+Aa-
    Zalo

    Phát hiện hàng loạt sai phạm tại 5 trường đại học lớn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và 5 trường đại học (ĐH) về quyền tự chủ.

    Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và 5 trường đại học (ĐH) về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
    Các trường đại học này bao gồm: ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (trước đây là trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội), ĐH Vinh, ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.
    Tuyển vượt chỉ tiêu, thu tiền sai quy định
    Theo kết luận thanh tra, cả năm cơ sở đào tạo trên đều chưa xây dựng phương án về tự chủ bộ máy, chưa thành lập hội đồng trường, ban hành một số văn bản không phù hợp với quy định của Nhà nước hoặc căn cứ vào các quy định đã hết hiệu lực, quy định mức thu một số khoản học phí, lệ phí vượt mức quy định; quy định một số khoản học phí, lệ phí ngoài danh mục quy định.
    Về tuyển sinh đào tạo sau ĐH, tại một số trường thuộc ĐH Huế và tại trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, một số học viên trúng tuyển chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác theo quy định. Thời gian đào tạo thạc sĩ kinh tế khóa K20 tại trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh vượt quá quy định 1 năm. Về tuyển sinh đào tạo ĐH chính quy, liên thông, một số đơn vị tuyển sinh vượt chỉ tiêu được Bộ GD&ĐT giao. Cụ thể, trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế) không được giao chỉ tiêu vẫn tuyển sinh hệ liên thông cao đẳng lên ĐH chính quy 110 sinh viên (năm 2011), trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) mở ngành đào tạo ĐH văn bằng 2 nhưng chưa được sự đồng ý của giám đốc ĐH Huế.
    Xem thêm video: Bộ Giáo dục đề nghị CA xác minh việc 'chạy điểm vào đại học'.

    Đối với đào tạo từ xa, vừa làm vừa học: một số đơn vị không lập hồ sơ liên kết đào tạo hệ vừa làm vừa học đề nghị Bộ GD - ĐT phê duyệt. Năm 2011, Trung tâm đào tạo từ xa (ĐH Huế) tuyển sinh vượt 53,7\% chỉ tiêu được phê duyệt, năm 2012 vượt 11,48\%, tổ chức đào tạo theo niên chế không tổ chức đào tạo tín chỉ theo quy định.
    Đối với liên kết đào tạo với nước ngoài (ĐH và sau ĐH): Học viện Nông nghiệp VN liên kết đào tạo với Hội đồng liên ĐH Cộng đồng Pháp ngữ Bỉ, có 7 học viên chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ; một số học viên trúng tuyển tại trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh không đạt yêu cầu ngoại ngữ, học viên đã tốt nghiệp đều không thực hiện việc làm luận văn tốt nghiệp theo quy chế đào tạo ban hành theo quyết định của Bộ GD&ĐT.
    Còn tại trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, có chương trình đào tạo cao học được Bộ GD&ĐT phê duyệt cách đây 20 năm nhưng trường chưa làm thủ tục gia hạn, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển cho phù hợp với chương trình đào tạo quốc tế bậc sau ĐH.
    Đối với vấn đề tự chủ tài chính, hầu hết các đơn vị đều thu vượt, thu ngoài quy định của Nhà nước. Đáng chú ý là sai phạm của ĐH Huế khi quy định các đơn vị sự nghiệp cấp dưới phải nộp về ĐH này “phí điều hành học phí” từ 3\% đến 14\% trên tổng số học phí thu được để chi vốn đối ứng xây dựng cơ bản, hỗ trợ hoạt động đoàn thể và hoạt động chung. “Việc thu và sử dụng phí điều hành học phí những năm qua của ĐH này không đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước”, kết luận thanh tra chỉ rõ.
    Bên cạnh đó, cả 5 trường đại học đều không nộp kịp thời, đầy đủ các khoản thu vào kho bạc để kiểm soát chi theo quy đinh. Một số đơn vị chưa trích lập đầy đủ các loại quỹ, nhất là quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và quỹ học bổng. Các cơ sở đào tạo này cũng chưa thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thuế với Nhà nước, điển hình trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội chưa kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước với số tiền gần 1,4 tỷ đồng; ĐH Huế chưa nộp hơn 635 triệu đồng.
    Kiểm điểm, xử lý cá nhân, tập thể
    Trước những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT tăng cường công tác quản lý, đôn đốc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện nghiêm túc việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo đúng quy định. Theo đó, xử lý đối với các trường hợp học viên cao học (chương trình liên kết nước ngoài) không đủ điều kiện, tiêu chuẩn như quy định; xem xét việc công nhận hay không công nhận bằng tốt nghiệp hệ chính quy đối với các trường hợp đã được cấp bằng tốt nghiệp không đúng quy định thuộc loại hình liên thông chính quy năm 2011 của trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Huế.
    Bên cạnh đó, yêu cầu người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và các cá nhân có liên quan đến thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm đã nêu trong kết luận.
    Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu nộp về tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ số tiền thuế các đơn vị chưa nộp vào ngân sách Nhà nước là trên 2 tỉ đồng, trong đó ĐH Huế trên 635 triệu đồng, ĐH Nông nghiệp Hà Nội gần 1,4 tỉ đồng... Xử lý sai phạm về đầu tư xây dựng với số tiền trên 6,8 tỉ đồng tại trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, ĐH Huế, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trường ĐH Vinh.
    Theo báo Tin tức/TTXVN
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phat-hien-hang-loat-sai-pham-tai-5-truong-dai-hoc-lon-a89740.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan