(ĐSPL) - Những trào lưu nổi tiếng trong lịch sử dưới đây có thể gây nguy hiểm thậm chí đe dọa tính mạng con người...
“Đập nát xương chân” để bó gót sen hồng
Hơn 1.000 năm trước tại Trung Quốc, bó chân là tục lệ phổ biến của phụ nữ. Những người phụ nữ phải làm gãy xương bàn chân của họ và bó lại thật chặt để khiến bàn chân nhỏ lại.
Việc bó chân được xem là một giải pháp để kiểm soát và củng cố đức hạnh của nữ giới. Người ta tin rằng những người đàn bà với đôi bàn chân bé tí xíu sẽ không thể rời khỏi nhà dễ dàng, từ đó không thể có cơ hội quan hệ tình dục với người nào khác.
"Cô gái có đôi bàn chân bé khoảng 7cm, thậm chí thật gớm ghiếc, sẽ có nhiều cơ may lấy chồng hơn một thiếu nữ có đôi bàn chân bình thường". Vì thế, 90\% bé gái Trung Hoa ngày xưa, khoảng 5 hay 6 tuổi, đều phải đau khổ vì tục bó chân này. Sự tăng trưởng của đôi bàn chân đã phải ngưng lại để cho kích thước của chúng không vượt quá kích thước lý tưởng 7,5cm. Đó được xem là kích thước của một đôi gót sen vàng.
Đầu tiên, từng chân sẽ được ngâm trong nước lá dược thảo và máu động vật ấm. Sau đó tất cả móng chân sẽ bị cắt càng sâu càng tốt để ngăn chặn sự phát triển của chân và sự nhiễm trùng sau đó.
Tiếp sau đó, bàn chân sẽ được xoa bóp nhẹ nhàng, những dải băng bằng lụa hoặc cotton dài khoảng 3m và rộng 5 cm sau khi được ngâm vào hỗn hợp dược thảo và máu động vật tương tự. Từng bàn chân sau đó sẽ bị bẻ gẫy và cuốn gọn vào trong những dải băng ướt này, nén thật chặt đến kiệt nước,kéo giật mạnh về phía gót chân. Đôi khi người ta còn tạo ra những vết cắt sâu ở lòng bàn chân để công việc này được dễ dàng.
Trình tự này sẽ được lặp lại 2 ngày một lần, với một lần bó chân mới. Mỗi lần bó lại, dải băng lại được thắt chặt hơn nữa làm cho quá trình bó chân càng ngày càng đau đớn.
Tục bó chân ở giới thượng lưu phổ biến hơn, đối với tầng lớp nông dân, phải đi cày ruộng nên tục này xuất hiện muộn hơn.
Tục bó chân tồn tại ở Trung Quốc cho đến tận thế kỉ 20. Mãi đến năm 1928, tập tục này mới được bãi bỏ hoàn toàn và được đông đảo dân chúng tách ra khỏi giá trị thẩm mỹ và đạo đức. Ngày nay, người ta chỉ còn thấy những chứng tích ít ỏi của tập tục này trên bàn chân của một số bà cụ già.
Ước tính, cứ 10 phụ nữ thực hiện tục lệ này thì có một người bị chết vì nhiễm trùng máu, hoại tử, hay các bệnh khác. Những người còn sống cũng phải chịu chấn thương suốt phần đời còn lại.Họ gần như không thể làm được bất kỳ công việc nặng nào bởi mất khả năng đi đứng như người bình thường.
Kéo dài cổ
Cách làm đẹp này không hề liên quan đến hủ tục hay tôn giáo, thực chất đây là một đặc điểm của những người con gái ở bộ tộc Kayan ở Myanmar và phía Bắc Thái Lan. Đối với họ, việc sở hữu chiếc cổ thon dài sẽ giúp tôn thêm nét quyến rũ cho người con gái. Từ khi còn nhỏ, các cô gái đã sử dụng những chiếc vòng kiềng làm bằng đồng đeo vào cổ để kéo dài chiếc cổ của mình.
Trên thực tế, việc đeo quá nhiều vòng tạo sức ép lên phần vai của họ, khiến cho phần vai hơi xuôi xuống và tạo cảm giác chiếc cổ dài hơn. Cứ cách vài năm, họ lại tăng số lượng chiếc vòng đeo trên cổ của mình. Họ tin rằng những chiếc cổ dài sẽ giúp họ trông thu hút và làm tôn lên những đường nét của người phụ nữ.
Hít khí “gây cười” để giải trí
Vào năm 1799, một trào lưu mới được phổ biến tại nước Anh. Những người còn trẻ tuổi nhưng có tính tình đa cảm sẽ được cho hít khí nitrous oxide (khí gây cười) tại các bữa tiệc như một loại thuốc để giải trí.
Tuy nhiên, đây không phải một loại khí hoàn toàn vô hại. Tiếp xúc ngắn hạn nitrous oxide gây giảm khả năng hoạt động thần kinh, nghe nhìn, các hành vi đòi hỏi sự khéo léo. Nếu tiếp xúc lâu dài có thể gây thiếu hụt vitamin B12, tê liệt và thậm chí tử vong.
Mặc vải mỏng Muslin để quyến rũ
Trong những năm cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, đây là loại trang phục được phụ nữ Pháp ưa thích. Tuy nhiên, để diện được chiếc váy này, họ phải ngâm mình trong nước lạnh, sau đó mới mặc chiếc váy để chúng có thể ôm sát vào cơ thể ẩm ướt của họ, giúp tôn những đường cong quyến rũ.
Trong giai đoạn cách mạng Pháp, pháp luật quy định quần áo và phụ kiện trên cơ thể phụ nữ không được nặng quá 3,5 kg. Vì thế các loại vải sang trọng, được thêu cầu kỳ chỉ dùng cho tầng lớp quý tộc, phụ nữ tầng lớp thấp sẽ mặc loại vải mỏng hơn.
Vì vậy, nhiệt độ lạnh và váy áo mỏng manh đã khiến rất nhiều phụ nữ bị viêm phổi nặng. Thậm chí, chiếc váy được coi là nguyên nhân bùng phát dịch cúm tại Paris vào năm 1803 được gọi là 'bệnh muslin'.
Cổ áo nam giới càng khít càng “xinh”
Mốt thời trang của các quý ông vào thế kỷ XIX là những chiếc cổ áo cao có thể tháo rời. Chúng còn được gọi với cái tên nghe khá lạ: “Sát thủ của những người cha”.
Cổ áo này có cấu trúc bao khít quanh cổ người đàn ông. Chúng cứng và khít tới nỗi có thể chặn sự lưu thông máu, gây áp-xe não hay thậm chí ngạt thở.
Năm 1912, một nạn nhân tiêu biểu của chiếc cổ áo này là William F. Dillon. Do mắc chứng khó tiêu nên cổ họng Dillon bị sưng lên nhẹ và chiếc cổ áo quá chật đã bóp nghẹt phần cổ khiến ông tử vong vì ngạt thở.
Mốt nhuộm xanh quần áo
Đầu thế kỷ XIX, một trong những chất nhuộm màu được dùng phổ biến nhất có tên gọi “Scheele’s Green”. Đây là một chất có màu xanh lục đậm được dùng nhuộm hầu như tất cả mọi thứ từ váy áo, bít tất, tới tường nhà.
Nhưng đáng tiếc ít ai biết rằng, “Scheele’s Green” làm từ hợp chất đồng arsenite. Khi chất này bị ẩm hoặc mốc, phản ứng hóa học xảy ra sẽ giải phóng ra arsenic, hay còn gọi là thạch tín ở dạng khí, gây nhiễm độc cho những người tiếp xúc với chúng một cách từ từ.
“Thử thách” cho xe lửa đối đầu nhau
Trong giai đoạn 1890 – 1980, người Mỹ rất chuộng những màn trình diễn cho xe lửa đâm nhau. Nội dung của màn biểu diễn này là sắp đặt sao cho hai đầu máy xe lửa tông thẳng vào nhau trên cùng một đường ray trước sự chứng kiến của đám đông khán giả.
Tuy nhiên, trào lưu này chẳng hề vui vẻ mà thực ra vô cùng nguy hiểm. Năm 1896, tại Texas, một màn đâm xe lửa như vậy đã tạo nên thảm họa. Khi tông vào nhau ở tốc độ 72 km/h, nồi hơi ở hai xe lửa phát nổ, bắn các mảnh kim loại vào đám đông, giết chết hai người và khiến nhiều người bị thương.
Dùng celluloid để làm đẹp
Vào đầu thập niên 1900, celluloid được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực, một trong số ứng dụng là làm chất liệu cho các món đồ trang điểm của phái nữ, ví dụ lược cài tóc.
Tuy nhiên, đây là một cũng là một chất rất dễ bắt lửa, từng gây nên nhiều vụ cháy nhà máy sản xuất cũng như thỉnh thoảng gây cháy tóc phụ nữ và trẻ em.
Khiêu vũ marathon để đo sức chịu đựng
Các buổi khiêu vũ marathon rất phổ biến tại Mỹ trong thời kỳ Tiền suy thoái những năm 1920. Những người tham gia trào lưu này sẽ khiêu vũ suốt hàng giờ, hàng ngày thậm chí hàng tuần như một bài kiểm tra sức chịu đựng.
Những buổi khiêu vũ như vậy ban đầu thu hút rất nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng gây ra nhiều cái chết thương tâm khi không ít người sẵn sàng nhảy và khiêu vũ cho tới khi kiệt sức. Cuối cùng, để bảo đảm sự an toàn cho người dân, nhiều bang ở Mỹ đã cấm các sự kiện có khiêu vũ marathon.
Kéo dài môi
Sau cổ và dái tai, người ta còn kéo dài đôi môi để làm đẹp. Các phụ nữ ở bộ tộc Mursi ở phía bắc Ethiopia thường nhét những chiếc đĩa làm bằng đất sét vào môi dưới, thậm chí là cả môi trên của họ để để kéo dài môi ra. Khi đặt chiếc đĩa vào môi dưới, họ thường phải nhổ từ 2 đến 4 chiếc răng cửa để có thể nhét vừa chiếc đĩa vào môi dưới của mình. Đối với họ, môi càng to thì càng quyến rũ, càng thu hút sự chú ý của những người khác giới.
Ngọc Anh(Tổng hợp)
[mecloud]AQwwGuGxPi[/mecloud]