Từ xa xưa, đồng bào Rắc Lây ở vùng Khánh Thượng (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn đồn đại về chuyện “ma cà rồng” (tên địa phương là “omalay”) với sự lo lắng, sợ hãi.
Cô bé bị dân làng cho là “ma cà rồng”. |
Vết cắn bí ẩn trên thân thể những đứa trẻ mới sinh
Người dân thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng kể tin đồn “omalay” ám ảnh trở lại bắt đầu từ chuyện con chị Pi Năng Thị Thế (SN 1989) mất tích. Theo đó một buổi chiều tháng 8/2013, chị Thế đưa hai con đi thu hoạch bắp thuê cùng vì ở nhà không có ai trông. Đặt đứa con mới 1 tháng tuổi nằm trong chòi gần nơi bẻ ngô, chị dặn đứa lớn trông em, khi nào em khóc thì lấy bình sữa cho bú. Làm được một lúc, chị bỗng nghe thấy tiếng khóc ré lên của đứa con nhỏ. Càng lúc, tiếng khóc càng to hơn rồi chợt tắt lịm . Linh tính có chuyện chẳng lành xảy ra, chị vội chạy về chòi. Về đến nơi, chị vô cùng hoảng hốt khi cả hai đứa con đều biến mất. Chị Thế đi tìm, gọi con vang vọng cả một góc rừng. Những người đi làm gần đó nghe thấy liền chạy đến. Tất cả tản đi khắp nơi tìm kiếm hai đứa nhỏ, một người thì chạy về thôn Suối Cát báo tin dữ.
Đến gần địa phận xã Giang Ly, cách chòi hai đứa trẻ ở chờ mẹ lúc đầu chừng 1km, chị Thế tìm thấy đứa con gái lớn đang ngủ li bì dưới một tán cây nhỏ. Cô bé hồn nhiên kể lại: “Con để em ở chòi để đi lấy nước về nấu cơm cho mẹ!”. Nghe vậy, chị Thế càng hoang mang hơn bởi con gái thứ hai của chị mới được 1 tháng tuổi. Cô bé biến mất chắc chắn là do ai đó bế đi. Lúc này, các già làng và người dân Suối Cát cũng đã đến. Mọi người động viên, an ủi chị Thế rồi túa ra xung quanh đi tìm.
Sau hơn một giờ tìm kiếm không có kết quả, dân làng bắt đầu nghĩ tới giả thiết “omalay” mà ông cha vẫn kể lại với những giai thoại rùng rợn. Những người già dự đoán: “Chắc đứa trẻ đã bị con “ma rừng” bắt đi rồi”. Nghe vậy, chị Thế càng hoang mang, sợ hãi hơn. Người mẹ trẻ vội cầm lấy chiếc rựa đi rừng lao vào đám ngô đang mùa thu hoạch, rẽ cây đuổi theo hướng mà chị linh cảm rằng con mình bị đưa đi.
Có lẽ, tình mẫu tử đã cho chị Thế linh cảm đúng. Tiến về hướng định sẵn một đoạn thì chị Thế tìm thấy đứa con nhỏ đang nằm tím tái trong bụi rậm. Chị bế con lên và thoáng nhìn thấy qua đám cỏ tranh cách đó không xa một bóng áo trắng tóc tai rũ rượi đang đi xa dần. Vì đã tìm được con, lại mường tượng ra rằng đó chính là “omalay” đã bắt cóc đứa trẻ, chị Thế vô cùng sợ hãi. Chị nhanh chóng bế con về làng rồi kể lại mọi chuyện cho mọi người nghe. Cháu bé được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Vĩnh. Các bác sĩ kết luận sơ bộ bé bị tổn thương ngoài da và mũi bị bầm tím do tác động của ngoại lực, rất có thể cháu bị ngã hoặc va vào vật cứng. Riêng phần môi bị chảy máu, các bác sĩ cho rằng bé bị cắn vì có vết răng của ai đó hằn lại. Nghe bác sĩ thông báo như vậy, chị Thế run bắn người và nghĩ ngay tới việc con gái đã bị “omalay” làm hại.
