+Aa-
    Zalo

    Những kẻ tự kết tội và đào hố chôn mình trên Facebook

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vụ lao vào nhà hành hung dã man một phụ nữ ở TP.HCM rồi phát trực tiếp đã cảnh báo mặt nguy hiểm của mạng xã hội hôm nay.

    Vụ lao vào nhà hành hung dã man một phụ nữ ở TP.HCM rồi phát trực tiếp đã cảnh báo mặt nguy hiểm của mạng xã hội hôm nay.


    Hình ảnh 3 phụ nữ bị hành hung trong clip. Ảnh: Cắt từ clip.


    Thế giới nhìn thấy gì về người trẻ VN?

    Nếu có vụ ẩu đả giữa hai người trong làng quê quanh lũy tre chỉ có một số người đứng quanh đó chứng kiến. Để khoe lại "chiến tích" cho làng bên mất cả tuần, thậm chí cả tháng.

    Nhưng thời internet, vụ việc được quay video và đưa lên mạng thì trong giây phút hàng triệu người sẽ chứng kiến do sự kết nối chóng mặt của mạng xã hội như hay Twitter. Đôi khi nó là bằng chứng chống lại chính mình.

    Thỉnh thoảng cộng đồng Facebooker Việt Nam lại chứng kiến cảnh học sinh nữ đánh nhau, quay clip đưa lên mạng cho thỏa lòng hận thù.

    Nếu được khoảng 1,86 tỷ Facebooker toàn cầu biết, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu thế giới nhìn tiêu cực về tuổi trẻ Việt Nam.

    Ngay tuần nay, chiều tối 2/5 trên mạng xã hội facebook lan truyền đoạn clip 3 phụ nữ bị một nhóm người lạ xông vào phòng hành hung dã man tại TP. HCM. Tin cho hay, clip này do chính người hành hung tự quay và đưa lên mạng.

    Cho dù hành động trừng phạt trên dưới danh nghĩa nào thì việc đưa clip có hình ảnh tội ác, đánh đập dã man phụ nữ lên facebook là một việc không thể chấp nhận được.

    Cách thức này là cách gieo rắc lòng hận thù, cổ súy bạo lực trước hàng triệu người nếu không phải là hàng tỷ người trên khắp hành tinh.

    Làm sạch thông tin

    Không hiểu người đưa clip có biết về ngày hôm sau (3/5) trong Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 4/2017 của Bộ TT&TT, BT Trương Minh Tuấn đã phát biểu:

    "Tôi đã làm việc với cả Google, Facebook và cả đại sứ Mỹ. Tại những cuộc gặp này, tôi đã nêu rõ quan điểm của chúng ta, rằng tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; xuyên tạc, bóp méo sự thật; tự do mạo danh người khác trên mạng XH; tự do bôi xấu, đưa hình ảnh dung tục, khiêu dâm; tự do kích động bạo lực, chiến tranh hay tự do kích động, chia rẽ sự hòa hợp dân tộc.

    Chúng ta không cấm phát biểu chính kiến trên Facebook, mà đấu tranh để gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân".

    Công an TP. HCM đang điều tra và tạm giữ hành chính nghi can có hành động đưa clip lên mạng. Hy vọng vụ việc được xử lý rốt ráo.

    Phía Việt Nam đề nghị Facebook làm trong sạch thông tin trên mạng thì chúng ta cũng phải thực thi pháp luật nghiêm minh theo thông lệ quốc tế là tuyệt đối chống kích động bạo lực trên mạng một cách ngang nhiên như vụ việc tại TP. HCM.

    Thời đại smartphone: Tăng nguy cơ nhiễm độc nhiều lần

    Việc tung các clip kích động tội ác, tự tử, hiếp dâm, thậm chí giết người được quay trực tiếp đưa lên Facebook đang làm đau đầu các nhà quản lý mạng xã hội. Đảm bảo tự do ngôn luận nhưng không có nghĩa là tự do không có pháp luật.

    Thái Lan có vụ một bé bị giết và đưa clip lên mạng gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Mãi 24 tiếng sau clip mới bị hạ xuống, Facebook hành động chậm trễ và bị lên án.

    Với gần 19 ngàn nhân viên nhưng tuần vừa rồi ông chủ Zuckerberg tuyên bố sẽ tuyển thêm 3000 người chỉ để lo việc kiểm duyệt các video clip liên quan đến tội ác, sex, phân biệt chủng tộc hay tôn giáo quá khích.

