Hai nhóm lọc ảo cùng lọc với hệ thống của Bộ GD&ĐT
Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, quy trình lọc ảo là việc sử dụng phần mềm xét tuyển để lọc bỏ những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng cao hơn vào trường khác ra khỏi danh sách trúng tuyển dự kiến mà trường gửi lên hệ thống. Điều này đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển nguyện vọng duy nhất ở một phương thức trong danh sách nguyện vọng thí sinh đăng ký đủ điều kiện trúng tuyển, theo nguyên tắc ưu tiên nguyện vọng cao hơn.
Việc lọc ảo được Bộ GD&ĐT thực hiện 6 lần theo quy trình, bắt đầu từ hôm nay (13/8) đến 17h ngày 17/8. Sau đó, các trường tải về kết quả xử lý nguyện vọng lần thứ 6 và chuẩn bị cho việc công bố điểm chuẩn trúng tuyển.
Bên cạnh quá trình lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT, các đơn vị cũng hình thành hai nhóm lọc ảo phía Bắc và phía Nam. Nhóm lọc ảo phía Bắc do Đại học Bách khoa chủ trì và nhóm lọc ảo phía Nam do Đại học Quốc gia TP.HCM điều phối.
Hai nhóm lọc ảo này sẽ sẽ thực hiện quy trình riêng để cùng lọc với hệ thống của Bộ GD&ĐT, nhằm cho kết quả chính xác nhất.
Trước 17h ngày 17/8, các trường sẽ nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và chuẩn bị công bố kết quả trúng tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non đợt 1 năm 2024. Trước 17h ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phải quy định tất cả thí sinh xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống, trước khi nhập học tại cơ sở đào tạo.
Những số liệu gây bất ngờ trước giờ lọc ảo
Trước "giờ G", thông tin về số nguyện vọng đăng ký vào các trường tăng cao, thậm chí nhiều trường tăng gấp đôi gây chú ý.
VTC News dẫn lời Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, năm nay, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển (tương đương 68,5% so với số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024).
Theo tính toán ở 24 lĩnh vực, 400 ngành đào tạo, số thí sinh đăng ký vào các khối ngành: Kỹ thuật công nghệ, Máy tính, Công nghệ thông tin có tỷ lệ cao nhất. Tiếp đến là khối ngành Sư phạm; sau đó là khối ngành Nhân văn, Sức khỏe.
So sánh với năm ngoái, 3 lĩnh vực có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký tăng mạnh nhất: khối ngành Khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên tăng 85% (tương đương tăng khoảng 200.000 nguyện vọng) dự kiến điểm chuẩn ngành này sẽ tăng. Đồng thời, số liệu trên cho thấy sự quan tâm của các em trong ngành sư phạm nhờ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí.
Tiếp đó là khối ngành Khoa học tự nhiên, dù chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng nguyện vọng tăng 61%; khối ngành an ninh quốc phòng cũng tăng 46,5%, dù số lượng không lớn. Khối kỹ thuật công nghệ tăng 100.000 nguyện vọng đăng ký.
Đặc biệt, ngành công nghệ cao như ngành Vi mạch bán dẫn có số lượng tăng khá. Tổng số nguyện vọng ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn tăng 30%, nguyện vọng 1 tăng 40%. Điều này cho thấy các thí sinh rất "nhạy", nắm bắt xu hướng phát triển các ngành công nghệ cao.
Một số lĩnh vực như: Kinh doanh quản lý giảm 3% (tương đương giảm 24.000 nguyện vọng); Máy tính và Công nghệ thông tin giảm gần 5% (tương đương 15.000 nguyện vọng); Dịch vụ vận tải giảm 20% (tương đương 77.000 nguyện vọng).
Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào nhiều trường đại học khu vực miền Nam năm nay tăng vọt, dự báo điểm chuẩn tăng từ 0,5 đến 1 điểm.
Điểm chuẩn dự báo sẽ tăng
Các trường đại học cụ thể có mức tăng khác nhau. Trong đó, đáng chú ý có trường số lượng nguyện vọng tăng gấp đôi so với năm ngoái như Trường Đại học Công thương TP.HCM.
Báo Thanh niên dẫn lời thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông trường này, cho biết năm nay trường nhận được khoảng 50.500 nguyện vọng đăng ký.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn đưa ra dự đoán điểm chuẩn của Trường Đại học Công thương TP.HCM xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ từ 16 - 24 điểm.
Trong đó, các ngành nhiều thí sinh quan tâm như marketing, kinh doanh quốc tế, logistics và chuỗi cung ứng mức điểm chuẩn khoảng 23 - 24. Các ngành như kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin... dự kiến lấy 22 - 24 điểm. Các ngành còn lại có thể điểm chuẩn ở mức 16 - 18. Năm ngoái, điểm chuẩn các ngành dao động từ 16 - 22,5. Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là marketing.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
Từ hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT, trường ghi nhận trên 31.000 thí sinh đăng ký xét tuyển (tăng gấp đôi so với năm 2023). Tổng số nguyện vọng xét tuyển vào trường năm nay đạt gần 52.000, tăng hơn 2,2 lần so với năm 2023. Thống kê này bao gồm các thí sinh và nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển sớm đã đăng ký thành công trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT.
Tăng gấp đôi số nguyện vọng đăng ký cũng được ghi nhận tại Phân hiệu Vĩnh Long của Đại học Kinh tế TP.HCM.
PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc Đại học này, cho biết tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường tại cơ sở TP.HCM tăng 20%, tại Phân hiệu Vĩnh Long tăng 50% so với năm ngoái. Từ đó, PGS-TS Bùi Quang Hùng nhận định: "Tình hình này, điểm chuẩn chắc sẽ tăng".
Trong khi đó, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), dự đoán điểm chuẩn các ngành của trường năm nay không biến động nhiều. Bởi lẽ điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm trọng số nhỏ trong tổng điểm xét tuyển trong phương thức xét tuyển tổng hợp.
Theo công thức xét tuyển của trường, tiêu chí học lực chiếm 90% trọng số, còn lại là thành tích cá nhân (5%) và hoạt động xã hội, văn thể mỹ (5%). Riêng trong tiêu chí học lực, điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM chiếm tỷ lệ 70%, điểm thi tốt nghiệp chỉ chiếm 20% và điểm học bạ 10%.
Do đó, theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, dù điểm ở một số tổ hợp tăng nhưng không ảnh hưởng nhiều đến điểm chuẩn của trường. Tuy nhiên, một số ngành nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh, điểm chuẩn có thể tăng, ví dụ nhóm ngành điện - điện tử - viễn thông - tự động hóa - thiết kế vi mạch.