Ăn hạt sen có tác dụng gì?
Hạt sen không chỉ đơn giản là một món chè giải khát mà còn hỗ trợ điều trị các chứng khó tiêu, cơ thể suy nhược, làm chậm quá trình lão hóa... Đặc biệt, ăn hạt sen dễ ngủ, vì trong thực phẩm này có chứa glucozit và một số chất kiềm giúp an thần.
Hạt sen có tác dụng chống viêm
Trong thành phần của hạt sen có chứa các chất kaempferol, flavonoid tự nhiên giúp kháng khuẩn, chống viêm và nhiễm trùng. Vì vậy, nhiều bác sĩ khuyên rằng phụ nữ sau sinh nên ăn nhiều hạt sen để nhanh lành vết thương.
Ăn hạt sen dễ ngủ
Theo y học cổ truyền, ăn hạt sen dễ ngủ do trong thực phẩm này có chứa glucozit và một số chất kiềm giúp an thần, dễ ngủ.
Nếu ăn hạt sen vào buổi tối, cơ thể sẽ tăng sản xuất insulin, từ đó bạn sẽ dễ chìm vào giấc ngủ hơn. Ngoài hạt sen, dùng tim sen pha trà uống mỗi ngày chữa mất ngủ rất hiệu quả.
Bồi bổ cho bà bầu và thai nhi
Đây là 1 thực phẩm tốt cho bà bầu và thai nhi nếu bạn còn thắc mắc “ăn hạt sen có tác dụng gì”. Theo nghiên cứu, trong hạt sen có chứa lượng lớn các loại protein, do đó nếu phụ nữ mang thai sử dụng loại hạt này thì sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Người ta đã tính rằng trong 100gam sen tươi sẽ có 162 gam calo; 30 gam gluxit; 9,5 gam protein và 1 số vitamin nhóm A, C... Các chất dinh dưỡng này giúp an thai, ngăn ngừa sảy thai và kích thích sự phát triển não bộ của thai nhi.
Hạt sen giúp làm đẹp da
Hạt sen có khả năng kháng viêm, giảm bã nhờn, làm thông thoáng lỗ chân lông, do đó chị em phụ nữ thường dùng loại thực phẩm này để ngăn ngừa mụn trứng cá, giữ gìn làn da mịn màng và khỏe mạnh.
Đặc biệt, hạt sen cung cấp một lượng lớn gluxit, lipit, canxi, photpho và các vitamin... đây là những khoáng chất có tác dụng hiệu quả đối với việc tẩy da chết và lưu thông khí huyết, từ đó giúp da trắng sáng, mịn màng hơn.
Chống lão hóa da từ hạt sen
Bên cạnh khả năng phục hồi da, enzyme L-isoaspartyl methyltransferase còn giúp làm chậm quá trình lão hóa thông qua việc cải tạo hệ thống protein.
Điều hòa cholesterol và đường huyết
Trong hạt sen có lượng lớn chất xơ giúp điều hòa cholesterol và đường huyết. Vì vậy, nhiều bác sĩ khuyên các bệnh nhân mắc đái tháo đường nên dùng hạt sen ít nhất 3 lần/tuần.
Ngoài ra, thành phần alcaloid và isoquinoline trong tâm sen sẽ giúp mở rộng các mạch máu, từ đó hỗ trợ làm giảm huyết áp cao.
Những lưu ý khi sử dụng hạt sen?
Chia sẻ trên báo Thanh Niên, Bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, liều lượng khi dùng hạt sen tùy thuộc vào vấn đề sức khỏe, lứa tuổi và các yếu tố liên quan khác. Liều thường dùng là khoảng 2 - 3 nắm hạt sen hoặc 250 mg đến 3 g bột hạt sen, hoặc 2 - 5 g tâm sen.
"Trẻ nhỏ không nên ăn quá nhiều hạt sen do hệ tiêu hóa còn non yếu, không thể hấp thụ. Không nên trộn lẫn hạt sen vào cháo dễ khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu, biếng ăn", bác sĩ Vũ lưu ý.
Ngoài ra, hạt sen còn có đặc tính chống tiêu chảy. Dùng nhiều có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Người bị bệnh gút, hoặc tiền sử sỏi thận hoặc nguy cơ bị sỏi thận, nên ăn hạt sen mức vừa phải và uống đủ nước.
Người mắc bệnh tim khi dùng hạt sen phải bỏ tâm sen hoặc dùng tâm sen với lượng vừa phải và nên sao tâm sen đến ngả vàng để khử độc trước khi dùng.
Người đang dùng thuốc tây điều trị bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp, khi sử dụng hạt sen trong chế độ ăn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh hạ đường huyết, hạ huyết áp quá mức, gây nguy hiểm.
"Với giá trị dinh dưỡng tuyệt vời, hạt sen đã được ứng dụng nhiều trong cuộc sống và y học. Tuy nhiên, cần lựa chọn hạt sen có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm và tiêu thụ hạt sen ở mức độ vừa phải để đảm bảo sức khỏe. Đồng thời phải nhận thức được các phản ứng dị ứng tiềm ẩn của bản thân với hạt sen, để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe", bác sĩ Vũ chia sẻ.