Nhắc đến ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam, hầu như tất cả mọi người trong đều nghĩ ngay đến Công ty Bia Sài Gòn mà hiện nay được biết đến với cái tên Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB).
Khởi đầu từ một xưởng bia có quy mô nhỏ do ông Victor Larue, một người Pháp lập nên tại Sài Gòn vào năm 1875 mà hiện nay chính là Nhà máy Bia Sài Gòn, nơi này đến nay vẫn là một biểu tượng kiến trúc vô cùng độc đáo, tồn tại giữa lòng thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam. Xưởng bia nhỏ này sau khi đất nước thống nhất được chính phủ đổi tên thành Nhà máy Bia Sài Gòn.
Qua nhiều năm, công ty liên tục cho ra đời hàng loạt thương hiệu được người tiêu dùng đón yêu mến. Có thể kể đến các cột mốc vô cùng đáng nhớ của SABECO như vào năm 1985, Nhà máy Bia Sài Gòn chính thức được lắp đặt dây chuyền chiết lon đầu tiên ở Việt Nam và cho ra mắt bia lon có thương hiệu Saigon Premium Export.
Kể từ đó, cho đến năm 2017, Sabeco đã liên tiếp cho ra đời các sản phẩm có chất lượng cao như Bia Saigon Export, Bia Saigon Lager, Bia 333, Bia Saigon Special… Cũng trong năm này, thương vụ bán cổ phần Sabeco cho Thái Lan khiến thị trường xôn xao.
Theo đó, tháng 12/2017, mức giá cổ phiếu của Sabeco được chốt bán với phía tỷ phú Thái Lan ThaiBev là 320.000 đồng/cổ phiếu thông qua công ty con Vietnam Beverage.
Với 343,66 triệu cổ phiếu mua vào, tỷ phú Thái nắm giữ tỷ lệ 53,59% cổ phiếu Sabeco niêm yết, 36% thuộc Nhà nước và 10,41% còn lại thuộc về các cổ đông khác.
Cũng vào thời điểm đó, với gần 5 tỷ USD bỏ ra mua 53,59% cổ phần tại Sabeco, tương ứng với số tiền khoảng 110.000 tỷ đồng. Đây được xem là thương vụ M&A lớn nhất tính đến thời điểm đó của ngành bia châu Á.
Với lịch sử hơn 140 năm cùng các thương hiệu có tiếng như bia Sài Gòn và bia 333, thời điểm đó Sabeco không những nắm giữ thị phần lớn trên thị trường bia Việt mà còn được được đánh giá là thương hiệu bia thuộc top đầu Asean.
Tuy nhiên, người Thái có lẽ đã không gặp may trong 5 năm đầu tiên tiếp quản thương hiệu Bia Sài Gòn khi thị trường bia Việt Nam trải qua 2 khó khăn lớn bao gồm hành vi của người tiêu dùng thay đổi sau khi quy định có nồng độ cồn trong máu thì không được điều khiển phương tiện giao thông có hiệu lực từ đầu năm 2020 và đại dịch COVID-19.
Mất năm đầu tiên để kiện toàn bộ máy điều hành với các nhân sự chủ chốt từ ThaiBev, người Thái đưa Sabeco đạt đỉnh doanh thu vào năm 2019 với con số kỷ lục gần 38.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, 2 năm tiếp theo, doanh số của Sabeco lao dốc mạnh trước khi phục hồi vào năm 2022.
Dù vậy, người Thái vẫn thành công trong việc cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bia lớn hàng đầu Việt Nam. Biên lợi nhuận gộp của Sabeco từ mức 26% vào năm 2017 đã tăng lên gần 31% vào năm 2022. 5% lãi gộp là con số lớn đối với một doanh nghiệp có doanh thu tỷ USD như Sabeco, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh trong năm qua.
Năm 2022 đánh dấu tròn 5 năm Sabeco từ một doanh nghiệp Nhà nước trở thành công ty con của ThaiBev, công ty công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 34.979 tỷ đồng và 5.500 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 30 - 40% so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng trưởng cao kể trên ngoài nguyên nhân Sabeco phục hồi nhanh, tiết giảm chi phí còn đến từ kết quả năm 2021 rất thấp trong bối cảnh tiêu thụ bia rơi xuống mức đáy nhiều năm vì đại dịch COVID-19. Nếu so với năm đỉnh cao 2019, doanh thu năm 2022 của Sabeco mới phục hồi hơn 90%. Dù vậy, lợi nhuận của công ty đạt 5.500 tỷ đồng là mức kỷ lục mới.
Nói về tiềm năng của Sabeco, tại cuộc họp thường niên diễn ra tại Bangkok hồi tháng 9/2022, CEO Thapana Sirivadhanabhakdi của ThaiBev Group cho biết: “Sabeco là viên ngọc quý của chúng tôi - một tài sản quý hiếm trong số tất cả các tài sản sản xuất bia trong khu vực”.
Vân Anh (T/h)