    Hiện nay (2017) Việt Nam có số người dùng internet hiện là 49 triệu người, đứng thứ 17 trên thế giới, với tăng trưởng trên 22.000% so với năm 2000, đứng thứ 3 trên thế giới sau Nigeria (>46.000%) và Bangladesh (>66.000%).

    Số lượng người dùng Facebook tại Việt Nam năm 2016 là 34 triệu và dự đoán cuối năm 2017 con số này sẽ là 37 triệu, hiện đứng thứ 7 trên thế giới. Dự đoán năm 2020 sẽ là 45 triệu tài khoản so với 31 triệu năm 2015.

    Trên thế giới mỗi ngày khoảng 0,2 triệu PC được bán ra trong khi số smartphone là 1,6 triệu. Những năm 1960-1980 chỉ có máy tính lớn nhưng khi máy tính để bàn (PC) ra đời đã thay đổi cục diện.

    Tại Mỹ, số người dùng PC không thay đổi từ năm 2010 đến nay chiếm 78% trong số người lớn nhưng với smartphone thì số này tăng vọt từ 35% năm 2011 đến năm 2015 đã là 68%.

    Smartphone sẽ chiếm lĩnh thị trường trong những năm sắp tới bởi 3G, 4G, giao diện thân thiện.

    Ở Việt Nam, với giá 50$ một smartphone thì từ bà nội trợ đến người bán hàng rong hay chú trẻ trâu cũng có thể sở hữu, và việc truy nhập vào mạng xã hội như Facebook chỉ là cái quệt đầu ngón tay.

    Mỗi tin tức, clip tốt hay xấu ở nước ta được tung lên mạng sẽ được sẽ được gần một nửa dân số biết đến.

    Người đọc thích tin giật gân, giết, hiếp hơn là những tin tốt đẹp vì thế sự lan truyền clip đen luôn chóng mặt.

    Nguyên tắc status

    Dùng clip tội ác đe dọa người khác là con dao hai lưỡi. Thỏa mãn bạo lực được đôi chút nhưng hậu quả xấu sẽ lâu dài. Tác giả clip bị biết mặt thì hỏi rằng họ và gia đình có được an toàn.

    Vì thế quản lý thông tin trên facebook không chỉ là việc của Facebook mà của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và mỗi người tham gia mạng ảo.

    Mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội như Facebook phải tự đặt cho mình những qui tắc ứng xử. Vài ví dụ để bạn đọc tham khảo về Status:

    1. Cần văn minh, lịch sự, ngắn gọn;

    2. Không quậy phá, lăng mạ; nội dung không gây chướng tai, gai mắt;

    3. Không tấn công cá nhân như phỉ báng, hăm dọa, khiếm nhã về tình dục, sắc tộc, tôn giáo hay đức tin;

    4. Không miệt thị hay phỉ báng chế độ dẫn đến bị qui kết tội chính trị;

    5. Không đăng ảnh sex, tội ác hay các stt gieo rắc tội ác hay lòng hận thù

    6. Không đăng ảnh các nghi phạm của các trọng án, nếu đăng phải che mặt.

    Trước khi đưa một status lên Facebook, mỗi người cần nghĩ kỹ và tự vấn như đưa lên với mục đích gì, ai sẽ đọc, mình viết lúc giận dữ hay không, có ai đó đọc và cảm thấy họ bị thiếu tôn trọng, mình tự bạch quá nhiều về thông tin cá nhân hay đưa toàn điểm xấu về mình, và liệu có ai hiểu sai status hay không.

    Thời viết gì trên giấy có gì sai thì có thể tìm được để lấy lại nhưng thời internet những gì đưa lên mạng xã hội sẽ ở lại với thế gian hàng ngàn năm, không có cách gì xóa đi được.

    Thời đánh nhau ở làng chỉ có vài người biết. Nhưng IT phát triển như vũ bão, tham gia mạng thì cuộc sống của bạn đã vượt ra khỏi lũy tre làng.

    Gây tội ác rồi quay video đưa lên để khoe với hàng triệu tài khoản Facebook thì chẳng có pháp luật nào bảo vệ, tự nhiên bước vào cái bẫy do mình đặt ra, tự kết tội và đào hố chôn mình.

    Như người ta nói, hãy nghĩ kỹ trước khi bước giống như post bài trên facebook.

    Hiệu Minh/Trithuctre

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-ke-tu-ket-toi-va-dao-ho-chon-minh-tren-facebook-a189183.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan