Cuộc đời của NSƯT Thoại Mỹ giống như một cuốn phim buồn. Tình duyên đổ vỡ đã lấy đi của chị chuỗi ngày rực rỡ thuở thanh xuân. Sự nuối tiếc không con khiến chị ôm nỗi đau ở tuổi xế chiều. Nhưng sau tất cả, Thoại Mỹ không cho phép mình gục ngã, mạnh mẽ sống để dâng hiến những điều tốt đẹp cho đời, cho người.
NSƯT Thoại Mỹ. |
Cái nghèo đeo bám làm nên thành công
Thoại Mỹ sinh ra trong một gia đình lao động nghèo và rất đông con. Bố mẹ chị có tới 12 đứa con nên gia đình trường kỳ ở tình trạng thiếu trước hụt sau. Thoại Mỹ dù là con áp út nhưng từ nhỏ đã ý thức rất rõ trách nhiệm của mình trong việc phụ giúp cha mẹ.
Năm 11 tuổi, Thoại Mỹ bắt đầu gắn bó với sân khấu, chủ yếu hát thế vai cho người khác. Công việc này đã giúp Thoại Mỹ có thêm chút tiền để phụ giúp cha mẹ. Sau một vài năm gắn bó với sân khấu, chị thi vào trường Trần Hữu Trang. Ngày ấy, hàng tháng mỗi học viên được lĩnh 17 ký gạo, nửa ký thịt, nửa ký cá nhưng vì ở bán trú nên chị phải để lại thịt, cá và 10 ký gạo ở trường để ăn trưa. Tuy nhiên, sau đó, phần vì thấy thiệt thòi, phần vì nhà quá nghèo nên Thoại Mỹ không ở bán trú nữa để được đem trọn tiêu chuẩn đó về cho cả nhà cùng ăn. Không ở bán trú cũng đồng nghĩa với việc chị phải đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày. Lúc ấy, ngày nào cũng như ngày nào, sáng đi bộ đến trường, trưa chạy về nhà ăn cơm rồi lại đi bộ tiếp tới trường để học buổi chiều. Tan học, Thoại Mỹ chạy nhanh về ăn cơm rồi tối cắp sách đến lớp học bổ túc văn hóa. Chị cứ đi bộ như vậy suốt mấy năm trời.
Nói về cuộc sống thiếu thốn lúc đó, nghệ sĩ Thoại Mỹ kể: “Đôi dép đứt tôi cũng không có tiền mua. Tôi mang dép xỏ ngón, đứt quai phải lấy ghim băng hoặc cọng kẽm xâu lại ở dưới đế để đi tiếp. Sau mỗi đêm diễn, tôi phải dùng cục xà bông dầu để rửa mặt và gội đầu bằng bột giặt quần áo. Ngay cả khi đi hát tôi cũng chưa từng biết đến chiếc xe đạp. Diễn trong thành phố, dù xa đến mấy tôi cũng phải đi bộ... Sau này, cô Ngọc Cảnh về làm trưởng đoàn 3 thấy hoàn cảnh của tôi thì thương cho ngủ lại đoàn hát. Cô còn lo cho tôi cơm nước mỗi ngày để được cầm trọn tiền hát về lo cho gia đình”.
Nghệ sĩ Thoại Mỹ cũng tiết lộ, ngày ấy nghệ sĩ khổ lắm chứ không sướng như bây giờ. Cả đoàn mấy chục con người dồn hết vào một gian phòng, trải chiếu xuống đất ngủ. Cứ 2, 3 người chui vào một cái màn. Tắm thì múc nước giếng, phải thay phiên nhau. Cơm ăn tập thể, không no cũng phải chịu. Chị cũng không dám dùng tiền kiếm được để mua ăn thêm vì còn phải gửi về cho gia đình. Trải qua nhiều vất vả, có những lúc chị tưởng chừng mình không thể đứng trên sân khấu nhưng Tổ nghề đã thương, đã “ngó xuống Thoại Mỹ” và cuộc sống của chị cũng như gia đình nhờ thế mà thay đổi.
Trong thời kỳ đỉnh cao, Thoại Mỹ chạy mấy điểm một đêm. Giá vàng lúc đó 3- 4 triệu đồng/cây thì chị kiếm được 4- 5 triệu đồng/đêm. Cuộc sống của chị và gia đình không còn khó khăn nữa. Khi sân khấu cải lương chững lại, nghệ sĩ bắt đầu chuyển sang đi tỉnh, Thoại Mỹ chỉ đi được một thời gian thì sức khỏe giảm sút nên không thể đi nhiều. Hiện tại, chị vẫn tham gia diễn xuất nhưng thú nhận “vì sức khỏe không tốt nên mỗi đêm chỉ chạy 2 điểm là quá lắm rồi”. Ngoài nghệ thuật, chị có công việc kinh doanh, cả Việt Nam và Mỹ nên cuộc sống cũng không khó khăn.
Hai lần tự vẫn vì tình
Nói đến Thoại Mỹ người ta nhớ đến mối tình đẹp với nghệ sĩ Kim Tử Long. Chuyện tình của họ kéo dài khoảng 2 năm, khi ấy Thoại Mỹ đang học ở trường Trần Hữu Trang. Đó là chuyện tình đẹp, thơ mộng và là kỷ niệm khó quên của chị.
Kể về chuyện này, nghệ sĩ Thoại Mỹ bộc bạch: “Lúc ra trường, anh ấy đi theo đoàn khác và quen người mới. Tính tôi thì rất chung tình nên 2 đứa chia tay. Giờ gặp lại, chúng tôi vẫn xem nhau như anh em, đồng nghiệp. Gia đình anh cũng rất thương tôi. Sau này, chúng tôi còn hát cặp với nhau nữa. Lúc anh Kim Tử Long và người vợ đầu ly dị, ảnh có giỡn rằng “Hay mình nối lại tình xưa đi Mỹ”. Tôi đáp “Bớt giỡn, khó lắm anh””.
Thoại Mỹ là nghệ sĩ được yêu thích lại có ngoại hình xinh đẹp nên được nhiều chàng trai theo đuổi. Ngày ấy có người yêu chị đến mức ngày nào cũng đứng dưới đường để gọi tên Thoại Mỹ, thậm chí có anh còn... “làm càn” luôn. Tuy nhiên, Thoại Mỹ lại là người không dễ yêu nên con tim chị không hề bị lỗi nhịp cho đến khi gặp người chồng đầu tiên.
Chị kể, chị biết người chồng đầu qua một người bạn. Anh là nhân viên một công ty của Đài Loan. Lúc đó, Thoại Mỹ có nhiều người theo đuổi nhưng chị quyết định chọn anh. Với chị, đó là cái duyên, cái nợ. Tuy nhiên, theo thời gian cuộc sống hôn nhân của họ trở nên căng thẳng vì những mâu thuẫn. Đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn với Thoại Mỹ, thậm chí chị còn tìm đến cái chết để giải thoát bản thân khỏi những bế tắc. May mắn thoát chết, chị vào chùa xin xuống tóc nhưng bị từ chối.
“Ni sư chỉ cắt một mớ tóc để giải bớt nghiệp cho tôi và bảo rằng nghiệp của mình thì mình lãnh, không ai lãnh giùm được. Càng không thể hủy hoại bản thân mình như vậy. Đó là cái tội lớn nhất trong nhà Phật”, Thoại Mỹ tâm sự.
Tự vẫn không thành, đi tu không song chị chọn cách ly hôn để giải thoát cho cả hai. Nghệ sĩ Thoại Mỹ kể, khi chia tay chị ra đi tay trắng, không mang bất cứ thứ gì. Để quên đi nỗi đau tình, chị lao vào làm việc không mệt mỏi. Chị làm bất kể ngày đêm, tới mức bị tai nạn ở chân vẫn cắn răng chịu đựng mà lao vào công việc.
Sau cuộc hôn nhân nhiều đau khổ ấy tưởng rằng Thoại Mỹ không thể mở lòng thêm lần nào nữa, nhưng rồi với tâm hồn đa cảm của người nghệ sĩ chị lại yêu. Cuộc tình sau đó mang đến cho chị niềm hạnh phúc thăng hoa nhưng cũng gieo vào tâm hồn ấy nỗi đau đớn khôn xiết. Ông trời dường như không ưu ái cho người phụ nữ ấy, thế nên dù chị luôn yêu bằng cả con tim, yêu cuồng nhiệt, yêu hết mình nhưng khi phút đam mê qua đi điều còn lại chỉ là nỗi đau.
Nhiều người tiếc cho Thoại Mỹ, một cô gái xinh đẹp, tài năng, được nhiều chàng trai ngưỡng mộ nhưng lại chẳng thể tìm được cho mình một người đàn ông bên cạnh. Chị nói, số của mình cô độc nên thành ra mới như vậy. Sau cuộc hôn nhân đầu, chị đã hơn 2 lần tính chuyện hôn nhân, thậm chí đã có lễ ăn hỏi rồi mà vẫn bị gãy đổ. Âu đó cũng là số của chị nên chị chấp nhận, chẳng oán trách gì. Chị chỉ hối tiếc là không có được một đứa con của riêng mình.
Hiện tại, chị nhận nuôi 2 đứa trẻ, chúng ở với chị nhưng vẫn có cha mẹ. Nói về điều này chị chia sẻ: “Điều hối tiếc nhất có lẽ là tôi không có một đứa con. Tôi từng bị sảy thai một lần nên những lần sau hơi khó. Phần cũng do tôi muốn tìm hiểu kỹ, không muốn vội vàng quá, rồi tội cho con cái sau này. Đến khi muốn có con quá rồi thì đã muộn...”.
Sự hối tiếc ấy đã có lúc giày vò tâm can chị, nhưng rồi khi hiểu Phật pháp, chị đã buông bỏ để lòng thanh thản. Dù không có con nhưng chị vẫn làm được những điều tốt đẹp cho mọi người, vẫn làm được nghề. Nhiều đêm nghĩ về số phận mình, chị cũng chạnh lòng, cũng tủi thân, cũng khóc nhưng rồi mọi thứ cũng trôi qua.
Lê Anh
Báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 22