(ĐSPL) - Bộ Tài chính vừa ban hành quy định mức thu phí sử dụng đường bộ cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình. Mức phí được chia ra nhiều đoạn tuyến khác nhau, nhiều loại xe, trong đó vé cao nhất lên đến gần 15 triệu đồng/tháng.
Thông tư số 45/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa ban hành quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, TP. Hà Nội. Theo đó, mức thu phí cụ thể dao động từ 10.000 – 180.000 đồng/vé/lượt tùy theo đoạn tuyến và theo loại phương tiện.
Đoạn tuyến được đề xuất mức phí thấp nhất là đoạn Vạn Điểm - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và ngược lại với mức thu từ 10.000 – 40.000 đồng/vé/lượt tùy loại phương tiện.
Đoạn tuyến được đề xuất mức phí cao nhất là đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ - Hà Nam và ngược lại mức thu từ 45.000 – 180.000 đồng/vé/lượt tùy loại phương tiện.
Đoạn tuyến Pháp Vân - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và ngược lại cũng được đề xuất mức thu từ 45.000 – 175.000 đồng/vé/lượt tùy loại phương tiện.
Phí cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình lên đến 5 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, các phương tiện sử dụng vé tháng như xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, xe buýt phải trả mức phí chia làm nhiều đoạn tuyến khác nhau (Pháp Vân đến Ninh Bình) nhưng dao động từ 300.000 đồng đến 1.350.000 đồng/tháng. Với xe từ 12 đến 30 ghế ngồi, xe tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn trả phí dao động từ 450.000 đồng đến 1.800.000 đồng/tháng.
Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 đến 10 tấn trả mức phí dao động từ 600.000 đồng đến 2.250.000 đồng/tháng. Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe container 20 feet phải trả mức phí dao động từ 750.000 đồng đến 3.450.000 đồng. Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe container 40 feet trả mức phí dao động từ 1.200.000 đồng đến 5.250.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, phương tiện chạy trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình có thể trả phí theo quý. Cụ thể, mức phí thấp nhất là 810.000 đồng/quý đối với xe dưới 12 ghế ngồi và xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt. Mức phí cao nhất là 14.580.000 đồng đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng cotainer 40 feet.
Thông tư của Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể quy trình thu phí trên tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tại Trạm vào sau khi người điều khiển phương tiện dừng lại tại cabin làn vào, nhân viên thu phí phát thẻ vào đường là thẻ thông minh hoặc vé từ hoặc vé mã vạch.
Tại Trạm ra khi tới làn ra, người điều khiển phương tiện dừng lại tại cabin làn ra đưa Thẻ vào đường cho nhân viên thu phí, thanh toán tiền phí và nhận chứng từ thu phí.
Đối với chủ phương tiện mua vé tháng, vé quý sẽ được cấp thẻ vé tháng, thẻ vé quý và chứng từ thu phí. Khi qua trạm thu phí, chủ phương tiện thực hiện quẹt thẻ tại trạm vào, trạm ra và không phải nộp phí khi qua trạm.
Vé tháng, vé quý được sử dụng theo đúng đoạn tuyến theo quy định, nếu phương tiện đi vào các đoạn tuyến khác, chủ phương tiện phải mua vé của đoạn tuyến đó theo quy định. Khi hết hạn vé tháng, thẻ không còn giá trị sử dụng, chủ phương tiện phải mua vé tháng, vé quý tiếp theo để sử dụng.
Tổng số tiền thu phí hàng năm sau khi trừ các khoản thuế theo quy định được xác định là khoản tiền thu phí hoàn vốn theo phương án tài chính của Hợp đồng BOT Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hà Nội.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/5/2015.
MAI NGUYÊN
Xem thêm video:
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phi-cao-toc-phap-van-ninh-binh-len-den-5-trieu-dongthang-a90428.html