Dường như Tân Hiệp Phát muốn "chơi lớn" với mảng bất động sản khi lập cùng lúc hơn chục công ty với tổng vốn gần 20.000 tỷ đồng?
Theo Trí thức trẻ, là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực đồ uống, trong hơn 1 năm trở lại đây, gia đình ông Trần Quí Thanh và tập đoàn Tân Hiệp Phát đã có những động thái mạnh mẽ để tham gia vào lĩnh vực bất động sản.
Tháng 6/2018, ông Thanh trở thành thành viên trong ban chấp hành câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM với ý định sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để cùng hỗ trợ các thành viên trong câu lạc bộ khi họ thiếu vốn cho các dự án bất động sản.
Thời điểm đó, đại gia nước giải khát tiết lộ sẽ chọn TP.HCM và Bình Dương là 2 nơi để phát triển các dòng sản phẩm bất động sản. Đặc biệt, Tân Hiệp Phát không hạn chế phân khúc sản phẩm và vai trò doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà tất cả là theo nhu cầu và cơ hội của thị trường.
Và kết quả là trong hơn một năm qua, hàng loạt công ty có ngành nghề kinh doanh bất động sản đã được gia đình ông Thanh thành lập.
Đáng chú ý là trong khoảng thời gian từ 18-24/4, có 10 công ty được thành lập với cùng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và cùng cơ cấu sở hữu: bà Trần Uyên Phương nắm giữ 99,9%, bà Trần Ngọc Bích nắm giữ 0,05% và bà Phạm Thị Nụ nắm giữ 0,05%.
Đến ngày 14/5, thêm CTCP Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền được thành lập với vốn điều lệ lớn hơn hẳn, đạt 3.830 tỷ đồng, cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi.
CEO Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh. Ảnh: TheLEADER |
Vào đầu năm 2018, gia đình ông Thanh cũng thành lập công ty mua bán nợ VNAMC. Việc thành lập công ty mua bán nợ được nhận định có liên quan đến tuyên bố lấn sân ngành bất động sản. Tân Hiệp Phát nhiều khả năng thông qua việc mua những khoản nợ có tài sản đảm bảo là bất động sản để tích lũy quỹ đất.
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Quí Thanh cũng từng chia sẻ, bất động sản là ngành được quan tâm đặc biệt, tập đoàn sẽ dành khoảng vài ngàn tỷ đồng để tham gia thị trường này.
Ông Trần Quí Thanh đã từng tham gia vào HĐQT của Công ty CP Địa ốc Sài Gòn từ lâu, vào tháng 6/2017, ông sở hữu 478.482 cổ phiếu của doanh nghiệp này. Đầu năm 2018, khi Địa ốc Sài Gòn chính thức xuất hiện ở HOSE, ông Thanh trở thành một người giàu trên sàn chứng khoán.
Trao đổi với TheLEADER, ông Thanh thừa nhận nhắm vào 2 lợi thế về nguồn vốn và quỹ đất khi chọn bất động sản để mở rộng lĩnh vực kinh doanh, biến Tân Hiệp Phát trở thành một tập đoàn đa ngành trong tương lai.
Theo ông Thanh, bất động sản là một ngành khá thú vị nhưng không phải tại nó đang lên mà Tân Hiệp Phát tham gia. Lên hay xuống có thể là rủi ro hoặc cơ hội của người này hoặc người khác, nhiều khi nó đang xuống lại là cơ hội của một số người hoặc đang lên lại là rủi ro với một số người khác.
Tân Hiệp Phát cũng quan tâm tới bất động sản, vì tất cả mọi người, mọi lĩnh vực đều có mối liên quan đến bất động sản, đây là một ngành thú vị nhất là trong giai đoạn đất nước đang phát triển, nhu cầu mở rộng thành phố, mở rộng kinh doanh rất lớn.
Tất nhiên, khi Tân Hiệp Phát quyết định tham gia cũng đã chọn điểm rơi thích hợp, có lợi nhất cho những lợi thế cạnh tranh của mình.
Mảng đồ uống của Tân Hiệp Phát tạo ra cả nghìn tỷ lợi nhuận mỗi năm trong suốt một thời gian dài nên việc gia đình ông Trần Quí Thanh thành lập cùng lúc hơn chục công ty bất động sản với quy mô vốn gần 20.000 tỷ đồng cũng không phải điều gì quá bất ngờ.
Theo một diễn biến khác, mới đây, Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng là một trong 22 doanh nghiệp nhận giải vàng Chất lượng Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ trao tặng.
VnExpress cho biết, Tân Hiệp Phát đáp ứng 7 tiêu chí đánh giá của ban tổ chức gồm vai trò của lãnh đạo; hoạch định chiến lược; định hướng khách hàng và thị trường; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; phát triển nguồn nhân lực; quản lý các quá trình; kết quả hoạt động. Các tiêu chí này dựa trên mô hình Malcolm Baldrige (MBA) - giải thưởng Chất lượng Quốc gia của Mỹ.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nước giải khát, hiện Tân Hiệp Phát sở hữu hàng loạt thương hiệu nổi tiếng quốc gia như Trà Thanh Nhiệt Dr Thanh, Trà Xanh Không Độ, nước tăng lực Number 1,...
Vũ Đậu (T/h)