+Aa-
    Zalo

    Những người phụ nữ tạo nên nét riêng xứ Huế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Huế nhỏ xinh như lòng bàn tay o con gái. Và không biết có phải như thế không mà đã có những người phụ nữ góp phần không nhỏ vào việc tạo nên một xứ Huế mộng mơ

    Huế nhỏ xinh như lòng bàn tay o con gái. Và không biết có phải như thế không mà đã có những người phụ nữ góp phần không nhỏ vào việc tạo nên một xứ Huế mộng mơ, nhưng lại rất chịu thương chịu khó và đầy nghị lực phát triển.

    Những người phụ nữ tạo nên xứ Huế mộng mơ

    Xứ Huế trở thành một phần của nước Đại Việt bắt đầu từ lúc vua Chế Mân của Champa dâng hai châu Ô, Lý cho nhà Trần vào năm 1306 như một món quà sính lễ để cưới công chúa Huyền Trân làm vợ. Ngày nay, để nhớ ơn công chúa Huyền Trân, một Trung tâm văn hóa mang tên Huyền Trân đã được lập nên tại vùng núi Ngũ Phong, cách trung tâm thành phố Huế 10km, thể hiện sự tri ân của người dân Huế với một vị công chúa có công mở nước. Vì thế, lưu bút của bà Trương Mỹ Hoa, nguyên phó Chủ tịch nước lưu tại điện thờ Huyền Trân công chúa tại Huế đã viết như sau: Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ Quốc gia, có những vấn đề của Quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ.

    Những người phụ nữ tạo nên nét riêng xứ Huế

    Con gái Huế trong tranh sơn mài của Võ Quang Hoàng.

    Tiếp đó, khi vào trấn thủ xứ Thuận – Quảng, chúa Nguyễn Hoàng đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần đi dọc sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại. Người dân địa phương cho biết, đây là đồi Hà Khê, đêm đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ, quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Tin vào lời sấm truyền đó, năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương đặt tên là chùa Thiên Mụ. Ngôi chùa Thiên Mụ đã được vua Thiệu Trị  xếp vào “Thần kinh nhị thập cảnh” (20 cảnh đẹp của đất thần kinh) và ngày nay vẫn là biểu tượng tâm linh của người dân Cố đô.

    Con gái Huế, một phần của nét đẹp Huế

    Dưới thời các chúa Nguyễn Phúc Lan và Nguyễn Phúc Tần, Kim Long trở thành thủ phủ của chúa Nguyễn và là nơi phồn hoa Đô hội bậc nhất Đàng Trong. 51 năm sau, khi chúa Nguyễn Phúc Trân đưa thủ phủ về Phú Xuân (1687), Kim Long trở thành nơi những người hoàng tộc, các gia đình quan lại lập phủ thờ, nhà vườn. Lớn lên trong các gia đình danh gia vọng tộc, biết làm các nghề thủ công truyền thống (như dệt lụa), uống được thứ nước nguồn trong vắt đoạn giữa sông Hương, lại ngày ngày nép mình dưới những tán cây trái xum xuê bên trong những khu nhà vườn im mát, con gái Kim Long trắng trẻo, nuột nà đến xiêu lòng bao gã trai si tình. Giọng nói của những cô gái Kim Long lại nhỏ nhẹ, dễ thương, điển hình cho âm giọng trọng tình cảm của người Huế. Chính vì vậy, các cô gái Kim Long được làm vợ vua rất nhiều. Chẳng hạn, Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ có ba cô con gái và cô nào cũng rất xinh đẹp, một gả cho vua Đồng Khánh, một gả cho em vua Hàm Nghi, còn lại người con gái út Nguyễn Hữu Thị Nga rất mỹ miều nên vua Thành Thái lấy làm vợ. Tuy nhiên, ít ai biết được con gái Kim Long cũng có một ý chí chống giặc không thua gì bậc nam nhi. Thời vua Thành Thái, vị vua yêu nước này đã lập ra một đội nữ binh đặc biệt, khoảng 200 cô, đa số là những o con gái Kim Long mỹ miều nhằm che mắt Pháp.

    Những người phụ nữ tạo nên nét riêng xứ Huế

    Nét đẹp sâu lắng của các nữ nghệ sĩ ca Huế trong chương trình tôn vinh ca Huế tại Festival Huế 2014.

    Bên cạnh đó, vào năm 1917, ngay tại kinh đô Huế phong kiến, trường Đồng Khánh, ngôi trường nữ đầu tiên của 13 tỉnh Trung kỳ được xây dựng dưới sự hiện diện của vua Khải Định. Những tiểu thư khuê các từ các vùng Đập Đá, Nam Giao, Bến Ngự, Đông Ba, Vĩ Dạ, Kim Long… của Huế nhân dịp này bước ra khỏi chốn “màn che trướng rũ” và trở thành những cô nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng trong chiếc áo dài tím, đồng phục quy định của trường. Màu sắc tím đồng phục của những cô nữ sinh Đồng Khánh lại càng làm cho nét Huế thêm duyên dáng và mặn mà. Bởi vậy, trong bài hát “Cô gái nữ sinh Đồng Khánh”, tác giả Thu Hồ đã không tiếc lời để ca ngợi vẻ đẹp “hoa nhường nguyệt thẹn” này: Cô gái nữ sinh Đồng Khánh kia ơi/…Khi gió mới lên làn tóc tung tăng/ Xõa ngang bờ vai khi tuổi dạy thì/Đôi môi hồng thắm duyên là nên duyên/ Mắt tròn như mộng say đời xinh tươi/ Cô là tất cả trời đẹp xứ Kinh. Nên kết quả, Ai ra xứ Huế không ít nhiều mộng mơ/Khi nhìn thấy bên bờ Hương Giang nên thơ/Cô gái nữ sinh Đồng Khánh ra về/Mà lòng không thấy xuyến xao/Mà lòng chẳng thấy dạt dào/Muốn phút nhớ bâng khuâng/Với tình yêu Cố Đô.

    Những người phụ nữ tạo nên nét riêng xứ Huế
    Cựu Nữ sinh Đồng Khánh trong chương trình văn nghệ Festival Huế 2014.

    Sau những cô gái ở miệt vườn Kim Long và những cô nữ sinh Đồng Khánh (giờ là trường THPT Hai Bà Trưng), từ sau năm 1957 Huế có thêm những cô nữ sinh viên Đại học Huế với vẻ đẹp tri thức tô vẻ thêm cho mình. Đặc biệt hiện nay, cuộc thi Miss Đại học Huế không những đã được tổ chức thường niên mà còn rất chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, những cô sinh viên tham dự Miss Đại học Huế ai nấy cũng rất xinh đẹp, mặn mà. Chính vì nét đẹp toàn vẹn đó nên các thí sinh của Miss Đại học Huế đã được ưu ái lựa chọn để làm gương mặt đại diện cho Festival Huế, một sự kiện văn hóa mang tầm cỡ quốc tế của nước ta.

    Nữ doanh nhân Huế quảng bá đặc sản Huế đến với du khách

    Hiện Thừa Thiên - Huế có khoảng 30\% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Nhưng nổi bật lên là những ngành nghề gắn liền với dịch vụ du lịch. Chẳng hạn, việc đưa ẩm thực Huế vào phục vụ du lịch đã được những người phụ nữ Huế đi tiên phong. Đó là công lao của bà Trương Thị Cúc, chủ nhà hàng Ý Thảo và bà Tôn Nữ Hà, chủ nhà hàng Tịnh Gia Viên.

    Đặc biệt là bà Hồ Thị Hoa với công ty TNHH Thiên Hương. Công ty TNHH Thiên Hương ra đời từ năm 1979 trên cơ sở kế thừa nghề truyền thống từ những năm 1940. Trải qua 35 năm phấn đấu, Công ty TNHH Thiên Hương đã khẳng định được thương hiệu đối với du khách. Và đến nay Thiên Hương đã có hàng trăm đại lý, cửa hàng lớn nhỏ trải dài từ Hà Nội đến Thành Phố Hồ Chí Minh. Và 50\% sản lượng mè xửng Thiên Hương đã được xuất ngoại, sang cả Mỹ và Trung Quốc vốn là những thị trường cực kỳ khó tính. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Thiên Hương cũng đạt được nhưng danh hiệu cao quý như Giải thưởng sao vàng Đất Việt, cúp vàng Doanh nghiệp xuất sắc, cúp vàng phụ nữ Việt Nam tỏa sáng, bằng khen của UBND Tỉnh về đơn vị sản xuất kinh doanh có nhiều đóng góp cho việc phát triển kinh tế - xã hội...

    Những người phụ nữ tạo nên nét riêng xứ Huế

    Các thí sinh của Miss Đại học Huế được ưu ái lựa chọn làm gương mặt đại diện cho Festival Huế.

    Bên cạnh đó, phấn nụ Huế của cửa hiệu Bà Tùng nằm ở đường Tô Hiến Thành cũng đã nổi tiếng khắp nơi. Đây là loại mỹ phẩm độc nhất vô nhị của Huế mà nhiều nữ du khách đến đây, khi ra về trong hành lý thường mang theo vài chục thỏi để dùng hoặc làm quà. Vì vậy mỗi năm, phấn nụ của bà Tùng cũng được đưa đi bán khắp nơi trên thế giới, và rất được các phụ nữ đã có tuổi ưa dùng.


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-nguoi-phu-nu-tao-nen-net-rieng-xu-hue-a30773.html
    Nét xuân đằm thắm của o con gái Kim Long

    Nét xuân đằm thắm của o con gái Kim Long

    Đã hơn 100 năm nhưng giai thoại về vua Thành Thái cải trang thành một người dân bách tính liều mình lên Kim Long tìm chọn quý phi vẫn được người dân xứ Huế nhắc đến.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Nét xuân đằm thắm của o con gái Kim Long

    Nét xuân đằm thắm của o con gái Kim Long

    Đã hơn 100 năm nhưng giai thoại về vua Thành Thái cải trang thành một người dân bách tính liều mình lên Kim Long tìm chọn quý phi vẫn được người dân xứ Huế nhắc đến.

    20 cảnh đẹp Huế đô hiện nay

    20 cảnh đẹp Huế đô hiện nay

    Trải qua hơn 150 năm, nhiều thắng cảnh trong “Thần kinh nhị thập cảnh” do vua Thiệu Trị lựa chọn đã bị lụi tàn hoặc không còn nguyên vẹn.