Theo ông Dan Flatley, Mỹ chỉ cần phá vỡ một mắt xích trong quy trình tiêu diệt mục tiêu của Nga-Trung thì họ sẽ khó có khả năng bắn hạ được F-35.
Kể từ sau khi Mỹ triển khai F-117 làm rung chuyển Baghdad năm 1991, Liên Xô và các đối thủ tiềm năng khác của Mỹ đã bắt tay vào nghiên cứu cách thức đối phó với máy bay tàng hình.
Sau này, trên bầu trời Serbia, một chiếc F-117 đã bị bắn hạ, làm xấu đi hình ảnh của mẫu máy bay từng được mệnh danh là "vô hình".
Ngày nay, Trung Quốc và Nga đã cho ra đời radar VHF và các loại radar tích hợp khác để có thể phát hiện cả những loại máy bay tàng hình tiên tiến nhất của Mỹ như F-22 và F-35.
Trong khi nhiều người vội vã quy kết rằng "tàng hình" là con đường tốn kém và không mang lại lợi ích gì cho Không quân Mỹ thì Thiếu tá Thủy quân lục chiến Mỹ về hưu Dan Flatley lại cho rằng hệ thống vũ khí đắt đỏ nhất của Mỹ không hề nao núng trước các phương tiện chống tàng hình của Nga hay Trung Quốc.
F-35B cất cánh từ tàu đổ bộ USS America
Trao đổi với Business Insider, ông Flatley - một cựu phi công F-35- cho hay: "Các đối thủ (của Mỹ) phải thiết lập quy trình tiêu diệt mục tiêu. Radar có thể phát hiện một vật thể và radar VHF của Nga cũng có thể phát hiện F-35, song điều đó không có nghĩa nó có thể xác định ngay vị trí, theo dõi, ngắm bắn và hoàn tất quy trình tiêu diệt này với một tên lửa".
"Chúng ta không cố ngăn chặn mọi mắt xích của quy trình này, mà chỉ phá vỡ một trong những liên kết đó" - ông Flatley nói.
Vì thế, dù hệ thống tìm kiếm, theo dõi hồng ngoại có thể phát hiện F-35 và cung cấp cho phi công (đối phương) dữ liệu về vị trí của chiếc máy bay thì nó cũng không thể khóa hay tấn công F-35 bằng tên lửa.
Điều đó có nghĩa các hệ thống mà Nga và Trung Quốc đã dành hàng triệu USD để phát triển chỉ có thể cung cấp một lượng dữ liệu rất nhỏ về F-35.
"Tôi không cần thiết phải tìm cách ngăn chặn hết mọi thứ cùng một lúc", ông Flatley nói về quy trình tiêu diệt mục tiêu, "chỉ cần khiến đối phương không thể hoàn tất quy trình mà họ đã đầu tư hàng đống tiền, thời gian và nỗ lực để bắn hạ tôi mà thôi".
"Đó là điều mà nhiều người không hiểu được. Họ cho rằng chúng tôi đang cố nói rằng chúng tôi 'vô hình' trước mọi thứ, trong mọi thời điểm, ở mọi mức năng lượng và tần số sóng vô tuyến... Thế nhưng, đó không phải là điều mà chúng tôi đang nói đến".
Theo ông Flatley, radar Nga có thể phát hiện F-35, nhưng không có nghĩa F-35 sẽ bị bắn hạ.
Ông Flatley cho hay, các phi công F-35 từng nói đùa với nhau rằng chỉ có Wonder Woman mới có máy bay tàng hình.
Trên thực tế, F-35 là một khối kim loại và hợp kim khổng lồ biết bay. Khi quét vào đúng vị trí và đúng thời điểm, hệ thống radar chắc chắn sẽ phát hiện ra nó, nhưng có bắn hạ được hay không thì còn phải trông chờ vào may mắn.
Trong khi đó, khi máy bay đối phương sục sạo bầu trời để truy tìm dấu vết của F-35 thì F-35 có thể phát hiện nguồn phát sóng radar và xác định các hệ thống phòng không, cũng như máy bay đối phương.
"Chúng tôi tin chắc vào những đánh giá của mình về khả năng của mẫu tiêm kích này, và chúng tôi có rất nhiều tài liệu, cũng như dữ liệu để minh chứng cho điều đó" - ông Flatley nhấn mạnh.
Do đó, theo ông Flatley, các cơ quan tuyên truyền của Nga có thể khoe khoang rằng họ có khả năng phát hiện F-35, nhưng đó có lẽ chỉ là một cách để đáp trả trước một hệ thống vũ khí đang đe dọa làm phá sản nhiều mắt xích trong kế hoạch tác chiến của họ.
F-35 được chế tạo để xâm nhập vào những vùng không phận được phòng thủ nghiêm ngặt nhất trên thế giới và hoàn thành nhiệm vụ tại đây.
Mặc dù các đối thủ của Mỹ vẫn chưa chịu dừng bước và ngày càng có những bước tiến lớn trong phương thức ngăn chặn F-35 nhưng ông Flatley chắc chắn rằng Mỹ vẫn có thể tiến hành sứ mệnh trong khả năng của mình.
"F-35 được kỳ vọng có thể tác chiến chống lại các hệ thống phòng thủ trên không và trên bộ - đó là kỳ vọng mà công chúng Mỹ, những người nộp thuế, nên đặt ra" - ông Flatley nói, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực mà Mỹ đã đầu tư vào F-35 để đưa nó trở thành một máy bay tàng hình, có khả năng thâm nhập cao.
"Chúng tôi sẽ không để điều đó trở nên lãng phí" - ông Flatley khẳng định.