+Aa-
    Zalo

    Phận đời khiếm thị sáng ước mơ thăng hoa với vũ điệu thần tiên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều người khi tận mắt thấy đã ngỡ ngàng và thốt lên: “Khiếm thị cũng có thể nhảy được, thậm chí là rất đẹp!”.

    Tưởng rằng cuộc đời chỉ quanh quẩn bên những nghề truyền thống dành riêng cho người khiếm thị, nào ngờ, một trang mới đã bắt đầu với họ, để ai cũng ngỡ ngàng và thốt lên:“Khiếm thị cũng có thể nhảy được, thậm chí là rất đẹp!”.

    Lớp nhảy Zumba đặc biệt cho người khiếm thị.

    Giấc mơ có thật

    Đều đặn cứ vào 8h Thứ Ba và Thứ Năm, chị Phạm Ngọc Dung (35 tuổi, phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), lại háo hức mong ngóng được đến câu lạc bộ Zumba dành riêng cho người khiếm thị như chị tại hội Người mù của quận Thanh Xuân.

    Bị khiếm thị từ bé, nỗi mặc cảm với thế giới bên ngoài càng lớn. Sinh hoạt trong hội Người mù, 7 tháng trước chị bén duyên với câu lạc bộ khiêu vũ Zumba hay còn gọi là lớp dạy nhảy. Ban đầu tham gia lớp học nhảy, chị cùng 10 thành viên khác gặp rất nhiều khó khăn vì bản thân không quan sát được. Cô giáo dạy nhảy đã phải vất vả đi xuống tận nơi hướng dẫn từng ly từng tí, động tác đưa tay, đưa chân như thế nào cho đúng với bài hát, nhịp điệu.

    Đúng 8h30, lớp học nhảy bắt đầu, tiếng cười nói vui đùa tràn ngập căn phòng. Những cuộc hỏi han bài tập cũ mới rộn rã, cô giáo bước vào phòng bật nhạc và hô vang. Cứ thế, người lớn tuổi nhất 70 tuổi, người nhỏ nhất 30 tuổi hòa quyện cùng bản nhạc trong căn phòng chưa đầy 50m2 . Họ say sưa với những động tác dù chưa nhuần nhuyễn.

    Anh Nguyễn Huy Cường (43 tuổi, phường Thanh Xuân Trung) đang nhiệt tình hướng dẫn người mới tập những động tác, nhìn vào ai cũng sẽ tưởng anh là giáo viên. Nhưng không, anh Cường chỉ là một học viên năng nổ, nhiệt tình giúp đỡ mọi người trên tinh thần tự nguyện.

    Nghỉ tập tiếp chúng tôi, anh kể, từ khi sinh ra mắt anh đã kém. Càng lớn thì mắt càng kém dần, đến tận bây giờ thì chỉ đủ để có thể di chuyển ở những địa điểm quen thuộc. Anh nhớ 7 tháng trước, khi nghe phổ biến về mở lớp dạy Zumba cho những người trong Hội, anh rất háo hức và cũng có phần lo lắng. Bởi, người bình thường tập nhảy đã khó, đối những người khiếm thị như anh lại càng khó hơn.

    “Chúng tôi là thanh niên nên rất thích những hoạt động tập thể, nhưng vì mắt không nhìn thấy rõ nên gặp rất nhiều khó khăn. Những ngày đầu cả cô và trò đều cố gắng tìm ra tiếng nói chung để hướng dẫn cho mọi người hiểu. Có nhiều người ban đầu còn bỡ ngỡ, cô còn cầm tay, cầm chân dạy từng động tác. Sau 3 buổi học đầu tiên, mọi người dần bắt nhịp. Chúng tôi đùa nhau bảo có ai bỏ không thì ai cũng đồng thanh bảo “Không” rất to và rõ ràng. Chúng tôi cứ ngỡ việc này chỉ là mơ”- anh Cường tâm sự.

    Mới vào câu lạc bộ được 2 tháng, chị Phú Thị Hạnh (30 tuổi, quê Thái Nguyên) đang loay hoay hình dung động tác theo chỉ dạy của cô giáo. Chị Hạnh bị khiếm thị từ bé. Đến với Zumba là lần đầu tiên, bản thân chị bỡ ngỡ, không biết sẽ tập như thế nào. Khi đăng ký tham gia, chị Hạnh khá tò mò, cũng muốn thử xem người khiếm thị nhảy sẽ như thế nào? Vào những ngày tập nhảy, chị lại bắt xe ôm từ chỗ làm bên Ngọc Khánh qua hội Người mù tập luyện. “Khi mới tập tháng đầu tiên, tôi rất bỡ ngỡ, chân tay cứng, sau này khi có nhạc, có cô chỉ bảo nhiệt tình mới theo được lớp. Thực ra không gian ở đây hơi nhỏ nên không tránh khỏi việc va phải mọi người, va phải đồ vật, giẫm vào chân, cũng có bị đau, nhưng đều là va chạm nhẹ. Nhiệt huyết tập luyện che mờ hết mọi đau đớn, mệt mỏi”- chị Hạnh cười lớn khi chia sẻ.

    Học bằng trí nhớ và tình yêu

    Theo chị Hạnh, ngày làm ở cơ sở tẩm quất của hội Người mù chị bị cảm giác tự ti và rụt rè nhưng khi được vào học nhảy Zumba thì đã mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều.“Giờ cứ có âm nhạc nổi lên thì tôi đã muốn đong đưa theo nhạc. Thậm chí đi đường còn nhẩm bài hát và lắc lư theo điệu nhạc nữa. Vào sinh hoạt tại câu lạc bộ tôi rất vui”, chị nói.

    Đối với anh Cường, sau 7 tháng, anh là 1 trong 4 người được chọn tham gia cuộc thi nhảy dành cho người khiếm thị của cụm và đã giành giải Nhất.“Trước khi lên sàn diễn, cô Nhung đã làm công tác tư tưởng cho chúng tôi, vứt hết mọi thứ phiền muộn dưới sân khấu, khi diễn chỉ có tình yêu với âm nhạc và nhảy thôi. Nên chúng tôi mới tự tin diễn và có giải như vậy”- anh Cường vui vẻ khoe.

    Hay chị Dung, đến hiện tại chỉ mong ngày nào cũng có thể tới lớp thường xuyên để gặp mọi người. Hơn nữa, tập nhảy giúp sức khỏe nâng cao hơn, lạc quan hơn.“Gia đình rất ủng hộ việc tôi tham gia các hoạt động bổ ích như thế này. Những động tác tập bằng trí nhớ, nên việc luyện tập thường xuyên giúp chúng tôi yêu đời hơn. Chúng tôi biết rằng người khiếm thị cũng có thể nhảy được, cũng học được”- chị Dung giãi bày. Với những thành viên trong câu lạc bộ nhảy Zumba, mục tiêu hướng đến là muốn được tham gia hội diễn toàn thành phố, và biết đâu nhờ nỗ lực và may mắn, tiết mục dự thi của họ sẽ được đại diện thành phố đi diễn toàn quốc.

    Lê Liên
    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật (27)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/phan-doi-khiem-thi-sang-uoc-mo-thang-hoa-voi-vu-dieu-than-tien-a330477.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan