những phát ngôn của quan chức luôn là nguyên nhân khiến dư luận dậy sóng như “đường cong mềm mại”, “không công bố dịch không có nghĩa là không có dịch”… 

    Đã là người đứng đầu, đương nhiên lãnh đạo không thể tránh khỏi việc đối mặt với những vấn đề nóng, nhưng chính những phát ngôn và cách ứng xử của các quan chức lại châm ngòi cho sự phản đối từ dư luận.

    Còn nhớ năm 2013, một vị Phó cục trưởng đã nhận định các phóng viên là “thiểu năng”. Quan chức này đã phải đưa ra lời xin lỗi sau đó nhưng những bài học kiềm chế cảm xúc trước báo giới, công luận vẫn chưa được rút ra.

    Một vị Bộ trưởng khi nói về cách xử lý những trường hợp bệnh nhi chết vì tiêm vắc-xin đã lỡ lời khi bảo: “lỗi vắc-xin thì xử lý vắc-xin” khiến dư luận vừa tức, vừa buồn cười. Cũng chính vị Bộ trưởng này đã từng nói: thiếu giường bệnh thì phải hỏi nhà nước?! Rồi một bác sĩ trong ngành hồn nhiên tuyên bố: số bệnh nhân chết trong khi tôi điều trị cũng… vài chục người.

    Thật ra, những phát ngôn kiểu này không phải là không có cơ sở. Việc thiếu giường bệnh đúng là có vai trò của nhà nước. Nhưng vị Bộ trưởng là “tư lệnh ngành” đại diện cho nhà nước trong lĩnh vực đó nên những phát ngôn như vậy sẽ làm cho cho dư luận thấy "chói tai", phản ứng là điều đương nhiên. Cũng vậy, tử vong khi điều trị cũng là một thực tế, nhưng phát ngôn hồn nhiên của vị bác sĩ nọ khiến dư luận không thấy bóng dáng của lòng từ bi, thương cảm cũng như trách nhiệm và sự khéo léo trấn an.

    Mới đây nhất, vị tư lệnh ngành giáo dục sau khi đi nước ngoài về đã trả lời công luận rằng: Con số 34.000 tỷ (liên quan đến đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông) là một sai sót đáng tiếc. Lý do vị này đưa ra là: Ông đi nước ngoài nên không biết chuyện phát ngôn của cấp phó. Công luận lại một phen có cớ xì xào, bàn tán. Người ta tự hỏi, với thời đại thế giới phẳng, liệu lý do vị “tư lệnh ngành” này đưa ra có hợp lý?

    Mặt khác, điều 2.1, điểm (c) Quyết định 25 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phát ngôn ghi rõ: “Người đứng đầu cơ quan hành chính có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn”. Vì vậy, việc vị “tư lệnh ngành” giáo dục phát ngôn như thế khiến công luận không thể đặt nghi vấn về cách làm việc của Bộ này. PGS Văn Như Cương trong lần trao đổi với báo Đời sống và Pháp luật đã đặt câu hỏi: “Chẳng lẽ vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm?”.

    Tiến trình dân chủ hóa đất nước hiện nay đang đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, tính công khai minh bạch trong phát ngôn của quan chức trước công luận. Vì vậy, việc phát ngôn cần phải được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, thận trọng, chính xác và trung thực. Những yêu cầu này không phải là quá khó khăn nếu các cơ quan hành chính tuân thủ yêu cầu của Quyết định 25 về phát ngôn, mà nội dung của nó là yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước và người phát ngôn được ủy quyền phải có năng lực tổng hợp thông tin cũng như bản lĩnh trước báo giới, công luận. Chỉ có thế, những phát ngôn làm nức lòng công luận, làm yên lòng dân mới trở thành dấu hiệu cho một nền hành chính phục vụ đang phát triển.

    Có lẽ cần phải nhắc lại lời của cổ nhân rằng: “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Trong giao tiếp bình thường đã phải uốn lưỡi 7 lần. Vậy khi những phát ngôn liên quan đến hàng triệu người, đến hình ảnh của các cơ quan hành chính, thì số lần mà quan chức phải "uốn lưỡi" sẽ là bao nhiêu? Chẳn hẳn sẽ không có con số cụ thể, nhưng người lãnh đạo phải "uốn lưỡi hơn 7 lần", suy nghĩ hết sức thận trọng trước khi nói cũng như lường trước hệ quả của những phát ngôn của mình trước công luận.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-chuc-phat-ngon-uon-luoi-hon-7-lan-truoc-khi-noi-a31018.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan