+Aa-
    Zalo

    Những phong tục kỳ lạ trên xã đảo Long Sơn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Ở thế kỷ 21, vẫn tồn tại một hòn đảo mà ở đó, người dân còn giữ được nhiều phong tục từ hơn 200 năm trước. Nơi đây cũng có những tư tưởng tiến bộ không thể ngờ tới...

    Ở thế kỷ 21, vẫn tồn tại một hòn đảo mà ở đó, người dân còn giữ được nhiều phong tục từ hơn 200 năm trước. Nơi đây cũng có những tư tưởng tiến bộ không thể ngờ tới...

    Nét đẹp nguyên sơ huyền thoại

    Cách TP.HCM khoảng 100km về phía Đông, đảo Long Sơn (thuộc xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) như một con rồng nằm ưỡn mình trên sóng biển. Với diện tích chỉ vỏn vẹn khoảng 50km2 đất liền, nơi đây chứa đựng một không gian nhỏ xanh ngát và ngập gió với những rừng sú, vẹt xanh rì, những bãi đất, đá tiếp nối rừng, xếp chồng lên nhau tự bao đời, những gốc cây to lớn và lạ mắt. Trong một buổi sáng, có thể đi hết mọi nơi trên đảo.

    Ông Trần Công Khanh (80 tuổi) là người còn lưu giữ nhiều điều thú vị về hòn đảo này từ ngày mới thành lập. Nhớ lại lời cha mẹ, ông Khanh kể lại rằng: “Đảo Long Sơn đầu tiên có tên là Sa Trúc, sau đổi tên thành làng Nứa (vì trên đảo toàn là rừng rậm, đặc biệt có nhiều cây nứa, cây tre). Đến năm 1948, làng Nứa đổi tên thành Sơn Long. Năm 1960, những kỳ lão trong làng cho rằng núi đè rồng thì dân làng làm ăn không phát triển nên đổi tên thành Long Sơn. Từ đó đến nay, xã đảo này làm ăn phát đạt, những ngôi nhà cao tầng mọc lên, những con đường được trải nhựa phẳng lì. Xã đảo không còn bị cô lập bởi bốn bề là biển nữa, hiện đã có một con đường nối vào bờ”.

    Nhà Lớn - nơi lưu giữ trọn vẹn đời sống tinh thần của đạo Ông Trần.

    Lịch sử hình thành vùng cư dân đảo Long Sơn có từ hơn 200 năm trước. Chưa phải quá lâu, nhưng một không gian văn hóa, cảnh quan và kiến trúc vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn từ buổi khởi nguyên ở đây đã tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc cho những ai mới đặt chân đến vùng đất này.

    Trên đường, một số lão ông, và cả người trẻ hơn mặc đồ bà ba đen đi lại, nhất là cái búi tóc củ hành sau gáy của cánh đàn ông tự dưng có sức thu hút lạ lùng. Những người phụ nữ cũng vận đồ đen, ăn nói bạt thiệp, đặc biệt họ dùng rất nhiều những từ ngữ “ngày xưa”. Trên đảo, có người còn đi chân đất, hỏi sao không đi dép, họ bảo “quen đi chân đất rồi”. Số người không mang dép vì “quen rồi” chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn hơn mười ngàn người chân không đạp đất nữa, nhưng đầu thì vẫn đội trời. Đó là những người theo đạo Ông Trần.Sinh thời ông Trần không đội nón, để đầu trần nên người ta gọi là ông Trần.

    Bà Lê Thị Kiềm, cháu đời thứ 4 của ông Trần cho biết: “Người dân trên đảo có tinh thần đoàn kết. Khi tới hòn đảo này, ông Trần đã cho xây dựng những dãy nhà phố để những người nghèo chưa có đất hay chưa có tiền cất nhà ở miễn phí. Rồi khi có nhà, họ sẽ trả nhà lại cho những người đến sau, cứ thế, đời này nối tiếp đời kia tạo nên tính khăng khít, cố kết cộng đồng”.

    Những phong tục có một không hai

    Đạo Ông Trần là tín ngưỡng độc đáo hiện thu hút tới 60% dân số trên xã đảo Long Sơn. Theo các tài liệu còn ghi chép lại, đạo Ông Trần do ông Lê Văn Mưu lập nên. Ông Mưu gốc người Nam Bộ, ở vùng Hà Tiên. Là người từng theo giáo chủ Ngô Lợi (người lập nên đạo Tứ ân hiếu nghĩa năm 1876, là một bộ phận của phong trào Cần Vương, dùng tôn giáo để quy tập binh sĩ - PV) vùng núi Tượng (An Giang), ông Mưu cũng tham gia nghĩa quân chống Pháp.

    Sau khi giáo chủ Ngô Lợi mất, nghĩa quân tan rã, bị quân Pháp truy lùng, ông Mưu phải cùng gia quyến xuống thuyền lánh nạn. Rồi ông đến vùng đất Long Sơn khai phá, làm ruộng muối, ruộng lúa, đánh bắt hải sản. Công việc làm ăn thuận lợi, ông xin phép chính quyền quy tụ người dân, lập ấp, tạo nên vùng đất gọi là Long Sơn ngày nay.

    Những người theo đạo Ông Trần sẽ "mặc" chung "áo" sau khi chết.

    Là người khai phá ra vùng đất mới, ông Lê Văn Mưu không đề ra những tư tưởng gì lạ. Trên căn bản của đạo Tứ ân hiếu nghĩa, ông chỉ tiếp tục truyền thống, thờ Phật xen lẫn Lão giáo, Nho giáo và thờ cúng ông bà. Người đời sau gọi tín ngưỡng của ông là đạo Ông Trần, do sinh thời ông thường cởi trần, búi tó, đi chân đất và suốt ngày làm lụng.

    Trò chuyện với các bô lão tại ngôi Nhà Lớn, chúng tôi được nghe kể về tục lệ khá đặc biệt là “chết đồng quách”. Theo quan niệm của ông Trần, khi chết con người đều bình đẳng, nên cả cộng đồng chỉ có một áo quan để ở ngôi Nhà Lớn, khi có người mất thì thỉnh áo quan về và chỉ được quàn trong một ngày, sau đó mang đi chôn, người chết được bó chiếu rồi đem chôn chứ không liệm trong hòm.

    Người theo đạo ông Trần quan niệm “sống đồng tịch, đồng sàng - chết đồng quan, đồng quách”. Khi sống chung nơi, ngủ chung giường, thì khi chết cũng phải liệm chung một quan tài. Bởi thế, khi có người mất, những người sống không đóng quan tài riêng để chôn. Cả đạo có một cái hòm chung mà họ gọi là “bao quan”.

    “Bao quan” được đan bằng tre và sơn màu đỏ, trên nắp “bao quan” là những lớp tàn nến cháy chồng lên nhau. Khi tạ thế, nhà nghèo cũng như nhà giàu, người già cũng như người trẻ, đều không có kèn trống, không tụng kinh, ít tiếng khóc và gia đình không nhận phong bao phúng điếu.

    “Bao quan” được đặt tại nhà Sơn Long hội. Khi có người chết họ thỉnh và rước “bao quan” về nhà liệm người chết vào đó. Đưa đám không dùng xe tang, thi hài người chết được khiêng bằng dây tới nghĩa địa, có thể là nơi quy định của xã hoặc một khu rẫy nào đó của gia đình. Trước lúc hạ huyệt, người ta mở nắp bao quan chuyển thi hài sang liệm vào đôi chiếu cói và chôn. Những người sống xả tang ngay tại huyệt, nam đứng bên trái, nữ đứng bên phải. Sau đám tang, gia đình có người chết phải kiêng cữ ba năm sống nghèo khó. Còn “bao quan” vẫn giữ nguyên và đưa về chỗ cũ trong Sơn Long hội, chờ đám tang mới...

    Ông Trần Đức Thanh (70 tuổi, sinh sống trên xã đảo Long Sơn) cho biết: “Có một thứ thời nay cổ động thực hiện gọi là “văn hóa mới”, nhưng ở Long Sơn thì đã có từ lâu, đó là đám cưới không mê tín giờ xấu giờ lành. Mỗi tháng những người theo đạo Ông Trần chỉ được cử hành nghi lễ cưới hỏi trong 4 ngày (ngày 30, mồng 1, Rằm và ngày 16 âm lịch), nếu ai có đám thì làm luôn một lèo cho tiện lợi”.

    Công Thư
    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (4)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-phong-tuc-ky-la-tren-xa-dao-long-son-a355481.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan