+Aa-
    Zalo

    Phát ngôn đầy suy ngẫm của ông Vụ trưởng Vụ TTB - Công trình y tế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi được hỏi về việc, Báo nhận được nhiều phản ánh rằng, lãnh đạo, cán bộ Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế có doanh nghiệp "sân sau", ông Vụ trưởng im lặng...

    (ĐSPL) - Sau khi báo Đời sống và Pháp luật đăng tải loạt bài viết, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi cũng như nhiều nguồn tin đáng quan tâm khác, phóng viên đã tiếp tục đi tìm câu trả lời cho việc các lô thiết bị cũ, "quá đát" vào Việt Nam, dù đã có "hàng rào" văn bản dày đặc.

    Địa chỉ chúng tôi tìm đến đầu tiên là Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế, Bộ Y tế. Đây là cơ quan chức năng chuyên trách của Bộ Y tế có vai trò chủ đạo trong việc cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế (TTBYT) cũng như phối hợp với các ban ngành chức năng trong việc thanh kiểm tra giám sát TBYT. Tuy nhiên, những thông tin mà chúng tôi nhận được lại càng khiến chúng tôi thêm một lần giật mình ái ngại...

    Video tham khảo:

     Nhức nhối tình trạng nhập lậu thiết bị y tế cũ nát

    Những thông tin mâu thuẫn

    Ngày 25/11, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế, Bộ Y tế xoay quanh vấn đề giám sát, tư vấn việc cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và vì sao giấy phép cấp là nhập mới mà doanh nghiệp lại nhập TTBYT cũ, đã qua sử dụng, trách nhiệm của Vụ trong giám sát, tham mưu đến đâu? ông Tuấn cho biết: "Việc giám sát các hoạt động sau cấp phép thuộc trách nhiệm của thanh tra tại các đơn vị chức năng liên quan".

    Trước thông tin phát hiện hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhập khẩu TTBYT "tuồn" TTBYT cũ, "quá đát" vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, ông Tuấn cho hay: "Những hành vi đó là hành vi gian lận thương mại sẽ bị các Cơ quan điều tra tiến hành khởi tố, Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế chỉ có nhiệm vụ phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến giấy phép".

    Về việc, có kênh tư vấn nhập khẩu TTBYT rất tốt là Hiệp hội Thiết bị Y tế Việt Nam, sao không mời họ tham gia tư vấn nhập khẩu? ông Tuấn khẳng định: "Có mời hiệp hội tham gia tư vấn". Như vậy, có sự tréo ngoe ở đây. Bởi trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Thiết bị Y tế Việt Nam khẳng định với PV chưa được Vụ Trang thiết bị- Công trình y tế mời tư vấn bao giờ(?!). Và tại sao lại có thông tin mâu thuẫn này?.

    Văn bản quy phạm pháp luật có bị “vênh”?

    Do bận công tác đột xuất, ông Tuấn chỉ đạo chuyên viên trong vụ tiếp tục trả lời và cung cấp thông tin cho PV. Ngày 28/11, khi Báo đăng bài 6 trong loạt bài "Nhận diện thủ đoạn nhập khẩu TBYT cũ thành mới", PV đã tiếp cận được với vị chuyên viên của Vụ này.

    Tại đây, trước câu hỏi nghi vấn của PV về việc Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế đã "quá thoáng" trong cơ chế cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT cho doanh nghiệp, vị này cho biết: "Việc thực hiện cấp phép nhập khẩu TTBYT được quy định rất chi tiết tại Thông tư 24/2011/TT-BYT (Thông tư này đã được đề cập nhiều lần trong loạt bài-PV) bao gồm điều kiện, phạm vi, hồ sơ, thủ tục xin cấp phép cùng với những quy định trong xử lý vi phạm và trách nhiệm giám sát.

    (bgiay)Nhận diện thủ đoạn nhập khẩu thiết bị y tế cũ thành mới và

    Thông tư 24 "chống" Nghị quyết 25?

    Tuy nhiên, vị này cho rằng, hiện nay các thủ tục cấp phép đúng là có được giảm tiện một số điều kiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 25/2010/NQ-CP về đơn giản hoá thủ tục hành chính song chính nó lại làm giảm đi độ thẩm định, giám sát về khai báo cũng như hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

    Vị này phân tích, cụ thể, trước Thông tư 24, tại Thông tư 08 hướng dẫn về nhập khẩu TTBYT tại nội dung điều kiện đối với đơn vị nhập khẩu TTBYT có quy định về điều kiện pháp lý, điều kiện nhân sự và trong hồ sơ xin cấp phép phải có tài liệu chứng minh điều kiện đó. Nhưng với sự đơn giản hóa thủ tục hành chính như hiện nay, việc kiểm tra đơn vị có đủ điều kiện hay không, là do Sở Y tế và các đơn vị chức năng khác, chứ Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế không giám sát nữa.

    Trước câu hỏi, vậy việc giảm tiện này phải chăng đã tạo ra một "kẽ hở" về pháp lý, tạo cơ hội cho việc thẩm lậu TTBYT cũ vào thị trường Việt Nam, vị chuyên viên này khẳng định: "Đây là một xu thế trong cải cách hành chính. Hiện nay, nhập khẩu TTBYT, doanh nghiệp chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là có thể làm thủ tục nhập khẩu được. Trước kia, phải đảm bảo đủ điều kiện về nhân lực, chứng chỉ đào tạo kỹ thuật và dưới sự giám sát trực tiếp của Vụ mới được xét duyệt. Thực ra, những vi phạm của doanh nghiệp về nhập khẩu TTBYT thể hiện ở chỗ, họ đã lợi dụng cơ chế thông thoáng của Nhà nước để "lách luật" nhằm trục lợi trong kinh doanh".

    Khi được hỏi về việc, Báo nhận được nhiều phản ánh rằng, lãnh đạo, cán bộ Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế; rồi cán bộ quản lý của ngành y tế, có doanh nghiệp "sân sau" trong lĩnh vực nhập khẩu thiết bị y tế; thường nhận được giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế ở những trường hợp đặc biệt, sinh nhiều lời... ông Tuấn im lặng, không đưa ra phản ứng gì. Thiết nghĩ, nếu có nghi vấn chỉ có làm một cuộc thanh tra toàn diện, nghiêm túc các doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu trang thiết bị mới thì sẽ có câu trả lời.

    Quả bóng trách nhiệm đá về đâu?

    Trao đổi về việc, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế, để doanh nghiệp "lộng hành" nhập thiết bị cũ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác khám chữa bệnh của nhân dân, cả ông Tuấn và chuyên viên của ông đều khẳng định, trách nhiệm không thuộc về Vụ, được quy định ở các văn bản rồi.

    Tuy nhiên khi phân tích nội dung 17 về "thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế..." trong Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 02/6/2010 về việc đơn giản hoá 258 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, ngành quy định: “Về hồ sơ cấp giấy phép phải bổ sung vào mẫu đơn "đề nghị" nhập khẩu TTBYT cam kết của doanh nghiệp về việc đáp ứng yêu cầu, điều kiện về đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cơ sở vật chất; Bỏ các tài liệu chứng minh đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về đội ngũ cán bộ kỹ thuật và cơ sở vật chất...".

    Tuy nhiên, tại Thông tư 24 ra ngày 26/1/2011 tại Điều 3, điều kiện đối với đơn vị nhập khẩu TTBYT vẫn yêu cầu phải có điều kiện pháp lý và điều kiện về nhân sự, điều kiện về cơ sở vật chất. Điều đặt ra là Thông tư 24 đặt quy định như vậy nhưng không thực hiện trách nhiệm thanh kiểm tra, giám sát, vị chuyên viên trên cho rằng, nhiệm vụ này thuộc các ban ngành liên quan. Đặc biệt, khi xảy ra hàng loạt vi phạm liên quan đến lĩnh vực này, thì lãnh đạo và cán bộ của Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế lại "chuyền bóng" trách nhiệm đi nơi khác, chứ không nhìn thẳng vào thực tế để tìm giải pháp ngăn ngừa là vì sao? Câu trả lời xin dành cho cơ quan có thẩm quyền và những người liên quan.

    Không kiểm duyệt tốt sẽ gây hậu quả đáng tiếc

    Liên quan đến vấn đề TTBYT cũ, không rõ nguồn gốc thẩm lậu vào thị trường từ giấy phép nhập khẩu, PV báo Đời sống và Pháp luật trao đổi với Ths.BS. Nguyễn Quang Huy, Khoa Mắt trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương.

    BS. Huy cho biết: "Mọi TBYT khi đưa vào sử dụng đều phải có một chỉ số chuẩn là điều kiện quan trọng để các bác sỹ đưa ra chẩn đoán về bệnh và phác đồ điều trị. Nói riêng về những máy đo khúc xạ, chỉ số khúc xạ ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân. Trước hết, bản thân mỗi máy đo khúc xạ có một độ nhạy riêng, nếu các máy đo khúc xạ không được kiểm định, kiểm duyệt, tự lắp đặt thì khả năng xảy ra sai số khúc xạ là rất cao.

    Thứ hai là sai số từ bản thân người đo - Người đo khúc xạ phải được tập huấn, đào tạo về chuyên môn mới sử dụng được máy đo khúc xạ. Cùng với đó người đo khúc xạ khi sử dụng máy cũng phải kết hợp hướng dẫn cụ thể người đến đo khám để điều chỉnh kỹ thuật mới có thể cho ra kết quả chính xác. Kết quả khúc xạ không chính xác thì đương nhiên người bệnh sẽ đeo phải loại kính thuốc không phù hợp, khiến mỏi mắt, hoa mắt, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thị lực mắt làm cho mắt yếu đi khiến những tật về khúc xạ không có xu hướng giảm mà còn tăng lên về độ. Nguy cơ loạn thị là rất lớn”.

    Trách nhiệm thuộc về ai?

    Trao đổi với PV, luật sư Chu Văn Tiến, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Nam cho biết:"Về bản chất, Thông tư 24 hướng dẫn về nhập khẩu TTBYT vẫn tuân thủ Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 02/6/2010 về việc đơn giản thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của bộ ngành.

    (bgiay)Nhận diện thủ đoạn nhập khẩu thiết bị y tế cũ thành mới và

    Dù đã cụ thể hóa điều kiện đối với đơn vị nhập khẩu TTBYT theo quy định tại Điều 3, chương 2, tuy nhiên, chưa nêu cụ thể trách nhiệm việc giám sát cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT cho các đơn vị trực thuộc. Hậu quả là nhiều lô TBYT nhập khẩu không đủ chất lượng, thậm chí "quá đát" thẩm lậu vào thị trường. Còn nữa việc Vụ Trang thiết bị - Công trình y tế cho rằng: "Thông tư 24 không quy định trách nhiệm phải thẩm định điều kiện khai báo của doanh nghiệp xin nhập khẩu TTBYT là lảng tránh trách nhiệm. Bởi Vụ này nói riêng và Bộ Y tế là cơ quan tham mưu của Chính phủ về lĩnh vực y tế nên có trách nhiệm phải tham mưu cho Chính phủ trong việc xây dựng văn bản pháp luật nhằm hạn chế những "kẽ hở" nếu có trong việc quản lý theo chuyên ngành".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-ngon-day-suy-ngam-cua-ong-vu-truong-vu-ttb---cong-trinh-y-te-a72417.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan