Bánh bèo có mặt ở khắp các tỉnh thành của miền Trung. Công thức chung của món bánh này là bột gạo xay nhuyễn, lọc bỏ bớt nước, đổ vào những chiếc chén nhỏ. Điểm làm nên nét riêng của mỗi tỉnh thành là phần nhân. Bánh bèo Huế ăn với tôm cháy cùng hành và nước mắm chua ngọt; bánh bèo Quảng Ngãi lại ăn cùng nước sốt có thịt, tôm, cà chua và hành lá.
Bánh bèo. Ảnh: Linh San. |
Bánh khoái được làm với bột gạo và tráng trên khuôn nhỏ. Nhân bánh gồm thịt heo băm nhuyễn, tôm xé nhỏ và giá sống. Bánh chấm cùng nước lèo được chế biến gan heo, tương đậu nành, đậu phộng, mè, các loại gia vị và một ít mắm ruốc.
Bánh nậm cũng được làm từ bột gạo. Bột bánh được dát mỏng trên miếng là chuối, rồi xếp lại theo hình chữ nhật vuông vức. Phần nhân bánh là một ít tôm xào chín với gia vị. Món bánh này hút hồn du khách với hương thơm của bánh, mặn mà của tôm, của nước mắm cùng cảm giác tan trên đầu lưỡi.
Bánh bột lọc có 2 dạng là bánh bột lọc luộc gói bằng lá chuối và bánh bột lọc trần. Tuy khác nhau về hình dáng nhưng cả hai đều có cùng nguyên liệu, công thức và cách chế biến. Món bánh này có màu trong suốt của bột, đỏ ửng của phần nhân tôm.
Bánh bột lọc. Ảnh: Linh San. |
Bánh tráng dập hay đập gồm có 2 phần là bánh tráng nướng và bánh tráng mỏng mềm. Người ăn bẻ từng miếng có cả hai phần chấm mắm nêm hay mắm cái cùng mỡ hành. Món bánh này hút khách với vị ngon của nước chấm, giòn, mềm của hai lớp bánh tráng.
Bánh hỏi thịt heo luộc là một trong những đặc sản bạn nên thử ở Bình Định. Bánh được làm từ bột gạo cũ nên lớp bánh mềm và mỏng. Bánh được được ăn kem với thịt luộc, dưa leo thái mỏng, mắm nước hay mắm nêm pha vừa miệng.
Bánh căn mê hoặc du khách không chỉ ở độ giòn, dẻo của bột mà còn là sự phong phú của các loại nước chấm làm từ cá tươi (mắm nước, mắm nêm, mắm ruột cá). Các loại nước chấm này phải pha nhạt để thực khách có thể nhúng cặp bánh nóng hổi, thơm lừng.
Bánh bột lọc. Ảnh: Linh San. |
Cũng như bánh bèo, bánh xèo có mặt ở hầu khắp các tỉnh miền Trung. Cách phân biệt món ăn này tại mỗi tỉnh không dựa vào kích thước (vì dùng chung khuôn) mà là vị của bánh, nước chấm và nhân đi kèm.
Bánh su sê hay bánh phu thê có nhân đậu xanh với dừa hay tôm tươi được rang xát cho tơi ra, gói lá dừa đem hấp cách thủy. Bánh được đóng khuôn trong những chiếc hộp lá dừa xinh xắn. Khi ăn có vị giòn mát, thơm ngọt hấp dẫn. Tên bánh gắn với việc bánh thường được chọn là một phần trong các mâm quả cưới hay ăn hỏi.
Cũng như ở Hải Dương, bánh đậu xanh tại Hội An cũng trở thành đặc sản của vùng đất này. Bánh đậu phố Hội có hai loại: ướt và khô. Bánh khô được nén với lớp nhân thịt ở phía trong, mang đến cảm giác mặn ngọt xen kẽ độc đáo.
Theo Tri thức trực tuyến