Vụ phóng tên lửa hôm 14/5 là phép thử xem thiện chí đối thoại của các đối tác và đối thủ thực chất, bền vững đến mức nào hay chỉ là cái bẫy về chính trị và dư luận với Triều Tiên.
Việc sẽ còn phóng tên lửa và thậm chí cả lại thử nghiệm hạt nhân là điều được thế giới không loại trừ. Nhưng lần phóng tên lửa vừa mới đây nhất của nước này có phần đặc biệt hơn nhiều lần trước đó, đặc biệt ở thời điểm, ở bối cảnh tình hình, ở chủng loại và do đó ở cả mục đích nữa.
Mối quan hệ của nước này với Mỹ và hai đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc càng căng thẳng và thù địch thì chương trình hạt nhân và tên lửa càng thêm quan trọng đối với Triều Tiên.
Tương tự như vậy đối với mối quan hệ của Triều Tiên với Trung Quốc. Triều Tiên càng phụ thuộc hay càng phải dựa cậy vào Trung Quốc về chính trị, kinh tế và thương mại thì càng không thể từ bỏ chương trình này.
Hiệu ứng răn đe của chương trình này là sự đảm bảo chắc chắn nhất cho an ninh của Triều Tiên, cho sự tồn tại của chính thể hiện tại ở Triều Tiên, cho việc đối phó hiệu quả nhất nguy cơ bị các đối tác này dàn xếp lợi ích với nhau trên đầu mình.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã trực tiếp thị sát và chỉ đạo vụ phóng tên lửa hôm 14/5. Ảnh: Rodong Sinmun
Từ đó có thể thấy Triều Tiên sẽ không tự nguyện từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa để đổi lấy bất kỳ cam kết nào của Mỹ hay Trung Quốc, có chăng thì sẽ chỉ có thể trong khuôn khổ một giải pháp chính trị được bảo hộ bởi nhiều bên hoặc thoả thuận song phương trực tiếp với Mỹ - mà tất cả những điều đó hiện tại không có và cả trong thời gian tới đây nữa cũng chưa thể có.
Tuy nhiên, chính quyền mới ở Mỹ với tân Tổng thống Donald Trump tuy mới cầm quyền hơn 100 ngày và cả Trung Quốc nữa đã cho Triều Tiên thấy là xác suất xảy ra đột biến càng ngày càng tăng, nguy cơ bên này hay bên kia không còn kiểm soát được tình hình ngày càng thực tế.
Vì thế, điều quan trọng đối với tất cả là không vượt quá giới hạn hay ranh giới đỏ tuỳ theo cách biểu thị và ngôn từ được sử dụng của mỗi bên. Cũng vì thế mà Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa, nhưng không thử hạt nhân.
Con chủ bài chiến lược cuối cùng không thể sử dụng một cách dễ dãi bởi không thể sử dụng được nhiều lần, bởi phải sử dụng vào thời điểm thích hợp dưới hình thức thích hợp nhằm mục đích thích hợp thì mới có được công hiệu cao nhất.
Có thể có người bị bất ngờ bởi vụ phóng tên lửa mới của Triều Tiên. Chẳng phải ở khu vực này sau những thời khắc tột đỉnh của căng thẳng và đối đầu đã xuất hiện những dấu hiệu về xuống thang căng thẳng và thiện chí đối thoại hay sao, từ phía đích thân ông Trump, từ phía tân Tổng thống của Hàn Quốc Moon Jae-in và cả từ phía Triều Tiên.
Chẳng phải ở thủ đô Bắc Kinh có sự kiện ngoại giao lớn nhất năm nay của Trung Quốc là hội nghị cấp cao về "Vành đai và con đường" với sự tham gia của hơn 100 quốc gia và nhiều vị lãnh đạo các nước hay sao? Trung Quốc vốn luôn đặc biệt coi trọng việc được các đối tác mà Triều Tiên lại còn hơn thế giữ thể diện cho Trung Quốc.
Phóng tên lửa như thế vào thời điểm hiện tại, Triều Tiên không thể không biết là sẽ gây khó thêm cho ông Moon Jae-in và Trung Quốc, làm khó thêm ông Trump ở Mỹ liên quan đến những biểu hiện thiện chí đối thoại mới đây nhất của họ.
Nhất là khi tên lửa mới của Triều Tiên có khả năng bay xa, vươn cao hơn và thành công. Phía Triều Tiên cho biết loại tên lửa mới này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân kích cỡ lớn.
Lời giải thích chỉ có thể là Triều Tiên dùng chính vụ phóng tên lửa này hậu thuẫn cho thiện chí đã được biểu hiện về sẵn sàng đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc. Nghe qua có vẻ nghịch lý và mâu thuẫn. Nhưng đó là cách Triều Tiên lâu nay vẫn sử dụng để thể hiện không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, để phô trương khả năng và tiềm lực của mình, để cảnh báo và răn đe các đối thủ.
Vụ mới này còn là phép thử của Triều Tiên để xem thiện chí đối thoại của các đối tác và đối thủ kia thực chất và bền vững đến mức nào hay chỉ là cái bẫy về chính trị và dư luận đối với Triều Tiên.
Làm như thế, Triều Tiên xem ra còn nhằm đặt các đối tác và đối thủ ấy trước những sự đã rồi và qua đó gây dựng, tăng cường vị thế của mình cho trường hợp có thể xảy ra là rồi đây các bên liên quan ngồi lại thương thảo với nhau.
Việc phóng tên lửa như thế của Triều Tiên bị coi là vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Nhưng điều còn quyết định hơn đối với Triều Tiên và tất cả các bên liên quan là phép thử này vẫn chưa vượt quá giới hạn.