Ngôi nhà của Pi Năng Thị Bưởi mới được xây nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ hộ nghèo của địa phương. |
Sau khi bắt giữ Bưởi, mọi người kéo đến đứng chật sân nhà chị Thế, vòng trong vòng ngoài. Ai cũng thốt lên: “Cái Pi Năng Thị Bưởi, con ông Ma Đun đây mà. Sao nó lại là “omalay” thế nhỉ?”. Cho rằng con “ma rừng” vẫn còn đang ở trong Pi Năng Thị Bưởi, đám thanh niên trói cô bé vào gốc cau giữa vườn nhà và bắt đầu tra hỏi. Thậm chí, có thanh niên không ngại ngần dùng roi vụt mạnh để đánh đuổi “ma rừng” ra khỏi người cô bé 13 tuổi, mặc sự van xin và nỗi đau đớn của Bưởi. Đứng bên ngoài nhìn mọi người tra hỏi con, ông Ma Đun và bà Pi Năng Thị Châu (cha mẹ Bưởi - PV) chỉ biết khóc lặng. Nhiều lần vì quá xót con, bà Châu đã lăn vào để ngăn cản nhưng dân làng không cho hai người lại gần vì cho rằng: “Giờ là con “ma rừng” đang nhập vào cái Bưởi chứ không phải là nó đâu…” (?!)
Nhiều người dân thôn Suối Cát cho biết, chuyện Pi Năng Thị Bưởi bị nghi ngờ là “omalay” không phải chỉ dựa trên sự việc hai đứa trẻ bị làm hại. Cô bé được cho là hay ăn cắp vặt, chửi bới và thường nói chuyện lẩm bẩm một mình. Sau khi con gái chị Thế bị tấn công, người ta thấy Bưởi hay đi bộ một mình sau nhà hoặc trong rừng vắng, giữa đồng không, ít tiếp xúc với người ngoài. Thi thoảng, cô bé còn đuổi theo bắt gà, vịt. Lời đồn do “omalay” không bắt được người nên đành bắt gà vịt để ăn càng khiến người ta tin vào việc có con “ma rừng” này. Việc Bưởi đi một mình gần “hiện trường” - nơi chị Thế phát hiện đứa con gái trong bụi rậm được người làng cho là “minh chứng” rõ ràng nhất cho thấy cô bé là “omalay”. Cha mẹ Bưởi cũng không biết phải giải oan cho con thế nào mà cô bé thì chẳng chịu hé răng nói một lời.
Vì những câu chuyện truyền đời “ghê rợn” nên dù chưa ai nhìn thấy nhưng dân làng Suối Cát vẫn luôn ám ảnh về con “ma rừng” được gọi tên là “omalay”. Chính vì vậy, người nào bị dân bản nghi là ma cà rồng sẽ bị cả bản xa lánh, cô lập. Chẳng ai muốn giao tiếp với “ma” và đặc biệt rất sợ “ma” đến nhà mình chơi. Sau đêm kinh hoàng đó, cuộc sống của Bưởi bị đảo lộn hoàn toàn. Mọi người đều sợ hãi mỗi khi nhắc đến tên của Bưởi. Người dân nơi đây còn cho rằng, khi người trong gia đình cô bé đến thăm nhà nào thì dứt khoát vài ngày sau lợn, gà của nhà đó tự dưng sẽ lăn đùng ra chết. Cứ như vậy, dân làng bảo nhau không chơi, không giao lưu với Bưởi và gia đình cô bé, khiến câu chuyện về “omalay” ngày càng nghiêm trọng. Nhận thấy sự việc đi quá đà, chính quyền địa phương xã Khánh Thượng đã kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xác minh sự việc.