(ĐSPL) - Nguyên Phó chánh án huyện đã sử dụng quyết định ly hôn giả mạo để công nhận thuận tình ly hôn cho người hàng xóm.
Theo báo Tiền Phong, ngày 17/8, Viện KSND tỉnh Lâm Đồng cho biết, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Phạm Trung Hiếu, (42 tuổi, nguyên thẩm phán, Phó chánh án TAND huyện Cát Tiên) về hành vi Giả mạo trong công tác.
Sử dụng quyết định ly hôn giả mạo Nguyên Phó chánh án huyện bị khởi tố - Ảnh minh họa |
Báo An ninh thủ đô thông tin, theo cơ quan tố tụng, đầu tháng 8/2015, ông Ngô Văn Thắng (là bạn với Phạm Trung Hiếu), nhờ Phạm Trung Hiếu giải quyết ly hôn với vợ là bà Phạm Thị Lê. Nhận đơn, Phạm Trung Hiếu không chuyển cho văn phòng để thụ lý và cũng không mời bà Lê, ông Thắng đến Toà án làm việc. Hiếu sử dụng quyết định thuận tình ly hôn của vụ án khác có sẵn trong máy vi tính để soạn thảo và ban hành quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa ông Ngô Văn Thắng và bà Phạm Thị Lê.
Quyết định cũng công nhận thoả thuận của các đương sự về việc nuôi con chung; về tài sản: giao toàn bộ tài sản cho ông Thắng quản lý, sử dụng, định đoạt gồm 1 căn nhà xây cấp 4 diện tích 45m2 trên diện tích đất 245m2 theo “sổ đỏ”. Ông Thắng có trách nhiệm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật…
Tiếp đó, Phạm Trung Hiếu chuyển quyết định cho bộ phận văn thư đóng dấu và đưa cho ông Thắng 2 bản. Với quyết định thuận tình ly hôn giả này, ông Thắng đã bán toàn bộ tài sản cho người khác với giá 100 triệu đồng, và đến Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Cát Tiên để làm thủ tục chuyển dịch tài sản chung sang tên thì bị phát hiện.
Ngày 9/5, Chánh án TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã ban hành kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định thuận tình ly hôn nêu trên. Trong quá trình điều tra, Phạm Trung Hiếu đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 20090 quy định Tội giả mạo trong công tác: 1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; b) Làm, cấp giấy tờ giả; c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; c) Phạm tội nhiều lần; d) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm. 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
PhƯƠNG ANH (Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]Dj47G7Xwsf[/mecloud]