Năm 38 tuổi, chị Lê Thị Mai (hiện 42 tuổi, quê Hà Nội) lập gia đình. Tuy nhiên, Tuy nhiên, khi vừa mới kết hôn, người phụ nữ lại nhận được học bổng tiến sĩ tại Pháp trong vòng 4 năm.
Đứng trước lựa chọn nhận lấy cơ hội làm nghiên cứu sinh tại nước ngoài và ở nhà để có con, chị Mai rất phân vân. Cuối cùng, người phụ nữ quyết tâm theo đuổi sự nghiệp.
Sau thời gian du học, chị Mai trở về nước thực hiện ước mơ làm mẹ. Thế nhưng mọi việc không như ý muốn, dù quan hệ đều đặn và nhiều lần, 2 vợ chồng vẫn mãi không có tin vui. Chị Mai quyết định đi khám thì tá hoả chức năng dữ trữ buồng trứng của mình đã cạn kiệt.
Đây là một trong những trường hợp TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tiếp nhận điều trị. Theo BS Thành đây chỉ là một trong nhiều trường hợp chủ quan đến sức khoẻ sinh sản, lo tập trung học tập, kinh tế… đến khi muốn có con thì không thể vì… "cạn kiệt trứng".
"Khi kiểm tra chúng tôi phát hiện bệnh nhân không còn quả trứng nào. Điều này đồng nghĩa với việc, giải pháp duy nhất để người phụ nữ có con là đi xin trứng", BS Thành cho hay.
Theo BS Thành, buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng nhất của nữ giới, vừa sản xuất hormone sinh dục vừa sản xuất trứng phục vụ quá trình sinh sản.
Thông thường, một phụ nữ ở tuổi dậy thì sẽ có 300.000-400.000 trứng. Qua chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, số trứng và nang trứng dự trữ sẽ giảm dần và thường "chạm đáy" ở độ tuổi 45-50. Khi đó phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh.
BS Thành phân tích, độ tuổi sinh con phù hợp là yếu tố quan trọng, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
"Từ 20 đến 35 tuổi là giai đoạn buồng trứng chín muồi và hoạt động tốt nhất nên tỷ lệ cho ra nang trứng tốt sẽ cao hơn. Do đó, phụ nữ nên sinh con trong độ tuổi 20-35 để đảm bảo sức khỏe mẹ và bé", BS Thành nhấn mạnh.
Vị chuyên gia khuyến cáo, ngày nay trường hợp như chị Mai ngày càng phổ biến. Xuất phát từ việc phụ nữ trong thời đại mới cũng theo đuổi sự nghiệp của riêng mình, dẫn đến không ít chị em lập gia đình muộn vì chờ thành đạt. Việc phụ nữ kết hôn sau tuổi 30 hiện nay đã trở thành phổ biến.
"Tuy nhiên, có một thực tế là phụ nữ có một số lượng trứng nhất định ngay từ khi sinh ra. Kho dự trữ trứng sẽ cạn dần theo thời gian. Khi kết hôn quá muộn cũng đồng nghĩa với việc độ tuổi sinh sản của chị em rút ngắn lại. Bên cạnh đó, không chỉ số lượng mà chất lượng trứng của phụ nữ lớn tuổi cũng sẽ kém đi", BS Thành cho hay.
Bên cạnh đó, suy buồng trứng sớm trở thành gánh nặng thứ hai đối với tài sản sinh sản của phụ nữ trong thời đại 4.0.
Khi bị suy giảm dự trữ buồng trứng sớm, có người sau 1-2 năm đã mãn kinh, có người may mắn kéo dài được vài năm. Tại Việt Nam vẫn chưa có số liệu thống kê song số lượng bệnh nhân trẻ tuổi đến khám và phát hiện bị suy buồng trứng ngày càng nhiều.
"Trước đây, các bệnh nhân suy giảm dự trữ buồng trứng mà chúng tôi tiếp nhận có độ tuổi trung bình là 30-35 tuổi. Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, các bệnh nhân ở độ tuổi 25-30 tuổi có số lượng tăng lên đáng kể", BS Thành thông tin.
Từ thực tế này, BS Thành gửi lời khuyên, chị em phụ nữ cần có kế hoạch kiểm tra tài sản sinh sản, đặc biệt là tuổi của buồng trứng. Biết được tình trạng sức khỏe của buồng trứng, các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về kế hoạch mang thai phù hợp hoặc khuyến cáo phương án trữ trứng.
* Tên nhân vật đã được thay đổi!