(ĐSPL) - Cô con gái tâm thần gần 40 tuổi luôn miệng chửi rủa cha mẹ già yếu bệnh tật trong vô thức, đó là nỗi xót xa, lo lắng của đôi vợ chồng già ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Vượt quãng đường hơn 40km từ thành phố Vinh (Nghệ An), không quá khó để chúng tôi tìm được đến nhà của ông Nguyễn Chỉ Thịnh (81 tuổi), trú tại xóm Đông Quang Trung, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc. Trong căn nhà nhỏ, không khí buồn thương, ảm đạm của những ngày cuối năm cộng với tiếng chửi rủa vọng ra từ đâu đó, thật khiến người ta có chút ái ngại…
Từ trong nhà đi ra, bà Đặng Thị Mè, vợ ông Thịnh cố gắng dùng chút sức lực chống gậy bước ra xem ai đến nhà. Bước vào ngôi nhà nhỏ còn vương mùi ẩm mốc, thứ âm thanh duy nhất phát ra khiến người mới vào hơi giật mình là tiếng băng tụng kinh đặt trên bàn thờ của gia đình. Có lẽ, đó cũng là thứ đáng giá nhất của đôi vợ chồng già này.
|
Bà Đặng Thị Mè hai tay hai gậy mới mong đứng vững vì sức khỏe đã yếu sau lần tai biến gần đây |
Tiếp chúng tôi trên chiếc chõng tre ọp ẹp, bà Mè mắt nhòe kể về cuộc sống cơ cực hiện giờ của vợ chồng bà cùng một người con gái bị bệnh tâm thần nay đã gần 40 tuổi.
Được biết, ông bà có 5 người con nhưng 3 người trong số đó sống cuộc sống tha phương cầu thực, giờ ở nhà chỉ còn chị Nguyễn Thị Lam (SN 1976) và anh Nguyễn Chỉ Thìn (SN 1965) lấy vợ đã ra ở riêng cách đó không xa. Gia đình 3 người con ở xa đều rất khó khăn, đến tiền về thăm bố mẹ còn khó thu xếp thì làm gì dám mơ đến chuyện chu cấp tiền đỡ đần cho cha mẹ già cả nuôi em điên dại… Chỉ trong năm 2014, cả ông Thịnh và bà Mè đều trải qua hai lần biến cố về sức khỏe. Hai ông bà đều bị tai biến mạch máu não, sức khỏe từ đó đã sụt giảm hẳn. Sau lần ngã bệnh ấy, ông Thịnh nằm bất động hoàn toàn, mọi sinh hoạt giờ đây đều phải thực hiện tại chỗ và cần có sự giúp đỡ từ con cái. Mỗi lần gượng dậy, ông phải sử dụng sợi dây được nối từ khung cửa sổ với cột nhà buộc ngang tầm mắt.
|
Ông Nguyễn Chỉ Thịnh bại liệt sau lần tai biến hồi đầu tháng 12/2014 |
Riêng bà Mè, sau lần bệnh tật, sức khỏe cũng yếu đi nhiều, nay thêm bệnh tật của chồng, con nên càng kiệt quệ hẳn đi. Để những bước đi run run thêm phần chắc chắn từ nhà ra sân, bà buộc phải dùng đến cây gậy. Được người con trai Nguyễn Chỉ Thìn sống gần nhà thì nay anh cũng mất sức lao động do vụ nổ bom NaPan trong thời gian đi làm thuê ở miền Nam. Vụ tai nạn đã khiến khuôn mặt anh nhăn nhúm, biến dạng và không còn khả năng lao động.
Khi nhắc đến chị Nguyễn Thị Lam, người con gái duy nhất còn ở với ông bà, nỗi buồn đau lại hằn rõ trên khuôn mặt hai vợ chồng bà Mè. Dù đã gần 40 tuổi nhưng do căn bệnh tâm thần, suy nghĩ chị Lam cũng chỉ như những đứa trẻ lên ba. Theo bà Mè, lúc ở cái tuổi đôi mươi đẹp nhất, chị có dấu hiệu của bệnh tâm thần và rồi bệnh tình cứ thế nặng dần lên. Những khi bệnh phát nhẹ thì chị ngồi một chỗ chửi rủa bố mẹ, nặng lên thì lấy gạch ném vào nhà hàng xóm. Lời kể của bà dường như nghẹn lại bởi dòng nước mắt chực trào ra khi quay sang nhìn cô con gái đang nằm trong chăn mà chửi mà hét… “Khổ lắm con ơi, con cái đứa khôn thì ở xa, đứa u u mê mê thì cứ lên cơn là quậy phá. Có khi đốt hết quần áo, đập phá đồ đạc, lắm lúc giữa trời nắng to nó kiếm củi về đốt dưới gầm giường. Sợ con bỏng, sợ cháy nhà nhưng không dám nói vì cứ hễ nói là nó đánh đập, chán rồi bỏ đi”, trong dòng nước mắt lăn dài, bà Mè tâm sự.
Thấy có tiếng người lạ ghé thăm, chị Lam từ trên giường bật dậy, miệng phát ra những lời chửi rủa hằn học chẳng thể nghe rõ. Nhìn con gái, bà Mè than trong bất lực: “Đấy, các con xem, lại thế nữa rồi, lại bắt đầu chửi cha chửi mẹ nữa rồi đó…”. Không chỉ có chửi, chị còn lăm lăm chiếc gậy chỉ đợi có ai lại gần mà đánh cho thoả sức.
Lặng nhìn ông Thịnh nằm một chỗ, bà Mè già yếu, đi còn phải chống gậy, chúng tôi không khỏi tự hỏi, liệu với tấm thân già yếu của hai ông bà, lấy sức đâu mà trốn những trận đòn lúc lên cơn của đứa con gái.
|
Mỗi lần lên cơn, chị Nguyễn Thị Lam lại chửi bới, thậm chí là đánh đập cha mẹ già. |
Ngồi trong nhà trò chuyện với ông bà nhưng thi thoảng chúng tôi lại cảm giác được cái lạnh của mùa Đông đang xâm chiếm, người không khỏi run lên bởi những cơn gió lùa từ những kẽ hở, những ô cửa sổ được vá víu không chắc chắn. Những mảng tường cũ nát cứ thế bung ra từng mảng lớn, khiến bụi bay tứ tung khi gió lớn thổi vào. Nằm co quắp trên giường với chiếc chăn mỏng không đủ ấm, ông Thịnh chia sẻ: “Rét lắm các các cô ạ, được cái chăn nào là con Lam nó đem đi đốt. Có sức khoẻ còn nói được nó chứ giờ không còn sức, nằm một chỗ nên nó có quấy, có phá cũng phải nằm im. Cứ hễ nói là nó đập, đến bữa may có vợ chồng thằng Thìn chứ không thì nhịn đói qua ngày thôi".
Được biết, hiện tại, mọi việc trong gia đình đều do anh Thìn lo liệu. Qua hai lần kết hôn, anh có 5 người con. Vợ đầu qua đời để lại cho anh 4 đứa con thơ dại. Lầm lũi cảnh gà trống nuôi con mãi đến ngày mãn tang vợ, anh quyết định đi bước nữa. Do cuộc sống gia đình quá khó khăn thiếu thốn, anh đành chấp nhận rời nhà vào Phan Thiết làm thuê kiếm thêm thu nhập. Trong một lần cuốc rẫy, không may gặp bom Napan phát nổ, khiến anh bị thương nặng. Sau khi điều trị, anh trở về quê nhà với hình hài dị dạng, sức khoẻ xuống cấp. Gia đình vốn khó khăn nay gánh nặng lại càng đè lên đôi vai vợ anh. Nỗi đau chồng gặp nạn chưa nguôi thì cô con gái Nguyễn Thị Hồng lại bỗng nhiên bị bại liệt khi đang theo học năm đầu tại trường CĐ Công nghiệp Huế.
Giờ đây gần chục miệng ăn gồm bố mẹ già, em điên dại, chồng và mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi học chỉ trông chờ vào sức của một người làm và dăm ba sào ruộng khoán. Quẹt nước mắt, vợ anh Thìn chia sẻ với chúng tôi: “Giờ ăn uống qua ngày còn không đủ no, lấy mô (đâu) ra tiền mà thuốc thang cho 4 người bệnh gồm cha mẹ chồng, em chồng rồi con gái nữa".
Trao đổi về hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Thịnh, chị Nguyễn Thị Xuân, cán bộ chính sách xã Tùng Lộc cho biết: “Đối với trường hợp của gia đình ông Thịnh, chính quyền luôn cố gắng tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Ngoài ra, các dịp lễ tết, chúng tôi vẫn thường có chút quà nhỏ đển biếu ông bà và các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác. Hiện tại, chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để ông bà được hưởng thêm các chế độ chính sách và có cái tết đủ đầy hơn".
Đánh đôi mắt ra ngoài trời đang mưa phùn, hai ông bà Thịnh và Mè chỉ ước tết này ấm hơn tết xưa, con cái ở xa sẽ về được để gia đình đoàn tụ, bệnh tình của con, của cháu sẽ được chữa khỏi. Khi được hỏi về mong ước của bản thân, ông bà chỉ trăn trở về chị Lam, rồi đây khi ông bà mất đi ai sẽ lo lắng cho chị. “Hai thân già chúng tôi cũng chẳng sống được bao lâu, chỉ mong sao con gái tôi nó được chữa trị để còn tỉnh táo mà thờ bác nó (anh trai ông Thịnh, liệt sỹ Nguyễn Chỉ Càn - PV). Bác nó là người có công được nhà nước ghi nhận, gia đình cũng phải lo chu đáo hương khói nhưng giờ đây hai vợ chồng yếu dần đi rồi, không còn khả năng lo liệu, con cái lại bệnh tình không tỉnh táo thế này, tôi có chết cũng không yên lòng...”, ông Thịnh chia sẻ.
Câu nói còn bỏ lửng với nhiều nỗi niềm của ông Thịnh vẫn còn văng vẳng trong tâm trí chúng tôi. Dù đã rời xa ngôi nhà nhỏ nhưng trong lòng vẫn còn nặng những nghĩ suy ngổn ngang về gia đình ấy…
Mọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm đồng hành Nhịp cầu Hồng Đức xin gửi về: - Ông Nguyễn Chỉ Thịnh Xóm Đông Quang Trung, xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh - Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung: Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, tỉnh Nghệ An ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010; Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-co-cuc-dau-xot-cua-vo-chong-80-tuoi-cham-con-gai-tam-than-a80144.html