Cá trắm rất giàu dinh dưỡng, song một lượng nhỏ mật của chúng cũng có thể gây chết người vì chứa độc tố.
Mật cá trắm
Theo PGS.TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế), mật cá trắm rất độc, song, nhiều người vì ngộ nhận nên đã dùng bộ phận này để chữa bệnh, dẫn tới ngộ độc, thậm chí tử vong.
Ảnh minh họa. |
Nguyên nhân là mật cá có chất Alcool gây xuất huyết, tổn thương nội tạng, nhất là ống thận. Cá có trọng lượng càng lớn, chất độc càng cao.
Không chỉ cá trắm, các loại cá khác như cá chép, trôi, anh vũ đều có thể gây suy thận cấp, nhưng nặng nhất vẫn là mật cá trắm. Hơn nữa, việc chữa bệnh theo kiểu truyền miệng chỉ xảy ra với mật cá trắm nên các ca cấp cứu vì loại cá này là nhiều nhất với nhiều biến chứng nguy hiểm gồm sốc nhiễm khuẩn, chảy máu cấp, phù não, phù phổi, viêm ống thận.
Những biểu hiện trúng độc sau khi uống mật cá thường là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, phản ứng chậm, mắt vàng, tiểu ít, chân phù, co giật. Nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ tử vong.
PGS Trần Đáng cho biết, Cục An toàn thực phẩm đã có rất nhiều khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng mật cá trắm dưới bất kỳ hình thức và mục đích nào song vẫn có rất nhiều người xem thường điều này.
Đồng quan điểm, bác sĩ Cao Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Thừa kế Ứng dụng Hội Đông y Hà Nội, Trưởng phòng khám Đông y, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cũng cho hay hiện nay chưa có tài liệu y học nào khẳng định mật cá trắm có thể bồi bổ sức khỏe hay chữa bệnh cho con người. Do đó, việc sử dụng bộ phận này rất vô bổ đồng thời đẩy người ăn đến nhiều nguy cơ nhiễm độc.
Theo các chuyên gia, cá trắm rất tốt cho cơ thể, song, khi chế biến cần lưu ý bỏ hết phần mật cá, tránh làm vỡ, lan sang phần thịt.
Gan và trứng cóc
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay thịt cóc rất tốt cho người già, trẻ em suy dinh dưỡng, chậm lớn, còi xương. Tuy nhiên nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), gan và buồng trứng lại có thể gây ngộ độc do chứa bufotoxine - chất cực độc, có thể gây chết người trong thời gian rất ngắn.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không ăn gan và trứng cóc. Ngoài ra trong quá trình làm thịt, nếu để những bộ phận này vướng vào thịt cóc cũng rất nguy hiểm.
Nói về sự nguy hiểm khi trúng độc tố của cóc, TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc Thực phẩm cũng cho hay, triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện 1-2 giờ sau khi ăn (có thể sớm hơn nếu uống rượu, bia) với các biểu hiện như bị chướng bụng, đau bụng trên rốn, nôn mửa, tiêu chảy, hồi hộp, tim đập nhanh.
Sau đó, nạn nhân có thể rơi vào tình trạng truỵ tim mạch, rối loạn cảm giác, chóng mặt, ảo giác, vã mồ hôi lạnh, khó thở, ngừng thở, ngừng tim; bí đái, thiểu niệu, vô niệu và nặng dẫn đến suy thận cấp. Nếu nhựa cóc bắn dính trực tiếp, niêm mạc mắt sẽ bỏng rát và phù nề.
“Cục An toàn Thực phẩm đã có khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng những sản phẩm của cóc đã qua chế biến dưới dạng thực phẩm, thuốc đã được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành”, ông Hùng cho biết.
Gan và trứng cá nóc
PGS Trần Đáng thông tin thêm, trong các loài thủy sản, cá nóc chứa nhiều độc tố nhất. Đó là tetrodotoxin (C11H17O8N3) - chất độc thần kinh, rất độc, gây tử vong cao. Đặc biệt tetrodotoxin tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ, nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại.
Máu, mắt, buồng trứng, gan, bộ phận sinh dục, da cá nóc là những bộ phận có chứa loại chất độc này. Mặc dù thịt không độc, nhưng khi cá chết, ươn hoặc va đập, chất độc từ các bộ phận trên sẽ ngấm vào cơ gây độc toàn bộ.
“Việc ăn cá nóc rất nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng con người. Loại cá này chứa một trong năm loại độc tố tìm thấy trong thủy sản là tetrodotoxin - độc tố thần kinh. Ngoài ra, chúng còn có độc tố gây tiêu chảy, liệt cơ, loạn thần kinh và mất trí nhớ.
Để an toàn, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật rất chú trọng đến việc hướng dẫn người dân cách chế biến loại cá này. Ngay khi đánh bắt, người sử dụng phải lột nội tạng của cá nóc ngay lập tức, khi ăn cũng tránh loại đã chết, ươn. Vì vậy, những người không có kinh nghiệm, tốt nhất nên tránh xa loại cá này”, PGS Trần Đáng cho hay.
Theo Tri thức trực tuyến
Xem thêm video:
[mecloud]PrluVl9GiF[/mecloud]