Reuters đưa tin, báo cáo do Bộ môi trường Ukraine và các tổ chức phi chính phủ về khí hậu công bố cho thấy cuộc xung đột Nga - Ukraine đã trực tiếp gây ra hoặc mở đường cho việc phát thải 175 triệu tấn carbon dioxide (CO2) vào khí quyển.
Ước tính của báo cáo trên bao gồm cả lượng khí CO2 đã thải vào khí quyển khi xung đột diễn ra và lượng khí thải sẽ được tạo ra trong quá trình sửa chữa cũng như tái thiết những gì bị tàn phá do cuộc xung đột.
"Hàng tỷ lít nhiên liệu được sử dụng bởi các phương tiện quân sự, gần một triệu ha đồng ruộng và rừng bị đốt cháy, hàng trăm công trình dầu khí bị nổ tung và một lượng lớn thép và xi măng được sử dụng để củng cố hàng trăm km phòng tuyến của hai bên trong xung đột", báo cáo nêu rõ.
Cũng theo báo cáo này uớc tính 175 triệu tấn CO2 thải vào khí quyển do xung đột Nga - Ukraine tương đương với lượng khí thải do khoảng 90 triệu chiếc ô tô hoặc toàn bộ Hà Lan tạo ra trong một năm.
Giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine trong cuộc xung đột trên bộ lớn nhất châu Âu trong vòng 80 năm qua được nhận định là đã gây tổn hại cho môi trường. Tổng thiệt hại về khí hậu mà Nga gây ra sau 24 tháng chiến sự ước tính đã lên tới hơn 32 tỷ USD.
Báo cáo được Bộ môi trường Ukraine và các tổ chức khác đồng thực hiện chỉ ra rằng, phát thải khí CO2 thời chiến có thể chia thành 3 phần: do hoạt động quân sự, do thép và bê tông cần để tái thiết cơ sở hạ tầng và phát sinh từ hỏa hoạn cũng như hoạt động di chuyển của con người.
“Trong những tháng đầu của cuộc xung đột, phần lớn lượng khí thải là do cơ sở hạ tầng dân sự bị phá hủy trên quy mô lớn, đòi hỏi nỗ lực tái thiết lớn sau chiến tranh. Bây giờ, sau 2 năm xung đột, phần lớn nhất của khí thải bắt nguồn từ sự kết hợp giữa các cuộc giao tranh, cháy rừng và thiệt hại về cơ sở hạ tầng năng lượng", báo cáo cho biết thêm.
Trong đó, hoạt động quân sự giữa Nga và Ukraine tạo ra tới 51,6 triệu tấn CO2. Riêng việc tiêu thụ nhiên liệu quân sự đã tạo ra 44,6 triệu tấn CO2. Còn theo một ước tính năm 2022, quân đội các nước trên thế giới tạo ra 5,5% khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Xung đột cũng đã làm tăng đáng kể tần suất cháy rừng ở các khu vực bị ảnh hưởng, khoảng một triệu ha đất đã bị thiêu rụi bởi 27.000 vụ hỏa hoạn liên quan đến giao tranh tranh, gây ra thiệt hại tương đương cho khí quyển là 23 triệu tấn CO2.
Cuối cùng, việc đóng cửa không phận ở Ukraine và một số khu vực của Nga, cũng như các hạn chế đối với việc một số hãng hàng không sử dụng không phận của Nga ước tính đã tạo ra thêm hơn 24 triệu tấn CO2.
Theo Reuters