Ngày 28/11, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông “24 giờ bên con” với mong muốn truyền tải thông điệp đến các bậc cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ “hãy luôn sẵn sàng đồng hành cùng con trong hành trình lớn khôn” vì thế hệ trẻ em Việt Nam khỏe thể chất, mạnh tinh thần.
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, cho biết trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm dành mọi nguồn lực và những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.
Ngành y tế đã và đang thực hiện tốt các chính sách, chương trình dành cho trẻ em với cách tiếp cận dựa trên các quyền cơ bản của trẻ em như chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh, dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời cho phụ nữ mang thai và trẻ em, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; tiêm chủng mở rộng phòng các dịch bệnh nguy hiểm; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo….nhằm thúc đẩy quyền sống còn của trẻ em.
"Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là trách nhiệm chung của mỗi gia đình, các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội", TS Khoa cho hay.
Ngoài ra, theo Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ, Đảng đã chỉ đạo trong phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2030: “Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội”.
Tiến sĩ tâm lý Phạm Văn Tư, Phó trưởng khoa Công tác xã hôi, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, kể câu chuyện về một trường hợp bà mẹ rất giỏi làm công ty mỹ phẩm, gia đình có điều kiện. Tuy nhiên, khi cậu con trai lên 3 tuổi thì gần như chỉ phát âm được 1-2 từ bập bẹ chưa rõ.
Nguyên nhân được bà mẹ chia sẻ, khi sinh con được 2 tháng, bà mẹ đã đi làm theo dự án kiếm tiền, con ở nhà vơi ông nội, ông toàn chơi điện thoại, không giao tiếp với cháu, cho cháu xem tivi từ nhỏ.
Đến khi bà mẹ phát hiện, cậu con trai đã không phát triển ngôn ngữ. "May mắn khi đưa con đi khám, cậu bé không bị tự kỷ chỉ bị chậm ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc khi thiếu tình yêu thương sự quan tâm của cha mẹ trong gia đình đầu đời", TS Tư chia sẻ.
Từ ví dụ trên, TS Tư cho rằng, tất cả các bằng chứng khoa học khẳng định cha mẹ dành thời gian cho con thì mới giúp con cân bằng về tâm lý, đặc biệt là giia đoạn đầu đời. Khi cha mẹ dành thời gian chất lượng cho con thì sức khỏe tốt hơn cả thể chất, gắn bó an toàn, trẻ chủ động trong giao tiếp/dễ dàng kết bạn.
Ngược lại, trẻ dành ít thời gian hoặc dành thời gian không chất lượng, trẻ 0-1 tuổi không có gắn bó an toàn với mọi người khi đến tuổi dậy thì. Từ đó trẻ sẽ không tin tưởng một ai.
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho hay, để phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, nhân cách, trẻ em phải được nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ và giáo dục ở cả 3 môi trường: Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Ba môi trường này có quan hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau, tạo thế kiềng 3 chân vững chắc trong việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.
Nhận thấy rõ vai trò quan trọng của cha mẹ với sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, Bộ Y tế đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các can thiệp chuyên môn như: chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh ngay sau đẻ, chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo, với hành động đơn giản, tác động tối ưu đó là: cái ôm đầu đời, da kề da, bú sữa mẹ ngay từ giờ đầu sau sinh, giúp cho đứa trẻ khỏe mạnh, không bị hạ thân nhiệt, tăng cường dinh dưỡng và miễn dịch từ sữa mẹ để trẻ phát triển thể chất và tinh thần, phòng chống bệnh tật. Chính cái ôm đầu đời, da kề da là sự thực hiện tình mẫu tử thiêng liêng mẹ và con, gắn kết và yêu thương con trẻ, thể hiện sự đồng hành của cha mẹ từ những giây phút đầu đời.
Mộc Trà