(ĐSPL) - Đối với các mẹ bầu việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể là thiết yếu. Đặc biệt trong quá trình mang thai các mẹ bầu cần quan tâm đến lượng sắt trong cơ thể để giúp mẹ bầu bớt mệt mỏi và ngăn ngừa khuyết tật, nhẹ cân cho bé.
Sắt là một trong những vi chất dinh dưỡng quan trọng với cơ thể bởi sắt là nguyên liệu để tổng hợp hemoglobin (chất có mặt trong tế bào hồng cầu), tham gia vào quá trình cấu tạo thành myoglobin (sắc tố hô hấp của cơ) cũng như nhiều enzyme khác và đặc biệt là tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
Do đó trước và trong khi mang thai phụ nữ phải bổ sung nhiều sắt cho cơ thể vì trong thời gian mang thai, cơ thể người mẹ cần sản xuất một lượng máu gần gấp đôi so với bình thường để có thể nuôi cả 2 mẹ con.
Thiếu sắt không chỉ gây nguy hại cho mẹ mà nó còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con. Thiếu sắt làm tăng nguy cơ bị khuyết tật ống dây thần kinh (nứt đốt sống, thai vô sọ…), cân nặng lúc sinh thấp, suy dinh dưỡng bào thai…
Khi thiếu sắt sẽ dẫn đến tình trạng bà bầu bị thiếu máu, khiến cho cơ thể mệt mỏi, hay chóng mặt, hoa mắt, dễ sảy thai, đẻ non, đẻ con nhỏ yếu, dễ bị băng huyết khi sinh, thậm chí có thể dẫn tới tử vong cả mẹ và con. Vì vậy, việc bổ sung sắt là rất cần thiết.
Thực phẩm bổ sung sắt cho bà bầu. (Ảnh minh họa). |
Lòng đỏ trứng gà
Trứng gà là thức ăn giàu chất dinh dưỡng như protein, canxi, photpho, sắt, chất khoáng, các men, hormone và nhiều vitamin có lợi cho sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe bà bầu. Đặc biệt hầu như các chất dinh dưỡng trong quả trứng gà đều tập trung ở lòng đỏ. Ngoài ra, lòng đỏ trứng có cả các vitamin tan trong nước (B1, B6) và vitamin tan trong dầu (Vitamin A, D, K) rất tốt cho bà bầu.
Mía
Mía chứa những nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như sắt, canxi, kẽm…trong đó hàm lượng sắt là lớn nhất. Nghiên cứu cho thấy, mía không những chứa nhiều đường, nước mà còn chứa nhiều vitamin các loại, protein, axit hữu cơ, canxi, sắt…những chất có lợi cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Do đó, mía không chỉ kích thích ngon miệng do vị ngọt dịu, dễ ăn mà còn cung cấp cho cơ thể dinh dưỡng và nhiệt lượng cần thiết.
Lòng đỏ trứng gà, mía và ngao là những thực phẩm giàu chất sắt (Ảnh minh họa). |
Thịt bò
Mỗi phần thịt bò chứa 2,5-3mg sắt. Sắt từ động vật được coi là heme-sắt (cơ thể dễ hấp thu hơn). Phần nạc của thịt bò thường giàu sắt hơn phần chứa gân hoặc chất béo. Vì thế, nên loại bỏ gân mỡ bò trước khi chế biến.
Nho
Nho chứa nhiều đường glucose, canxi, phốt pho, sắt, vitamin, amino axit… những chất này rất cần thiết để tăng cường sức khỏe và bổ sung máu cho cơ thể phụ nữ mang thai và những người thường xuyên mệt mỏi do thiếu máu.
Chuối
Chuối là nguồn thực phẩm dồi dào sắt và khoáng chất cần thiết cho mẹ bầu. Ăn chuối vào bữa sáng là sự lựa chọn hoàn hảo để điều trị và ngăn ngừa tình trạng thiếu máu cho phụ nữ mang thai. Ngoài ra, chuối còn giúp giảm triệu chứng táo bón hiệu quả.
Ngao
Chị em có biết rằng trong 100g ngao có tới 23mg sắt. Do đó, ngao được chế biến chín thành soup ngao, ngao hấp, ngao xào sả ớt… là món an toàn và bổ dưỡng cho bà bầu.
Bí ngô
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Bắc Kinh, Trung Quốc, bí ngô chứa nhiều protein, carotene, vitamin, amino axit, canxi, sắt… Thành phần dinh dưỡng trong bí ngô khá đầy đủ, giá trị dinh dưỡng cũng khá cao. Hàm lượng vitamin C trong bí ngô non nhiều hơn trong bí ngô đã chín. Tuy nhiên, trong bí ngô chín thì hàm lượng canxi, sắt, carotene lại cao hơn trong bí ngô non, những chất dinh dưỡng này có tác dụng hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh hen suyễn.
Nghiên cứu gần đây cho thấy, bí ngô giàu hàm lượng sắt và kẽm, kẽm trực tiếp ảnh hưởng tới chức năng thành thục của hồng cầu; chất sắt lại là nguyên tố vi lượng cơ bản tạo ra hemoglobin giúp bổ sung lượng máu cho cơ thể, giúp mẹ bầu tránh được bệnh thiếu máu.
Bí ngô giàu hàm lượng sắt và kẽm, kẽm trực tiếp ảnh hưởng tới chức năng thành thục của hồng cầu. (Ảnh minh họa). |
Lưu ý khi bổ sung thực phẩm giàu chất sắt
Để nhận được nhiều sắt từ thực phẩm, bạn cần lưu ý những điểm sau khi ăn:
- Không uống cafe hay trà khi ăn. Chúng chứa thành phần gọi là phenol có thể ngăn cản hấp thu sắt.
- Ăn những thực phẩm giàu vitamin C (như cam, dâu tây, súp lơ), đặc biệt là ăn rau xanh giàu sắt như đậu đỗ (chứa vitamin C có thể tăng hấp thu sắt gấp 6 lần).
- Rất nhiều đồ ăn lành mạnh ức chế sắt (làm giảm lượng sắt mà cơ thể thu được từ thực phẩm sử dụng cùng với thực phẩm khác cùng lúc). Chất phytates trong ngũ cốc và cây họ đậu; oxalate trong thực phẩm đậu nành và rau chân vịt; canxi trong những thực phẩm sữa cũng là ví dụ làm ức chế sắt. Tất nhiên không phải bạn cắt giảm thực phẩm trên trong chế độ ăn. Đơn giản là ăn chúng với những chất hỗ trợ sắt (thức ăn chứa vitamin C hoặc lượng nhỏ thịt, cá).
- Do canxi trong những sản phẩm sữa có thể giảm hấp thu sắt, nếu bạn phải bổ sung canxi hoặc antacid có chứa canxi, nên uống chúng giữa hai bữa ăn.
MỸ AN(Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]chJl9jZrro[/mecloud]