Mặc dù việc Phòng khám đa khoa Việt Hàn quảng cáo "bừa" hình ảnh bác sỹ trên website của mình đã được phản ánh tới Sở Y tế Hà Nội, nhưng đơn vị này vẫn lặng im trước dư luận.
Xóa “dấu vết” vi phạm
Liên quan đến việc Phòng khám đa khoa Việt Hàn (PKĐK) có hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của các bác sỹ nổi tiếng. Sau khi Đời sống pháp luật có bài phản ánh, website://viethanhospital.com của phòng khám này hiện nay không thể truy cập, đồng nghĩa với việc các bằng chứng vi phạm trước đó đã bị xóa sạch. Điều này càng khẳng định sự gian dối trong hoạt động tại đây.
Phóng viên đã nhiều lần liên hệ để tìm hiểu rõ hơn nữa vấn đề trên nhưng tiếp tục là thái độ trốn tránh, không hợp tác từ phía Ban lãnh đạo PKĐK Việt Hàn.
Phòng khám vẫn hoạt động mà chưa hề bị Sở Y tế xử lý |
Trước đó, bác sỹ Phạm Ngọc Đức (Khoa Da liễu - Bệnh viện Da liễu Hà Nội) đã phản ánh đến Báo Đời sống và pháp luật, tố cáo PKĐK Việt Hàn có hành vi sử dụng trái phép hình ảnh của ông và nhiều bác sỹ khác, thậm chí là các bác sỹ không hề tồn tại, để quảng cáo và trục lợi trong suốt một thời gian dài. Hành vi vi phạm pháp luật trên của PKĐK Việt Hàn, đã mang đến rất nhiều rắc rối cho cuộc sống và công việc của bác sỹ Đức khi liên tục là các cuộc gọi dò xét của bệnh nhân và ngay cả của các đồng nghiệp.
Bác sỹ Đức rất bức xúc về việc PKĐK Việt Hàn sử dụng trái phép hình ảnh của mình |
“Tôi vô cùng mệt mỏi và bức xúc, nếu PKĐK Việt Hàn không có câu trả lời thỏa đáng, tôi sẽ đưa sự việc này ra Tòa. Không thể để hành vi lừa đảo này diễn ra một cách trắng trợn và công khai như vậy được”, bác sỹ Đức bày tỏ.
Trong khi những lùm xùm trên chưa được giải quyết, PKĐK Việt Hàn vẫn hoạt động bình thường như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Trên bảng quảng cáo đặt tại sảnh phòng khám có thể thấy danh sách hàng loạt các Công ty đăng ký khám chữa bệnh định kỳ cho cán bộ nhân viên tại đây như: Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng đô thị, Công ty Doosung Tech Việt Nam, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam…và không biết còn bao nhiêu Công ty, Doanh nghiệp tin tưởng gửi gắm sức khỏe nhân viên vào cơ sở khám chữa bệnh này.
Các công ty đăng ký khám chữa bệnh định kỳ tại phòng khám |
Với việc “đánh bóng tên tuổi” bằng danh sách các bác sỹ “ảo” trước đó, liệu cơ sở này có đủ điều kiện về nhân sự cũng như điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động khám chữa bệnh định kỳ theo quy định của Thông tư số 14/2013/TT-BYT, ban hành ngày 06 tháng 06 năm 2013?
Sở y tế Hà Nội lặng im
Có quá nhiều câu hỏi trong các hoạt động mập mờ của PKĐK Việt Hàn đã bị phản ánh. Sai phạm rõ ràng nhất là hành vi xâm hại trắng trợn quyền hình ảnh cá nhân người khác để trục lợi.
Thế nhưng, phía cơ quan có trách nhiệm kiểm tra xử lý là Sở y tế Hà Nội đến nay vẫn lặng im một cách khó hiểu. Phóng viên đã liên hệ nhiều lần nhưng cho đến nay, chưa hề nhận được bất cứ động thái phản hồi nào từ phía cơ quan này.
Sở Y tế Hà Nội im lặng trước thông tin vi phạm của PKĐK Việt Hàn |
Vấn đề này sẽ khiến dư luật không khỏi thắc mắc về trách nhiệm từ chính những đơn vị thực thi pháp luật.
Trong quá khứ, đã có rất nhiều vụ việc, những cá nhân, tổ chức lợi dụng hình ảnh người khác để nhằm mục đích kinh doanh trái phép hoặc thậm chí là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đã bị các cơ quan chức năng phát hiện xử lý. Điển hình như Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long, Công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy, Liên Kết Việt…những Công ty trên đều có một điểm chung là lợi dụng hình ảnh các cá nhân có chức vụ, địa vị trong xã hội để tạo lòng tin, nhằm dễ bề thực hiện các hành vi lừa đảo của chúng.
Chế tài xử phạt khi sử dụng trái phép hình ảnh người khác
Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải được sự đồng ý của người đó và phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Sử dụng hình ảnh của người khác sai quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý cũng là hành vi bị cấm tại khoản 8 Điều 8, Luật Quảng cáo 2012.
Cụ thể, tại điểm b khoản 3 Điều 51, Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định: mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Đề nghị Sở y tế Hà Nội, Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ y tế nghiêm túc vào cuộc, làm rõ những vấn đề mà dư luận và báo chí đã phản ánh./.
Lê Tuấn