Ung thư dạ dày là loại ung thư do tổn thương từ niêm mạc dạ dày, đứng đầu trong các loại bệnh ung thư đường tiêu hóa. Hàng năm, ung thư dạ dày gây ra hơn 800.000 trường hợp tử vong trên toàn thế giới.
Căn bệnh này thường phát triển chậm, khó phát hiện cho tới khi bệnh tới giai đoạn nặng. Lúc này, người mắc bệnh xuất hiện triệu chứng phổ biến như giảm cân đột ngột, chán ăn, thiếu máu không rõ nguyên nhân, cảm giác no hơi kéo dài, đau bụng, buồn nôn, máu trong phân.
Ngoài việc sử dụng rượu bia và các chất kích thích gây hại, các thói quen tưởng như vô hại thường ngày cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Ăn quá nhiều muối
Nhiều người thích món ăn nêm nếm đậm đà, có thói quen ăn mặn mà không biết nó hại thế nào. Lượng muối cao sẽ làm giảm tiết axit dạ dày, giảm khả năng phòng vệ của niêm mạc dạ dày. Khi đó, hàng rào chất nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày sẽ dễ bị tổn thương, làm tăng nguy cơ viêm teo dạ dày.
Đặc biệt, muối tương tác với vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP) gây viêm loét dạ dày và tá tràng. Loại vi khuẩn này là nguyên nhân của 80 - 90% các trường hợp mắc viêm loét dạ dày, tá tràng. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy những ai thường xuyên ăn đồ ăn mặn có nguy cơ ung thư dạ dày cao gấp 2 lần so với những người khác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một người trưởng thành nên tiêu thụ dưới 5g muối mỗi ngày.
Đồ ăn quá nóng
Ăn đồ ăn quá nóng có thể gây nguy hiểm cho dạ dày, vì màng nhầy của đường tiêu hóa không được thiết kế để xử lý thức ăn có nhiệt độ từ 50 đến 60 độ C.
Điều này sẽ gây bỏng dạ dày và dẫn đến viêm nhiễm, về lâu dần dẫn đến ung thư dạ dày. Tốt hơn hết bạn nên tránh ăn đồ quá nóng, vì nó chỉ gây nguy hiểm thêm cho sức khỏe tiêu hóa.
Ăn quá ít rau củ, trái cây
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tăng cường ăn rau củ và trái cây có thể làm giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa. Chế độ ăn ít rau và trái cây là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày, ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ và 11% số trường hợp đột quỵ. Đồng thời, nếu tăng cường ăn các loại rau họ cải ( cải chíp, cải chíp, bắp cải, súp lơ, cải xoăn…) có thể làm giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
Chưa kể, bản thân việc ăn ít rau xanh và trái cây sẽ dẫn tới thiếu hụt chất xơ cùng nhiều vitamin, dưỡng chất khác. Làm giảm nhu động ruột, khó tiêu hóa, táo bón, dạ dày bị làm việc quá sức và suy giảm chức năng. Táo bón lâu ngày còn có thể gây nên bệnh trĩ hoặc viêm ruột thừa.
Gợi ý cải thiện là nên ăn rau mỗi bữa và ăn trái cây tươi mỗi ngày. Tốt nhất là 150 - 200g rau mỗi bữa và 200 - 500g trái cây mỗi ngày.
Béo phì
Tiến sĩ Vinay Bhatia, Trưởng phòng thí nghiệm sinh học phân tử Oncquest Laboratories Limited, Ấn Độ cho biết, căn bệnh béo phì đang gây ra những hậu quả sâu rộng, trong đó có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao.
Các nghiên cứu y học gần đây đã chỉ ra mối tương quan giữa chứng béo phì và nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.
Ăn khuya
Ăn khuya là thói xấu hại dạ dày mà rất nhiều người, nhất là người trẻ tuổi hay mắc phải. Ăn khuya ở đây bao gồm cả việc ăn tối quá muộn hoặc ăn thêm bữa khuya gần lúc đi ngủ.
Thói quen này không chỉ ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây béo phì mà còn ép dạ dày làm việc quá tải, khiến dịch vị dạ dày tiết ra quá mức gây ăn mòn niêm mạc dạ dày. Thức ăn chưa kịp tiêu hóa hết sẽ phân hủy và lên men trong dạ dày, dẫn tới đầy bụng và đau dạ dày. Đồng thời, việc ăn đêm cũng sẽ ảnh hưởng giấc ngủ, gây khó ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi thêm. Nó cũng dễ gây tăng cân, béo phì và nhiều bệnh lý khác.
Hút thuốc lá
Sự nguy hiểm của thói quen hút thuốc lá không chỉ dừng lại ở bệnh ung thư phổi, mà còn lan tới cả ung thư dạ dày. Khói thuốc lá có chứa nhiều chất gây ung thư có thể góp phần vào sự phát triển của khối u ác tính ở niêm mạc dạ dày.
Uống rượu quá nhiều
Uống rượu quá nhiều trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Thói quen này sớm gây viêm, làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tạo điều kiện cho căn bệnh ung thư dạ dày phát triển.
Không ăn sáng
Theo các chuyên gia, việc duy trì thói quen ăn đủ 3 bữa ăn mỗi ngày có vai trò quyết định với sức khỏe nói chung và dạ dày nói riêng. Trong đó, bữa sáng là bữa ăn cực kỳ quan trọng nhưng lại thường bị bỏ qua hoặc ăn uống qua loa.
Bởi vì sau giấc ngủ dài vào ban đêm, năng lượng cơ thể đã cạn kiệt, nếu không ăn uống kịp thời, dạ dày bị kích thích bởi axit dịch vị. Theo thời gian chức năng tiêu hóa sẽ suy giảm rất nhiều, gây ra bệnh dạ dày, viêm loét và lâu ngày là ung thư dạ dày.
Lịch sử mắc bệnh của gia đình và đột biến gene
Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh ác tính này. Đột biến gene di truyền cũng đóng một vai trò then chốt. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nên sàng lọc di truyền, tầm soát ung thư thường xuyên để kiểm soát nguy cơ mắc bệnh.
Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP)
Việc bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori gây ra tình trạng viêm mãn tính ở niêm mạc dạ dày. Theo thời gian, tình trạng viêm này làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Vì thế, người bệnh nên tìm cách điều trị loại bỏ thủ phạm vi khuẩn này càng sớm càng tốt.
Như Quỳnh(T/h)