+Aa-
    Zalo

    Nỗi đau đáu của một người được “Nhân danh nước CHXHCN Việt Nam"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Với kinh nghiệm 34 năm trong nghề “cầm cân nảy mực”, Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.Hà Nội, đã tham gia xét xử hàng trăm vụ án mỗi năm

    (ĐSPL) - Với kinh nghiệm 34 năm trong nghề “cầm cân nảy mực”, Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.Hà Nội, đã tham gia xét xử hàng trăm vụ án mỗi năm. Cho dù nhiều vụ án đã khép lại nhưng vẫn khiến vị thẩm phán trăn trở, đau đáu, nhất là về số phận của mỗi con người sau phán quyết. Trong quá trình công tác, Thẩm phán Toàn và các đồng nghiệp đã chứng kiến những câu chuyện cười ra nước mắt.

    Bận rộn và stress

    Bên chén trà nóng hổi hòa quyện trong không khí se se lạnh của những ngày cuối năm, lúc này, Thẩm phán Trương Việt Toàn – Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TP. Hà Nội mới có thời gian ngồi nhâm nhi và dành thời gian chia sẻ về công việc đầy áp lực và vất vả của mình với PV. Hơn 30 năm công tác tại tòa án, trực tiếp tham gia xét xử nhiều vụ khác nhau, Thẩm phán Toàn không bao giờ xác định vụ án nào lớn, vụ án nào nhỏ, bởi vụ án nào cũng liên quan trực tiếp đến yếu tố con người. Vụ nào, ông cũng hết sức tập trung, nghiên cứu hồ sơ thật tỉ mỉ, cân nhắc một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng. Có chăng vụ án nhiều hồ sơ, tài liệu hơn thì phải nghiên cứu, nghiền ngẫm lâu hơn.

    Nhiều năm thực hiện công tác xét xử, Thẩm phán Toàn nhận định, thời gian gần đây, tòa án cả nước nói chung cũng như TAND TP.Hà Nội nói riêng đã đưa ra xét xử rất nhiều vụ án cả về hình sự lẫn kinh tế có mức độ, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Điển hình là các vụ án kinh tế với số lượng tài sản của Nhà nước, của nhân dân bị xâm hại đặc biệt lớn. Con số không chỉ dừng lại ở một vài tỷ đồng mà lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Khối lượng hồ sơ cùng các tài liệu chứng cứ khác liên quan đến vụ án được các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được lên tới 10.000 đến 20.000 bút lục. Số lượng người bị hại trong cùng một vụ án cũng lên tới 500 đến 600 người. Vấn đề đặt ra là với thời hạn luật định trong vòng 4 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đến khi đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán có đủ thời gian để nghiên cứu hay không? Chưa kể, trong thời gian đó, thẩm phán vẫn phải làm nhiều vụ án khác.

    Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.Hà Nội

    Một con số bất ngờ mà Thẩm phán Toàn đưa ra, trung bình một thẩm phán phải nghiên cứu 6 bộ hồ sơ/tháng. Công việc cứ liên tục lặp đi lặp lại, từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Tuy nhiên, Thẩm phán Toàn đã xác định, nghề đi liền với nghiệp, đó cũng chính là công việc, trách nhiệm được Nhà nước và nhân dân giao phó.

    Nhấp ngụm trà nóng, Thẩm phán Toàn bộc bạch, ngay khi tiếp cận hồ sơ, đặc biệt là những vụ án lớn với số lượng hồ sơ đồ sộ, hết chồng này đến chồng khác, thế nhưng với yêu cầu, mục đích tôn chỉ ngành tòa án đặt ra cũng như trách nhiệm nghề nghiệp, việc đầu tiên của 1 thẩm phán là phải tập trung đọc hồ sơ. Vừa đọc, thẩm phán vừa phải ghi nhớ, phân tích, đánh giá, nghiên cứu, đồng thời phải so sánh các lời khai của từng bị cáo với bị hại và của chính các bị cáo với nhau xem có phù hợp, thống nhất hay không? Xem xét, đánh giá các lời khai này có mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được hay không? Có phù hợp với lời khai của các bị hại hay không?...

    “Thời gian xét xử luôn là áp lực lớn đối với mỗi thẩm phán. Việc đi làm ngoài giờ, làm thêm thứ Bảy, Chủ nhật là chuyện bình thường ở tòa và gần như các thẩm phán chẳng còn thì giờ để nghỉ ngơi hay dành cho gia đình, chứ chưa nói là nghĩ tới chuyện đi du lịch...”, Thẩm phán Toàn nói.

    Cũng vì áp lực công việc, đầu lúc nào cũng “căng như dây đàn”, lại không có nhiều thì giờ nghỉ ngơi nên hầu như thẩm phán nào cũng bị stress, việc “ghé thăm” bệnh viện cũng là chuyện cơm bữa. Nói tới đây, Thẩm phán Toàn lôi từ trong túi áo ra mấy loại thuốc chống căng thẳng, áp lực. Không chỉ có ông mà hầu hết thẩm phán nào cũng xác định sống chung với “stress” và trong người, không thiếu những loại thuốc kiểu này.

    Tiếc cho bị cáo Dương Tự Trọng

    Thẩm phán Toàn bảo mỗi lần ngồi ghế chủ tọa, khi ngồi trong phòng nghị án, người thẩm phán nào cũng có những trăn trở, thương cảm nhất định cho một số phận con người nào đó sắp phải đối mặt với một phán quyết của pháp luật, nhất là án tử hình. Nhìn bề ngoài HĐXX trông nghiêm trang là thế nhưng nếu quan sát kỹ, trên khuôn mặt các thẩm phán cũng đang lấm tấm những giọt mồ hôi, tim đập nhanh hơn bình thường. Nhiều thẩm phán, trong đó có cả Thẩm phán Toàn, đã từng phải ngậm nửa viên thuốc chống hồi hộp, căng thẳng trước khi ra công bố bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...

    Công việc vất vả là thế nhưng điều khiến Thẩm phán Toàn trăn trở và đau đáu nhất vẫn là tình hình tội phạm ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Theo lời kể của thẩm phán Toàn, các vụ án kinh tế lớn xảy ra những năm gần đây ngoài số lượng bị cáo tăng lên rõ rệt thì phương thức, thủ đoạn phạm tội cũng ngày một tinh vi và xảo quyệt, gây khó khăn trong việc phát hiện tội phạm. Nhiều câu hỏi được đặt ra rằng tại sao không ngăn chặn những loại tội phạm này ngay từ đầu để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất cho Nhà nước, cho nhân dân? Hay đối với những vụ án bị cáo phạm tội Giết người thì nguyên nhân vì sao lại dã man, tàn nhẫn như thế với chính đồng loại của mình?

    Là người trực tiếp tham gia xét xử vụ án Dương Tự Trọng cùng đồng phạm, thẩm phán Trương Việt Toàn bày tỏ: “Tôi suy nghĩ rất nhiều về vụ án này không chỉ bởi các bị cáo trong vụ án đó đều là những người từng có địa vị trong xã hội, có nhận thức mà còn bởi động cơ phạm tội của họ”. Tuy cảm động trước tình cảm anh em giữa Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng, trân trọng trước những đóng góp của bị cáo Trọng cho ngành công an nói chung và Công an Hải Phòng nói riêng, nhưng ông cũng cảm thấy tiếc cho họ.

    Trước ý kiến cho rằng, việc tuyên phạt Dương Tự Trọng 18 năm tù vì đã giúp đỡ anh trai Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài sẽ gây tác động xấu đến quan hệ gia đình trong xã hội, Thẩm phán Toàn nêu quan điểm: "Nếu việc gì cũng đổ cho lý do tình cảm thì vô hình trung, ta đã hiểu sai quan hệ tình cảm. Tình cảm khác với động cơ cá nhân. Những hành vi được ít người chấp nhận mà nói xuất phát từ tình cảm thì tôi cho rằng, không thật đúng".

    Có lẽ, chính tính cách thẳng thắn, sự quyết liệt, quyết tâm “phụng công thủ pháp” cùng một tâm hồn nhạy cảm trước mỗi số phận đã tạo nên một vị thẩm phán có “trái tim nóng” nhưng vẫn giữ được “cái đầu lạnh” như thế.

    N.T

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-dau-dau-cua-mot-nguoi-duoc-nhan-danh-nuoc-chxhcn-viet-nam-a178703.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan