Từ sau đêm bị bắt và tra khảo vì có nhiều biểu hiện giống “ma cà rồng”, Pi Năng Thị Bưởi trở thành đối tượng “cần tránh xa” của dân làng.
Bưởi vẫn sinh hoạt và lao động giống như bao đứa trẻ bình thường khác. |
Gia đình cô bé cũng phải chịu sự ghẻ lạnh vì “tai tiếng” của con gái. Thậm chí họ còn phải bán đất lấy tiền đền cho sự việc vốn chưa được chứng minh đúng sai. Đến nay, gia đình này vẫn phải cho con đi rừng liên tục, cả tháng để tránh những lời miệt thị ác nghiệt.
Trăm nỗi cơ cực
Một năm trôi qua kể từ ngày Pi Năng Thị Bưởi bị nghi là “omalay”, khi PV báo GĐ&XH Cuối tuần tới thôn Suối Cát hỏi về cô bé, người dân nơi đây vẫn nhìn nhau bằng vẻ sợ hãi thấy rõ. Chúng tôi đến nhà Bưởi khi em vừa trở về sau chuyến đi 3 tuần nhặt hạt mây rừng trong núi Hòn Dao. Đây là công việc chính của em để rời xa những lời dị nghị ác nghiệt của dân làng. Lúc này, ông Ma Đun - cha của Bưởi đã vào rừng sâu kiếm sản vật. Ông Ma Đun cũng là trụ cột chính trong gia đình. Ngoài việc lo toan cho cuộc sống của vợ và đàn con, ông còn phải đau đầu giải quyết hậu quả chuyện con gái bị nghi ngờ là “omalay”. Bữa cơm chiều của gia đình Bưởi khiến ai nhìn thấy cũng phải chạnh lòng bởi chỉ có rau rừng và bí đỏ nấu thành canh đặc, ăn với cơm trắng. Hoàn cảnh gia đình cô bé rất khó khăn bởi có đến gần 20 miệng ăn. Con đông, cha mẹ Bưởi lại chỉ biết làm nông nên cái ăn trong gia đình cho gần 20 con người là cả một vấn đề. Mấy người anh lớn của Bưởi đã phải bươn bả đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Tuy nhiên, từ khi em gái bị cho là “omalay”, những người anh của Bưởi cũng không còn được nhận làm gần nhà nữa. Họ phải đi làm ở rất xa, mấy tuần mới về nhà một lần. Bởi những người nghe chuyện về Bưởi đều sợ “biết đâu máu của những người trong gia đình ấy đều “nhiễm” ma cà rồng”.
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, bà Pi Năng Thị Châu phải một lúc mới nhớ được con gái mình sinh thứ mấy và năm nay bao nhiêu tuổi. Nỗi vất vả của người mẹ đông con đã lấy đi phần nào sự minh mẫn của bà. Tuy nhiên, sự vất vả ấy có lẽ không thấm thía vào đâu so với nỗi cơ cực phải chịu tiếng có con thường đi cắn người, thậm chí đã cắn chết người. “Từ ngày Bưởi bị nghi là “omalay”, cuộc sống của gia đình tôi vô cùng nặng nề. Có người còn tẩm xăng xung quanh đòi đốt nhà tôi, may nhờ chính quyền phát hiện kịp thời. Dân làng còn bắt chúng tôi phải bồi thường. Dù biết con mình bị oan nhưng đó là luật làng, chúng tôi không thể trốn tránh. Chúng tôi cũng mong việc đền bù sẽ khiến mọi người nguôi ngoai và quên đi những lời đồn thổi ác nghiệt. Không có tiền, vợ chồng tôi phải bán 3 ha đất. Được gần 20 triệu đồng thì bồi thường cho người ta 15 triệu đồng. Vậy mà sau đó mọi người vẫn không thôi nghi ngờ con tôi là ma cà rồng”, bà Châu chua chát kể.
Những câu chuyện về con ma rừng chuyên đi hút máu người thực sự là nỗi ám ảnh lớn với người Rắc Lây vùng Khánh Thượng. Người ta cho rằng “omalay” không trú chân ở hẳn một nhà mà cứ lang thang khắp nơi theo chu trình một đời người. Trong quá trình đi lang thang ấy nó sẽ tìm máu người hoặc động vật để sinh tồn. Vì thế mà nhà nào có người bị dân làng nghi là ma thì suốt đời phải chịu muôn vàn tiếng xấu. Bà Châu buồn rầu: “Sống ở làng mà người ta sợ hãi mình thì cực lắm. Rồi còn chuyện lấy chồng của mấy đứa con sau gái sau này nữa. Ở đây, những ai bị nghi là ma sẽ không có ai dám gắn bó. Con trai còn có thể đi lập nghiệp, lấy vợ sinh con ở xa. Còn con gái ít học, yếu đuối thì biết đi đâu khỏi làng? Người làng thì chắc chắn sẽ không lấy rồi. Những người làng gần xa nghe chuyện cũng truyền tai nhau mà tránh xa. Nhà tôi có 7 đứa con gái, không biết tương lai chúng nó sẽ thế nào…”.
Nói về sự việc của con gái, bà Châu phân bua: “Thực ra, chẳng có ma quỷ gì cả. Con tôi bị người ta nghi thế này thế kia nhưng mà họ không có bằng chứng. Đứa trẻ bị chết nằm ở nơi khác còn con tôi ngủ ở nơi khác. Gia đình tôi cũng đã đưa Bưởi đi khám bệnh nhưng bác sĩ nói nó hoàn toàn bình thường, không bị bệnh tâm thần, cũng chẳng bị bùa ngải hay gì cả. Vậy mà từ đó đến nay họ vẫn nhìn con tôi như một thứ ma tà cần tránh xa. Thật tội cho con bé”. Bà Châu cho biết từ ngày bán 3ha đất rừng, cuộc sống của gia đình bà gặp khó khăn hơn trước rất nhiều. Các thành viên không có đất canh tác nên phải đi tứ xứ kiếm sống. Những người con trai lớn đi làm thuê ở xa, Bưởi cùng một số anh chị em khác theo cha vào rừng. Bà Châu ở nhà trông nom những đứa con nhỏ và tranh thủ làm số nương rẫy còn lại.
Bà Pi Năng Thị Châu kể về đứa con gái bị dân làng nghi là “omalay”. |
Minh oan cho cô bé bị nghi là “ma cà rồng”
Sau sự việc hai đứa trẻ bị tấn công và có vết cắn trên người, nỗi ám ảnh của người dân Suối Cát về “omalay” ngày càng tăng lên. Nhận thấy sự việc đã đi xa, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, chính quyền xã đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc. Theo đó, công an huyện đã về thôn Suối Cát tìm hiểu thông tin, khám nghiệm hiện trường và lấy lời khai của tất cả các bên liên quan. Sau một thời gian điều tra, phía công an cho biết không đủ cơ sở để kết luận Pi Năng Thị Bưởi là người liên quan đến cái chết của cháu Pi Năng Minh Trường, cũng như không có bằng chứng cho thấy Bưởi gây thương tích cho con gái nhỏ của chị Thế. Trao đổi với phóng viên, ông Tạ Quang Tuyền, Trưởng công an xã Khánh Thượng (Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra tại địa phương, các cơ quan chức năng, công an huyện đã tìm hiểu và điều tra. Không có bằng chứng nào cho thấy sự việc theo như những lời đồn. Cũng không có cơ sở để kết luận Bưởi là hung thủ gây ra các vụ án trên!”.
Tuy đã được các cơ quan chức năng giải thích như trên nhưng những câu chuyện về “omalay” vẫn hàng ngày được người dân thôn Suối Cát lưu truyền với sự sợ hãi, lo lắng. Và họ vẫn nghĩ Pi Năng Thị Bưởi chính là con ma rừng này. Điều này khiến cuộc sống của cô bé 13 tuổi và gia đình luôn ngột ngạt từ đó đến nay. Về điều này, ông Tuyền khẳng định: “Sự việc xảy ra với gia đình Pi Năng Thị Bưởi bắt nguồn từ quan niệm lạc hậu. Người dân vẫn cho rằng có ma tà, ác quỷ hiện hữu ở vùng rừng núi này. Thật ra chưa có ai nhìn thấy “omalay”, cũng không người nào chứng kiến việc Bười tấn công hai đứa trẻ. Tất cả chỉ do dân làng bị ám ảnh về ma quỷ quá mà sinh ra nghi ngờ. Chúng tôi sẽ kết hợp với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm chuyện này để người dân thôn Suối Cát không còn lo lắng, sợ hãi nữa. Gia đình cháu Pi Năng Thị Bưởi cũng cần được yên ổn để tiếp tục sinh sống, làm ăn”.
Mặc dù lúc đầu nghe nhiều lời đồn thổi và thấy biểu hiện của con gái, gia đình bà Pi Năng Thị Châu cũng nảy sinh nghi ngờ. Nhưng sau khi đưa Bưởi đi khám và có kết luận điều tra của công an, họ hoàn toàn tin rằng cô bé bị hàm oan. Giải thích về chuyện con gái mình thường đi một mình, bà Châu cho biết: “Nó vốn là đứa ít nói, từ nhỏ đã hay thơ thẩn chơi một mình. Có rất nhiều đứa trẻ trong làng cũng như vậy. Bây giờ thì việc đó cũng hết rồi. Hôm xảy ra sự việc, con người ta nằm chết bên kia, còn nó vẫn nằm trong nhà ngủ. Có người nói đứa nhỏ đó bị ông chú ẵm đi… Không bắt được quả tang, không thấy con tôi cắn người, cũng không thấy nó ẵm ai, vậy mà người ta vẫn nghi ngờ và buông lời ác nghiệt về nó”. Ngồi cạnh mẹ trò chuyện cùng chúng tôi, Bưởi thỉnh thoảng lại nở nụ cười dễ thương và thân thiện với người lạ, khác hẳn những lời đồn đại.
Mong con được “giải oan” Hiện tại, ngoài việc đi rừng, công việc của Pi Năng Thị Bưởi ở nhà mỗi ngày là nấu cơm, quét nhà, phụ mẹ việc lặt vặt và trông em nhỏ. “Chúng tôi đưa cháu vào rừng nhặt hạt mây chủ yếu là để tránh xa con mắt “soi mói” của mọi người. Ở làng chẳng đứa trẻ nào dám chơi với nó, đi học không được, đi đâu cũng bị người ta bàn tán, dị nghị. Nếu cuộc sống cứ tiếp tục như vậy, chắc con tôi sẽ có ngày không chịu đựng nổi. Bây giờ tôi chỉ mong cho con được “giải oan” để chuỗi ngày tiếp theo của nó khỏi cơ cực”, bà Châu chia sẻ. |