Nữ danh ca Phương Dung không khỏi nghẹn ngào nhớ về kỉ niệm từng phải ăn me thay cơm khi đi diễn cùng cha đẻ của ca khúc "Thành phố buồn".
[presscloud]2801[/presscloud]
Trong đêm nhạc Sol Vàng tháng 6 với chủ đề Một trái tim yêu, khán giả sẽ được lắng nghe những ca khúc đi vào lòng người của nhạc sĩ tài hoa Lam Phương. Tại đây nữ danh ca Phương Dung đã vô cùng nghẹn ngào nhớ lại những kỉ niệm ngày trẻ khi còn đi diễn với nhạc sĩ Lam Phương.
Nữ danh ca cho biết vào năm 1966, nhạc sĩ Lam Phương tổ chức chương đại nhạc hội từ Quảng Trị vào đến Sài Gòn, tham gia chương trình chỉ có ba nữ ca sĩ đó là danh ca Bạch Yến, Phương Dung cùng ca sĩ trẻ Hoàng Oanh.
Thời điểm đó, Phương Dung và Hoàng Oanh là hai nữ ca sĩ có tên tuổi rất được khán giả mến mộ bởi chất giọng truyền cảm và ra mắt hơn 300 đĩa nhựa lúc bấy giờ. Trong khi đó, danh ca Bạch Yến từ Pháp trở về cùng với đoàn đi diễn khắp các tỉnh: Quảng Nam, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết mà đối với danh ca Phương Dung: “Đó là một trong những kỉ niệm ngày trẻ mà không thể nào tôi quên được”.
Nữ danh ca Phương Dung. |
Trong chuyến đi ấy, có lần cả đoàn đã phải dừng chân tại một ngôi làng nhỏ vì đêm quá khuya. Để mọi người lấy lại sức sau ngày diễn, vợ chồng nhạc sĩ Lam Phương đã tìm đường vào làng mua cơm cho cả đoàn dùng.
Nữ danh ca chia sẻ: “Lúc đợi vợ chồng nhạc sĩ Lam Phương, cả đoàn chúng tôi ra giữa đường ngồi hát nghêu ngao mà khi ấy trời cũng khuya lắm rồi khoảng 2 – 3 giờ sáng mà chúng tôi vẫn có thể nô đùa vui vẻ”. Thế nhưng điều bất ngờ là khi cơm được đưa đến mở ra chỉ toàn thấy là me, Phương Dung nhớ lại: “Lúc ấy, mọi người ở địa phương không biết có đoàn hát ghé đến nên không có sẵn cơm, đành lấy những trái me dành để bán vào sáng mai cho chúng tôi ăn đỡ. Thế là chúng tôi ăn me trừ cơm trong đêm đó”.
Chỉ là những trái me không đáng giá bao nhiêu nhưng nó thể hiện tình yêu mến, sự giúp đỡ của mọi người dành cho người nghệ sĩ khiến cả đoàn vô cùng ấm lòng. Chương trình đại nhạc hội năm đó của nhạc sĩ Lam Phương dù kết thúc thành công nhưng ông vẫn phải bán đi chiếc xe của mình với giá khoảng 300 – 400 trăm ngàn thời điểm đó để chi trả cho những khoảng chi phí trong chương trình.
Nhạc sĩ Lam Phương là một nhạc sĩ tiêu biểu của tân nhạc miền Nam Việt Nam. Ông đã để lại hơn 200 tác phẩm với bản nhạc đầu tay là ca khúc Chiều thu ấy được viết lúc ông chỉ mới 15 tuổi. Càng về sau nhạc của Lam Phương càng được nhiều người yêu mến với những ca khúc đi sâu vào lòng người như ca khúc nổi tiếng Thành phố buồn, Nắng đẹp miền Nam, Bức tâm thư, Chiều hành quân…
Cuộc đời của nhạc sĩ trải qua không ít thăng trầm và biến cố từ chuyện tình cảm đến cuộc sống, lận đận từ quê hương đến khi ra xứ người, nên trong mỗi giai đoạn cuộc đời, nhạc của Lam Phương lại mang nhiều màu sắc, tâm tư khác nhau: Khi vui tươi, yêu đời với: Bài tango cho em, Mùa thu yêu đương… lúc lại sầu bi, day dứt với những ca từ trong: Tình bơ vơ, Ngày buồn, Say, Lầm… khiến cho nhạc của Lam Phương luôn đong đầy cảm xúc.
Vi An (T/h)