+Aa-
    Zalo

    Phong Sida và khát vọng xóa bỏ kỳ thị người sống chung với HIV

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Gần chục năm “sống cùng” người có H, anh trở thành điểm tựa, nơi giãi bày duy nhất của nhiều mảnh đời bất hạnh.

    Gần chục năm “sống cùng” người có H, anh trở thành điểm tựa, nơi giãi bày duy nhất của nhiều mảnh đời bất hạnh. Kinh nghiệm cùng nhiệt huyết đáng trân trọng, Phong Sida đang là điểm tựa vững chắc, tận tụy chăm lo, hỗ trợ cho người mắc căn bệnh thế kỷ.

    Anh Nguyễn Anh Phong chia sẻ về khát khao giảm thiểu kỳ thị, phân biệt đối xử người sống với HIV trong cộng đồng.

    Ám ảnh khôn nguôi

    Nhiều năm qua, anh Nguyễn Anh Phong (41 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) và phòng khám Nhà Mình được biết đến như nơi chia sẻ, hỗ trợ tốt nhất cho người sống chung với HIV. Tuy nhiên, trong lần gặp nhau, anh lại chia sẻ với chúng tôi câu chuyện buồn của chàng trai tên Minh (tên nhân vật đã được thay đổi – PV) vừa quyên sinh bởi áp lực tinh thần xuất phát từ việc kỳ thị, phân biệt đối xử với người có H. Anh kể: “Minh còn rất trẻ, mới 23 tuổi, là cử nhân vừa ra trường, đã điều trị HIV ở địa phương. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, thông tin bạn đang điều trị HIV lại bị lộ ra ngoài khiến người dân nơi bạn ấy sinh sống bàn tán, cửa hàng bán đồ ăn của gia đình mất khách. Ba của Minh buồn bã qua đời”.

    Sau khi ba mất được hơn 100 ngày, Minh đi xin việc và được một công ty tại TP.HCM nhận vào làm. Mới làm được hơn 20 ngày, Minh bị công ty cho thôi việc mà không rõ lý do. Tuy nhiên, khi đưa quyết định nghỉ việc, nhân sự của công ty nói với Minh: “Thôi em về dưỡng bệnh đi”. Trước khi về quê, Minh có gọi điện thoại cho tôi và nói muốn được chia sẻ câu chuyện bi đát của mình. Nhưng lúc này tôi lại có việc bận không thể dứt ra được. Đến tối, tôi nhắn tin, gọi điện cho bạn ấy thì không liên lạc được nữa. Sáng hôm sau, tôi nhận được tin Minh đã tự sát. Nếu như lúc đó tôi trò chuyện thì bạn ấy hẳn sẽ nhẹ lòng hơn trong sự lựa chọn của mình hoặc có thể thay đổi được gì đó. Suy nghĩ ấy cứ ám ảnh tôi mãi đến bây giờ”.

    Cái chết của người thanh niên chứng minh, ở thời điểm này, thực trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người có H vẫn tồn tại. Ngoài kia, nhiều người còn e ngại, sợ, chưa hiểu cách tự bảo vệ và biết luật bảo mật thông tin người sống với HIV. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, tinh thần của họ. “Minh được điều trị ổn định, tải lượng virus đã dưới ngưỡng phát hiện, không còn khả năng lây nhiễm cho người khác nữa. Nói thẳng ra, người này không chết vì bệnh mà chết vì áp lực tinh thần từ việc bị kỳ thị” - Anh Phong nói.

    “Trùm cuối” hỗ trợ người sống chung với HIV

    Ngoài biệt danh “Phong sida”, anh còn được những người thực hiện công tác hỗ trợ người có H gọi yêu là “trùm cuối”. Bởi, anh và phòng khám của mình luôn nhận những “ca” khó nhất. Anh nói, những người đến tìm anh không chỉ nằm ở nhóm bất hảo của xã hội mà còn có cả bác sĩ, kỹ sư, nghệ sĩ, thậm chí là quan chức,... Khi đến với anh, đầu tiên, họ đều lựa chọn con đường kết thúc sự sống. Những lúc như vậy, việc tư vấn, tác động để thay đổi suy nghĩ, lựa chọn của họ là một thách thức lớn. Lúc này, anh phải khai thác, tạo động lực sống cho họ rồi mới tính đến việc hỗ trợ điều trị.

    Theo đó, tùy trường hợp, những người tìm đến anh đều được anh tư vấn, xét nghiệm, kết nối điều trị, hỗ trợ về tinh thần, vật chất, sinh kế,... Anh nhìn nhận: “Thực ra người có H tìm đến tôi đơn giản là để có được sự đồng cảm. Họ không cần gì nhiều mà chỉ cần được lắng nghe. Người có H phải mang virus suốt đời nhưng lại không dám lên tiếng, không có ai bên cạnh để chia sẻ. Điều đó đau đớn biết chừng nào. Đó là điều khiến cho tôi và rất nhiều người khác lựa chọn công việc chăm lo cho người sống chung với HIV với hy vọng giúp đỡ họ về tinh thần và là điểm tựa cho họ trong cuộc sống”.

    Tuy nhiên, để trở thành “ga cuối” cho họ cũng không hề đơn giản. Ngoài việc tư vấn, hỗ trợ điều trị, anh còn kết nối cá nhân, tổ chức, đơn vị để giúp đỡ người có H trong các khó khăn như: Thủ tục giấy tờ, bảo hiểm y tế, việc làm... Đặc biệt, anh khát khao xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có H trong cộng đồng, đặc biệt là trong cơ sở y tế. Bởi, “người bệnh ngoài gia đình thì họ chỉ tìm đến cơ sở y tế. Nếu cán bộ tại cơ sở y tế kỳ thị họ thì họ coi như cùng đường”.

    Do đó, năm 2007, anh và bộ Y tế, sở Y tế TP.HCM... thực hiện chương trình Giảm kỳ thị phân biệt đối xử trong cơ sở y tế. Trong chương trình này, anh đã cùng những người có H và các bác sĩ, nhân viên y tế tại một bệnh viện thân tình, chia sẻ, trao đổi để hiểu nhau hơn, gỡ bỏ những khúc mắc, xóa nhòa sự kỳ thị.

    Anh Phong cho biết, để công việc hỗ trợ người sống chung với HIV hiệu quả, lan rộng, anh thực hiện nhiều chương trình từ thiện. Một trong số đó là chiến dịch truyền thông Dải băng đỏ chuyên dành cho các đối tượng sống chung với H có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, anh cũng lập trang “Chuyện của Phong” trên Facebook, chia sẻ hàng trăm câu chuyện có thật từ người có H như những bài học thực tế.

    Hà Nguyễn

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật chủ nhật (số 20)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phong-sida-va-khat-vong-xoa-bo-ky-thi-nguoi-song-chung-voi-hiv-a324462.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan