1. Kem
Kem là món ăn giải nhiệt không thể thiếu trong mùa hè, kem giúp làm mát cơ thể nhanh chóng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kem chỉ có tác dụng giải nhiệt tức thời, bởi các thành phần trong kem như: sữa, đường, các loại phẩm màu, hương liệu… thực chất không có công dụng giải nhiệt cơ thể.
Ăn nhiều kem còn khiến cơ thể cảm giác nóng bức hơn vì lượng đường trong kem rất lớn. Theo nghiên cứu, đường chính là nguyên nhân làm tăng thân nhiệt, gây cảm giác nóng trong người. Các loại kem càng ngọt, càng ít thành phần dinh dưỡng càng dễ gây nóng.
2. Nước ngọt có ga
Nước ngọt là một trong những loại nước giải khát được ưa chuộng tại Việt Nam, nhất là khi mùa hè nắng nóng ghé thăm.
Tuy nhiên, nước ngọt có ga chứa hàm lượng đường cao nên có thể gây nóng trong người, thừa cân béo phì cũng như gây ra một số vấn đề sức khoẻ khác như: tăng nguy cơ đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, gây hại cho gan,…
Vì vậy, vào những ngày nắng nóng, để hạ nhiệt và giải khát, mọi người nên lựa chọn nước lọc hoặc nước ép không chứa đường.
3. Lựu
Nhiều người cho rằng vào những ngày hè khi thời tiết nóng nực thì một ly nước ép lựu sẽ giúp thanh khiết cho cơ thể, tác dụng làm mát rất tốt. Thế nhưng thực ra lựu được xếp vào danh sách những loại trái cây tính ấm.
Các bạn không nên thường xuyên ăn quá nhiều lựu vào mùa hè, bởi nếu như bạn ăn quá nhiều lựu có thể gây nóng, mọc mụn nhọt…
Tuy nhiên, lựu thuộc top trái cây tốt nhất cho sức khỏe. Nếu sử dụng đúng cách, lựu sẽ mang đến rất nhiều lợi ích, giúp làm đẹp, giảm cân, tăng cường sức khỏe, chữa bệnh.
Để tránh tình trạng nóng trong người, các bạn có thể bổ sung lựu từ 2 đến 3 ngày/tuần, những ngày còn lại bổ sung loại hoa quả khác và sữa chua.
4. Ổi
Loại trái cây này cực nhiều vitamin C, dễ ăn, đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như: giúp hạ đường huyết, phòng ngừa ung thư,... Ổi cũng có thể ăn được bất kể lúc xanh, ương ương hay chín.
Mặc dù vậy, quả ổi cũng là khắc tinh đối với sức khỏe nhiều người vì là trái cây có tính ấm nên ăn quá nhiều sẽ khiến cơ thể bị nóng trong người, đặc biệt là với những người hay táo bón, nên tránh.
5. Xoài
Theo Đông y, xoài không phải có tính nóng như mọi người vẫn nói, mà có tính bình. Tuy nhiên, xoài chín ngọt có hàm lượng đường cao, ăn sẽ làm lượng đường huyết tăng, thúc đẩy vi khuẩn trên da phát triển nên dễ gây các bệnh về da như mụn nhọt, nhất là với người bị tiểu đường. Trẻ em ăn nhiều cũng bị nổi mụn, rôm sảy…
Để ngăn chặn sự hình thành nhiệt trong cơ thể ta nên ngâm xoài trong nước vài giờ trước khi ăn.
6. Rau bina
Hay còn gọi là rau chân vịt được các chuyên gia đánh giá là “siêu thực phẩm” vì giàu dưỡng chất mà calo lại rất thấp, có thể ăn nhiều mà không lo béo.
Bên cạnh đó, rau bina cũng nhiều chất chống oxy hóa nên giúp phòng ngừa được một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư dạ dày và đại tràng. Đặc biệt nhất, trong rau bina sở hữu chất diệp lục và vitamin C - những yếu tố quan trọng giúp cơ thể tăng sinh collagen.
Tuy nhiên, ăn rau bina vào mùa đông phù hợp hơn mùa hè, vì loại rau này làm tăng quá trình trao đổi chất ở mức độ cao và tạo nhiệt cho cơ thể.
Vậy mùa hè ta nên ăn uống như thế nào?
Tập trung vào các nhóm thực phẩm giúp tăng cường sự đề kháng và giấc ngủ: Nhóm thực phẩm có tính giải nhiệt như: Rau dền, rau muống, bí... giúp mang lại cảm giác mát mẻ, đồng thời cung cấp nhiều vitamin, bổ sung chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa;
Ngoài ra, trong những ngày nắng nóng, cơ thể dễ bị nóng trong, mụn nhọt, táo bón. Để phòng ngừa tình trạng này, mọi người lưu ý thêm:
- Uống đủ nước, mỗi ngày các bạn nên uống từ 2 đến 3 lít nước, đối với trẻ em dưới 10 tuổi có thể áp dụng công thức 1.000 ml + n x 50 (n = số kg của trẻ) để tính lượng nước phù hợp với cân nặng. Nước lọc hoặc nước ép ít đường là những lựa chọn tuyệt vời đối với sức khoẻ. Duy trì tốt thói quen này sẽ tránh tình trạng mất nước, giúp căng bóng làn da, phòng ngừa táo bón, tốt cho thận cũng như sức khoẻ tổng thể.
- Tránh ăn những thực phẩm, gia vị nóng như ớt, tiêu, gừng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, ...
- Hạn chế bia rượu
Như Quỳnh(T/h)