Quả na hay còn gọi là mãng cầu xiêm - loại trái cây rất ngon, nhưng tuyệt đối không được nhai hạt bởi rất độc.
Dưới đây là một số loại trái cây bạn cần lưu ý không ăn hạt được đăng tải trên Business insider. Những thông tin này cũng được các chuyên gia, bác sĩ tại Việt Nam xác nhận và chia sẻ với.
Táo và lê
Theo Business insider, hạt của táo và lê có khả năng chuyển thành chất độc xyanua khi bị nghiền nát. Mỗi cân hạt táo/lê chứa khoảng 700 miligram hydrogen cyanide. Nếu ăn liên tục 25 lõi táo hoặc lê, có thể tử vong do ngộ độc xyanua.
Thông tin này cũng được PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) xác nhận, hạt quả táo hoặc lê đều có thể tạo thành hydrogen cyanide trong ruột.
Ở liều thấp, nó gây mệt mỏi, buồn nôn, choáng váng… Còn ở liều cao, chất độc này làm rối loạn hô hấp, hạ huyết áp, đau đầu, hôn mê, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Để an toàn, tốt nhất bạn nên bỏ hạt trước khi ăn, đặc biệt khi cho trẻ nhỏ ăn, không xay lẫn hạt khi làm nước ép trái cây, sinh tố.
Còn theo lương y Đa khoa Bùi Hồng Minh, người ta vẫn dùng đại táo để chế thành thuốc chống mất ngủ, tuy nhiên khi chế thuốc phải có cách thức riêng. Với người bình thường, không nên ăn, nuốt hạt các loại quả này.
Anh đào
Quả anh đào rất được nhiều người yêu thích và sử dụng rộng rãi trong nấu ăn, sản xuất rượu, hoặc ăn sống. Loại quả này được biết đến là “anh em” với họ mận, mơ, đào. Tuy nhiên, ít người biết rằng hạt anh đào có chứa hợp chất hydrogen cyanide độc tố cao. Tử vong do ăn anh đào rất hiếm nhưng chúng ta tuyệt đối không được nuốt hoặc nhai hạt của chúng.
Quả anh đào có vị ngon ngọt nhưng hạt rất độc. Ảnh minh họa. |
Về điều này, PGS Thịnh cho biết, cũng tương tự như hạt táo và lê, hạt của quả anh đào bị nghiền nát, nhai, hoặc thậm chí bị trầy xước cũng sản sinh axit prussic (hydrogen cyanide). Hạt mận, đào cũng nguy hiểm tương tự.
Tuy nhiên, PGS Thịnh cho rằng, không ai ăn hạt của các loại quả này nên không đáng lo ngại. Trong trường hợp nuốt phải một vài hạt cũng sẽ không gây ngộ độc bởi chúng chỉ có thể gây ngộ độc khi nhai vỡ hạt và nuốt.
Hạt hạnh nhân đắng
Hạnh nhân bao gồm 2 loại: hạnh nhân ngọt và hạnh nhân đắng. Hạnh nhân đắng thường cũng chứa một lượng hydrogen cyanide tương đối lớn. Theo các chuyên gia sức khỏe, thậm chí chỉ ăn 7-10 hạt hạnh nhân đắng có thể gây ra vấn đề cho người lớn, và có thể gây tử vong cho trẻ em.
PGS Thịnh cũng cho biết, chất độc trong hạnh nhân đắng đã được nói đến trong y văn. Người lớn ăn 40-60 nhân, trẻ em 10-20 nhân có thể gây nhiễm độc nghiêm trọng.
Hạt na
PGS Thịnh khuyến cáo tuyệt đối không được ăn hạt na mặc dù loại hạt này từng được dùng để nhuộm răng, ngâm quần áo để diệt rận,…
Hạt của quả na (mãng cầu xiêm, mãng cầu gai) giống như thuốc độc. Ảnh minh họa. |
Hạt na rất độc, có thể đầu độc qua đường uống. Khi dùng hạt na vào các công việc khác, bạn cũng không để dung dịch có hạt na bắn vào mắt.
Tuy nhiên, khi ăn quả na, sơ ý nuốt phải hạt, bạn cũng không nên quá lo lắng, vì hạt na có vỏ dày và rất cứng bao bọc, ngăn không cho nhân hạt phát huy tác dụng.
Theo Tri thức trực tuyến
Xem thêm video:
[mecloud]d7AhClq70I[/mecloud]