(ĐSPL) - Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đòi hỏi tôn trọng luật pháp quốc tế, chứ không phải hăm dọa lẫn nhau.
|
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đòi hỏi tôn trọng luật pháp quốc tế. |
Theo VOA, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phát biểu như trên tại Hawaii, sau khi kết thúc chuyến công du Châu Á một tuần.
Ngoại trưởng Kerry nói rằng quyền khai thác khoáng sản và thủy sản ở Biển Đông nêu bật những vấn đề có tính chất cơ bản hơn về chủ quyền và quyền tự do hàng hải. Ông nói: “Như quí vị đã biết, vấn đề này không chỉ giới hạn trong các yêu sách chủ quyền đối với các hòn đảo, các đảo san hô, các đảo đá và những quyền lợi kinh tế phát sinh từ những yêu sách đó. Nó liên hệ tới vấn đề là chúng ta có thể chỉ dựa vào sức mạnh hay không, hay là cần phải dựa vào những qui tắc, qui phạm toàn cầu và pháp trị và luật pháp quốc tế”.
Biển Đông là một trong những hải lộ nhộn nhịp nhất thế giới và là nơi mà lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã nhiều lần đụng độ với các tàu thuyền của Việt Nam và Philippines. Indonesia, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng có những yêu sách chủ quyền chống lấn ở vùng biển này.
Ngoại trưởng Kerry cho rằng quan hệ có tính chất xây dựng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ góp phần mang lại ổn định cho Biển Đông. Washington muốn tránh cái điều mà ông Kerry gọi là “cái bẫy của sự đối địch chiến lược” với Trung Quốc.
Nhưng theo nhà phân tích Michael Auslin của Viện Doanh nghiệp Mỹ, cuối tuần qua Bắc Kinh đã ngăn chặn những nỗ lực của Washington nhằm “đóng băng” những hành động khiêu khích ở Biển Đông, gây phương hại cho chiến lược “xoay trục” sang Châu Á của Mỹ. Nhà phân tích Auslin nhận định: “Hãy nhìn vào cách thức khiến tình hình trên biển ở Châu Á thay đổi. Hãy nhìn vào sự cưỡng ép mỗi ngày một tăng của Trung Quốc tới mức độ xâm lăng vào thời điểm này. Chúng ta đã chẳng làm gì hết. Thế mà lúc nào chúng ta cũng nói là chúng ta xem chiến lược ‘xoay trục’ là rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng mọi người không ai hiểu được tại sao lại như vậy”.
Giáo sư Hillary Mann Leverett của American University ở Washington cho biết Trung Quốc đang chèn ép các nước đồng minh của Mỹ tới mức mà Bắc Kinh tin là Washington sẽ bộc lộ sự yếu kém của chính sách Châu Á qua việc không giúp đỡ cho các nước này. Bà Leverett nói: "Đó là một chiến lược (mà Bắc Kinh đang theo đuổi) có trọng tâm rõ rệt và kiên quyết. Nó dựa trên giả thiết rằng Mỹ sẽ không đưa những nguồn lực quân sự của mình tới Biển Đông để đánh nhau với Trung Quốc vì những vấn đề mà nước Mỹ không thật sự quan tâm."
Giáo sư Leverett cho rằng sự suy nghĩ như vậy gây tổn hại cho Washington vào một thời điểm mà Bắc Kinh và Mátxcơva nhận thấy có một mục tiêu chung. Bà nói thêm: “Mối lo ngại về chính sách của Mỹ trong vài năm qua đã thúc đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn - đặc biệt kể từ khi cuộc nổi dậy ‘Mùa Xuân Arập’ bắt đầu, về vấn đề Libya, về vấn đề Syria (...) Chúng ta đã thấy họ xích lại mỗi ngày một gần nhau hơn, đặc biệt là đối với các vấn đề liên quan tới dầu lửa và khí đốt”.
Ngoại trưởng Kerry cho biết chính quyền Obama đang ra sức nâng cao các tiêu chuẩn thương mại và đầu tư ở Châu Á, vì theo ông, quyền lợi quốc gia được nâng lên nhờ các nhà kinh doanh và những doanh nghiệp hoạt động với tinh thần trách nhiệm, chứ không phải chỉ nhờ binh lính hay các nhà ngoại giao.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phap-luat-quoc-te-chia-khoa-giai-quyet-tranh-chap-bien-dong-a46245.html