1. Múa lân
Người Việt tổ chức múa lân trong dịp Tết Trung thu. Con lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia lân là con vật hung dữ, thường xuyên phá hoại hoa màu và ăn thịt người. Phật Di Lặc phải hạ thế, sử dụng cỏ linh chi để thuần hóa, biến lân trở nên hiền hòa với con người.
Đám múa lân thường gồm có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Đầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân. Đám múa lân đi trước, người lớn trẻ con đi theo sau.
2. Bày cỗ
Ngày xưa, Tết Trung thu có mâm cỗ khá cầu kỳ bởi nó là một ngày lễ lớn trong năm. Vào dịp này, người ta sẽ kết những tép bưởi thành hình con chó, đính kèm 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh là hoa quả, các loại bánh nướng, bánh dẻo hoặc bánh chay có hình lợn mẹ với đàn con, hoặc hình cá chép. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và được xiên vào những dây thép phơi khô trước lễ 2 – 3 tuần. Đến Tết Trung thu, những dây hạt bưởi này sẽ được mang ra đốt sáng.
Khác khi xưa, ngày nay việc bày cỗ trong ngày Tết Trung thu tương đối đơn giản. Vào dịp này mỗi gia đình Việt đều bày cỗ với bánh trung thu, kẹo, mía, thị, bưởi, dưa dấu,… Tùy vào từng gia đình mà cỗ sẽ có phần khác nhau đôi chút. Khi trăng lên đỉnh đầu cũng là lúc mọi người cùng nhau phá cỗ và thưởng thức hương vị của Tết Trung thu. Mâm cỗ này là để cúng trăng và tế trời đất với mong cầu cho một năm mùa vụ bội thu, cuộc sống ấm no.
3. Cắt bánh Trung thu
Ăn bánh trung thu cũng là nội dung quan trọng của Tết Trung thu. Thông thường bánh trung thu có hai loại, bánh nướng và bánh dẻo. Bánh nướng thường có vị mặn, làm bằng nhân lạp xưởng và lòng đỏ trứng gà. Còn bánh dẻo có vị ngọt làm bằng nhân đậu xanh hay đậu đỏ được nấu nhừ và đánh nhuyễn như bột.
Ban đầu, bánh trung thu có hình dáng tròn, tượng trưng cho sự đoàn kết và hoàn chỉnh. Dần dần, bánh được biến dạng thành hình vuông, có lẽ vì mỹ thuật và dễ xếp trong hộp vuông, vừa đủ bốn chiếc một hộp. Bên ngoài bánh, phía trên mặt vẽ một vòng tròn ngay trung tâm bằng lòng đỏ trứng gà, trông như vầng trăng chiếu sáng.
4. Hát trống quân
Tết Trung thu ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Ðôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng "thình thùng thình" làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc.
Trai gái dùng điệu hát trống quân để hát trong những đêm trăng rằm, nhất là vào rằm tháng tám. Trai gái hát đối đáp với nhau vừa để vui chơi vừa để kén chọn bạn trăm năm. Người ta dùng những bài thơ làm theo thể thơ lục bát hay lục bát biến thể để hát.
5. Ngắm trăng
Vào Tết Trung thu, người dân sẽ đổ ra đường, tìm đến những địa điểm dễ dàng chiêm ngưỡng ánh trăng nhất để nghênh đón trăng lên. Trong quan niệm truyền thống, ánh trăng là biểu hiện của sự sum vầy, trọn vẹn, của gia đình và quê hương.
Sau khi quây quần cùng ăn bánh Trung thu, các gia đình sẽ sum vầy trên ban công, mái nhà, hay tìm đến các đỉnh núi, đỉnh tháp, chờ khoảnh khắc trăng lên. Một số gia đình vẫn còn lưu lại truyền thống thờ ánh trăng: đặt những bàn thờ bày đủ loại trái cây trước cửa nhà, hướng về phía mặt trăng đang mọc để cầu yên ấm và an lành cho gia tộc.
Linh Chi(T/h)