(ĐSPL) - Các nhà phân tích cho biết tranh chấp trên Biển Đông là chủ đề chi phối nghị trình của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ngày Chủ Nhật (10/8).
|
Chủ đề Biển Đông bao phủ nghị trình của các ngoại trưởng tại Naypyidaw. |
Theo BBC, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang hối thúc các bên tiến tới thỏa thuận chấm dứt mọi hành động có thể gây căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á tại hội nghị an ninh khu vực đang diễn ra ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar.
Đề xuất của Mỹ
Hôm 9/8, Ngoại trưởng John Kerry đã đề xuất làm giảm những căng thẳng ở Biển Đông bằng cách kiềm chế trước những hành động có thể “làm phức tạp hay làm leo thang căng thẳng”.
Các nước ASEAN nhìn chung ủng hộ đề xuất của Mỹ về việc làm giảm căng thẳng trên Biển Đông, trong đó có ủng hộ việc soạn thảo một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc về pháp lý.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 9/8 nói rằng nước ông “sẽ hành động kiên quyết” nếu “bị khiêu khích trên Biển Đông”.
|
Ngoại trưởng John Kerry đã để cho người đồng cấp Vương Nghị chờ nửa tiếng đồng hồ |
Trước đó, hai ông Vương và Kerry đã có một cuộc gặp song phương ở Naypyidaw. Ông Kerry đã để cho người đồng cấp Trung Quốc chờ nửa tiếng đồng hồ sau các cuộc họp muộn của ông.
Trong một thông cáo báo chí của Đại sứ quán Trung Quốc ở Miến Điện sau cuộc hội đàm này, Bắc Kinh “hy vọng phía Mỹ có thể tôn trọng những quyền và lợi ích chính đáng của Trung Quốc trong khu vực”.
Sáng kiến Philippines
Cũng trong hôm 9/7, Philippines đã đưa ra sáng kiến giảm căng thẳng trên Biển Đông tại Myanmar. Sáng kiến này có đưa vào quan điểm của Mỹ về việc các bên chấm dứt các hoạt động gây ra căng thẳng.
|
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario |
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario phát biểu: “Căng thẳng trên Biển Đông đã diễn biến xấu đi trong những tháng vừa qua và đang tiếp tục xấu đi. Tất cả chúng ta đang chứng kiến một kiểu hành xử hung hăng và hành động gây hấn ngày càng tăng trên Biển Đông vốn đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh, thịnh vượng và ổn định trong khu vực”.
Bên cạnh việc các bên chấm dứt các hành động khiêu khích, kế hoạch của Manila còn kêu gọi nhanh chóng kết thúc đàm phán về COC và các biện pháp trọng tài lâu dài để giúp giải quyết chung cuộc các tranh chấp về chủ quyền trong khuôn khổ Luật biển của Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc đã phản ứng lạnh nhạt trước đề xuất này của Manila và cho rằng căng thẳng trên Biển Đông đã ‘bị thổi phồng’.
Ông Vương Nghị nói trước báo giới: “Ai đó đã nói quá hoặc thậm chí thổi phòng cái gọi là căng thẳng trên Biển Đông. Chúng tôi không đồng ý với cách làm như vậy và chúng tôi kêu gọi cảnh giác với những động cơ đằng sau việc này”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/my-keu-goi-ngung-gay-han-o-bien-dong-a45434.html