Chia sẻ với kênh tin tức SkyTG24 của Italy bên lề hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 14/6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không dừng cuộc tấn công quân sự ngay cả khi đề xuất ngừng bắn của ông được đáp ứng.
Ông cho rằng, những điều kiện mà Tổng thống Putin đưa ra để chấm dứt xung đột là “tối hậu thư” đối với Kiev, vì thế không thể chấp nhận được. "Những tối hậu thư này không khác gì những thông điệp trước đây. Ông ấy (Tổng thống Putin) sẽ không dừng lại", nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Báo Dân Trí dẫn thông tin từ RT cho hay, tuyên bố nói trên của ông Zelensky được đưa ra sau khi ông Putin nêu một loạt điều kiện để Nga bắt đầu đàm phán hòa bình với Ukraine, trong đó có yêu cầu Ukraine phải rút quân hoàn toàn khỏi 4 vùng lãnh thổ mà Nga từng tuyên bố sáp nhập.
"Quân đội Ukraine phải rút hoàn toàn khỏi Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Zaporizhia và Kherson. Một khi Kiev tuyên bố sẵn sàng và bắt đầu việc rút quân thực sự khỏi các khu vực này, cũng như chính thức từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO, chúng tôi sẽ ngay lập tức ngừng bắn và bắt đầu đàm phán", Tổng thống Nga nêu rõ.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga cũng yêu cầu Ukraine duy trì quy chế trung lập, không liên kết và phi hạt nhân để giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình.
Ông Mikhail Podoliak - trợ lý của tổng thống Ukraine, cho rằng sáng kiến của Tổng thống Nga không "thực tế". Theo ông Podoliak, ông Putin "không đưa ra đề xuất hòa bình thực sự" và thể hiện "không muốn kết thúc xung đột".
Trợ lý của tổng thống Ukraine lập luận rằng, kế hoạch của ông Putin tập trung vào việc yêu cầu Kiev từ bỏ lãnh thổ và chủ quyền, đồng thời khiến Ukraine rơi vào tình thế "không được bảo vệ" bằng cách không gia nhập NATO.
Ông Podoliak cũng cho rằng, kế hoạch của Moscow là một đề xuất "hoàn toàn giả tạo", đồng thời bác bỏ kế hoạch này vì "vi phạm luật pháp quốc tế" và "thông lệ".
Quan chức Ukraine nhận định Nga sẽ tiếp tục cuộc xung đột theo "các hình thức mới" nếu Kiev chấp nhận bất kỳ điểm nào trong đề xuất do ông Putin đưa ra.
Về phía NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg chỉ trích đề xuất của Tổng thống Putin, cho rằng yêu cầu rút lực lượng Ukraine khỏi các vùng lãnh thổ mới do Nga sáp nhập không phải là dấu hiệu của thiện chí mà là mong muốn của Moscow nhằm đạt được các mục tiêu quân sự và "kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ của Ukraine hơn".
Ông Stoltenberg bác bỏ đề xuất của Tổng thống Nga, đồng thời tuyên bố rằng các thành viên NATO sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ Ukraine khi các sở chỉ huy ở Đức và các nước Đông Âu sẽ tham gia điều phối cung cấp vũ khí cho nước này.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Tổng thống Putin “không có tư cách” để đưa ra yêu cầu Ukraine chấm dứt xung đột, theo thông tin trên VTC News.
“Ông ấy không ở vị thế có thể ra lệnh cho Ukraine về những gì nước này phải làm để mang lại hòa bình", ông Austin chia sẻ với Reuters ngày 14/6.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố việc Kiev và NATO từ chối đề xuất của Nga cho thấy mong muốn "cướp đi cơ hội hòa bình của người dân Ukraine".
Theo phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov, việc ông Zelensky mô tả lời đề nghị của Tổng thống Putin như tối hậu thư là “một cách hiểu sai lầm”.
“Đây là một đề xuất toàn diện và mang tính xây dựng”, ông Peskov nói, đồng thời giải thích các điều kiện hòa đàm có phần nhiều hơn những gì Moscow đề xuất vào tháng 3/2022.
Ông Peskov cũng nhắc lại rằng Ukraine đã nhận được các điều kiện hòa đàm có lợi vào tháng 3/2022 nhưng họ đã từ chối chúng theo yêu cầu của Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson.