1. Không ăn uống đúng cách
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra mối quan hệ giữa thừa cân hoặc béo phì và sự khởi phát của chứng sa sút trí tuệ khi về già.
Cụ thể, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Quốc tế cho thấy những người thừa cân có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 - 29,9 và người béo phì với chỉ số BMI từ 30 trở lên có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ lần lượt cao hơn 27% và 31% so với người có cân nặng bình thường.
Do vậy, chú ý đến chế độ ăn uống và dinh dưỡng là chìa khóa để giữ cho trí óc nhạy bén. Thêm các loại thực phẩm như rau xanh, các loại hạt, cá và quả mọng vào bữa ăn sẽ giúp tăng cường hoạt động của não bộ, theo Harvard Health.
2. Ít tham gia các hoạt động xã hội
Thiếu kết nối xã hội, cô đơn có liên quan đến trầm cảm, nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn và đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức. Một nghiên cứu vào tháng 7/2021 trên tạp chí Mỹ cho thấy, những người ít hoạt động xã hội mất nhiều chất xám của não hơn.
Tương tác có thể giúp kích thích tinh thần, dù chỉ với một vài người bạn thân cũng giúp bạn hạnh phúc hơn và làm việc hiệu quả hơn. Vì vậy, hãy chọn những người bạn quan tâm và những người quan tâm đến bạn.
3. Không được học tập thường xuyên
Hiệp hội Alzheimer cho biết: Học tập trong bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời sẽ giúp giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và mất trí nhớ của bạn.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra việc đọc sách không chỉ giúp bạn làm giàu kiến thức, mở rộng hiểu biết, mà còn làm tăng trí tuệ, cải thiện năng lực não bộ, giúp thư giãn, mang lại giấc ngủ ngon, ngăn ngừa suy giảm trí nhớ, giảm mắc bệnh Alzheimer…
4. Hút thuốc lá
Một hậu quả rất đáng sợ là hút thuốc có thể làm não teo nhỏ, giảm trí nhớ và tăng cao gấp đôi nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ, bao gồm cả Alzheimer. Hút thuốc lá cũng gây ra bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ và huyết áp cao.
Các yếu tố sinh học hút thuốc liên quan đến cách não phản ứng với nicotine. Khi một người hút thuốc lá, nicotin sẽ đến não trong vòng khoảng mười giây. Lúc đầu, nicotine giúp cải thiện tâm trạng và sự tập trung, giảm tức giận và căng thẳng, thư giãn cơ bắp và giảm cảm giác thèm ăn. Nhưng tiếp xúc nicotine thường xuyên dẫn đến những thay đổi trong não.
5. Không bảo vệ não khỏi nguy cơ chấn thương
Khảo sát cho thấy có một mối liên hệ rõ ràng giữa chấn thương đầu nặng với khả năng mắc Alzheimer về sau, đặc biệt là các chấn thương dẫn tới bất tỉnh. Vì vậy nên bảo vệ vùng đầu và tránh những chấn thương không đáng có.
Hãy thắt dây an toàn, đội mũ bảo hiểm khi chơi các môn thể thao tiếp xúc hoặc đi xe đạp để ngăn ngừa nguy cơ té ngã gây chấn thương não.
6. Thiếu ngủ
Ngủ không đủ giấc có thể là một trong những nguyên nhân gây sa sút trí tuệ, bao gồm cả bệnh Alzheimer. Theo một nghiên cứu, các kỹ năng nhận thức chẳng hạn như trí nhớ, lý luận và giải quyết vấn đề suy giảm khi mọi người ngủ ít hơn bảy giờ mỗi đêm. Tốt nhất bạn nên có giờ ngủ đều đặn. Nếu thường xuyên bị trằn trọc, bạn nên tránh uống rượu, caffeine và sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
Bạn có thể đi ngủ sớm hơn bình thường một tiếng để giảm thức khuya, cho não và cơ thể bạn thêm thời gian để ngủ đủ giấc. Nếu thức dậy giữa đêm, bạn có thể dành thời gian thư giãn như đọc sách nhưng cần tránh xem TV, các thiết bị điện tử vì những thứ này có thể gây kích thích, khiến bạn khó chìm vào giấc ngủ trở lại.
7. Không tập thể dục
Nếu cơ thể không được tập thể dục thường xuyên, bạn sẽ có nhiều khả năng bị sa sút trí tuệ, mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và cao huyết áp.
Bạn không nhất thiết phải vận động mạnh, chỉ cần đi bộ trong nửa tiếng mỗi ngày sẽ mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe. Tập luyện ảnh hưởng đến não bộ theo nhiều cách khác nhau. Tập luyện giúp tăng nhịp tim, đưa nhiều oxy hơn đến não. Vận động tích cực hỗ trợ giải phóng các hormone, cung cấp một môi trường tuyệt vời cho sự phát triển của các tế bào não.
Tập thể dục cũng thúc đẩy sự dẻo dai của não bằng cách kích thích sự phát triển của các kết nối mới giữa các tế bào ở nhiều vùng vỏ não quan trọng của não.
Linh Chi(T/h)